Bám sát thực tế
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:36, 29/10/2014
Đồng Gia (Kim Thành) là xã có truyền thống sản xuất rau màu hàng hóa quy mô lớn. Vì thế, trong việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ở đây có những đặc trưng riêng.
Do việc phân chia ruộng đất hợp lý nên 170 ha đất nông nghiệp ở xã Đồng Gia không phải dồn điền, đổi thửa
Xã có 256 ha đất nông nghiệp. Theo kế hoạch, xã chỉ DĐĐT 46 ha khu ruộng mạ, còn những khu khác không DĐĐT. Làm việc với lãnh đạo xã Đồng Gia, chúng tôi được biết, 170 ha xã Đồng Gia không DĐĐT nằm ở 4 thôn: Đại Đồng, Đồng Xá Bắc, Đồng Xá Nam và Phí Gia. Trước đây đồng ruộng khu vực này cũng manh mún, nhỏ lẻ, không thuận tiện cho sản xuất. Có gia đình có đến 5-7 mảnh ruộng nằm rải rác ở nhiều khu đồng khác nhau. Tuy nhiên, vào khoảng năm 2003-2005, khi tỉnh có chủ trương thực hiện việc DĐĐT và phong trào trồng rau ở Đồng Gia phát triển, nhân dân đã tự chuyển đổi ruộng cho nhau để hình thành các khu ruộng tập trung. Trước đây, gia đình ông Phạm Ngọc Bẩy ở xóm 1, thôn Đồng Xá Bắc có 7,2 sào ruộng nhưng nằm ở 5 khu khác nhau. Ông Bẩy cho biết: "Trồng rau cần nhiều công cụ. Mỗi lần đi tưới rau chúng tôi vất vả vô cùng, xong ruộng này lại phải gói ghém đồ đạc để chuyển sang ruộng khác, cả buổi chiều chỉ tưới được 2-3 ruộng. Còn hiện nay, ruộng nhà tôi tập trung vào 2 khu nên việc đi lại, canh tác thuận lợi, tốn ít thời gian hơn. Một khu nhưng chúng tôi vẫn phân ra nhiều ruộng để trồng được nhiều loại cây khác nhau, vừa giãn thời gian chăm sóc, thu hoạch để tránh bị tư thương ép giá...". Cùng chung suy nghĩ đó, bà Phạm Thị Nga ở xóm 2 cho biết: "Trước đây, để thuận tiện, anh em trong gia đình chúng tôi cũng tự chuyển đổi cho nhau để hình thành các thửa ruộng lớn. Trong DĐĐT, chúng tôi cũng bố trí để nhà này vừa có ruộng gần, vừa có ruộng xa, vừa có xấu, có đẹp. Thậm chí, có nhà còn chấp nhận bị giảm diện tích khi chuyển đổi cho nhau nhưng họ vẫn vui vẻ". Sau khi DĐĐT, bình quân mỗi hộ ở khu vực này chỉ còn từ 1-2 thửa. UBND xã và nhân dân đã phối hợp làm được 3 km đường bê-tông ra đồng. Xã vận động, khuyến khích nhân dân cấy 1 giống, 1 thời gian để thuận tiện cho nhân dân trong việc thu hoạch.
Những năm gần đây, các hộ dân ở khu vực 46 ha khu xứ mạ cũng đã tự chuyển đổi cho nhau để hình thành các khu ruộng lớn, tuy nhiên diện tích ở đây rất nhỏ, trung bình chỉ khoảng 1 sào/mảnh. Vì thế xã có chủ trương sẽ vận động các hộ dồn cho một số hộ để hình thành các thửa ruộng lớn, thuận tiện cho việc canh tác, làm đường giao thông.
Việc DĐĐT ở Đồng Gia sẽ được thực hiện vào cuối năm nay. Đồng chí Đồng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Gia cho biết: "Việc DĐĐT ở Đồng Gia cũng đơn giản vì diện tích dồn nhỏ. Quan điểm của xã là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân. Còn việc thực hiện chuyển đổi cho nhau thế nào là để tự nhân dân thực hiện, tránh tình trạng nhân dân không muốn mà vẫn bị bắt ép thực hiện. Nguyên nhân là do đất sản xuất nông nghiệp ở Đồng Gia còn ít trong khi hiệu quả canh tác cao nên việc nhà này nhường nhà kia rất khó. Còn các khu vực còn lại thì chúng tôi thấy việc phân chia ruộng đã hợp lý và cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nên không cần DĐĐT. Ngoài ra, khu vực này cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt để xây dựng vùng sản xuất rau tập trung của tỉnh và theo quy định đó thì vùng này cũng không phải DĐĐT".
Như vậy, xuất phát từ thực tế mà xã Đồng Gia xây dựng kế hoạch DĐĐT cho phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Qua đây, các địa phương khác có cùng đặc điểm cũng cần học hỏi kinh nghiệm. Nếu những nơi ruộng đất phân chia đã hợp lý và nhân dân sản xuất ổn định thì không cần phải thực hiện DĐĐT; tránh tình trạng thực hiện một cách dập khuôn, máy móc, vừa lãng phí công sức, tiền bạc, vừa không phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
PV