Trọng điểm kinh tế của tỉnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:45, 30/10/2014
Những năm qua, TP Hải Dương tiếp tục khẳng định là trọng điểm kinh tế, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả tỉnh.
Những năm qua thành phố đã tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất linh kiện xe máy Honda ở Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (VNTEC), 100% vốn của Nhật Bản tại khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương). Ảnh: THÀNH CHUNG |
Ngày 6-8-1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/1997/NĐ-CP về việc thành lập TP Hải Dương. Sau hơn 40 năm, tên gọi "Thành phố Hải Dương" lại được khôi phục với diện mạo và cơ hội mới. TP Hải Dương có diện tích 36,27 km2, dân số 194 nghìn người gồm 11 phường và 2 xã. Thời điểm năm 1997, giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp của TP Hải Dương mới đạt trên 95 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 63,6 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt khoảng 14 tỷ đồng. Nhiều ngành sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng cao như: chế biến lương thực, thực phẩm, dệt may, sản xuất bàn ghế văn phòng từ ván gỗ ép... Lúc đó, cả thành phố mới có trên 100 HTX, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân và trên 5.000 hộ kinh doanh cá thể. Doanh thu hằng năm đạt trên 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7.500 lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2000, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hải Dương vẫn đạt bình quân gần 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 550 USD/năm, tăng gần gấp 2 lần so với năm 1995. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Thành phố đã chú trọng huy động các thành phần kinh tế, khai thác vốn từ nhiều nguồn và tập trung đầu tư tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ. Sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ổn định và phát triển. Kinh tế hộ, HTX, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh; năng lực sản xuất được nâng lên, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chung của thành phố. Sản xuất nông nghiệp giai đoạn này cũng phát triển ổn định. Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn được đẩy mạnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XIX năm 2000 xác định: Tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển toàn diện, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; tăng cường khai thác mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào những năm tiếp theo... Sau 5 năm, GDP bình quân đầu người đạt 15,63 triệu đồng/năm, tăng gần 80% so với năm 2000. Công nghiệp phát triển với tốc độ nhanh, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư và đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Khu công nghiệp Đại An, các cụm công nghiệp Cẩm Thượng, Ngô Quyền đã hình thành, thu hút nhiều doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá, hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thời kỳ này, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất canh tác bị thu hẹp, một bộ phận lao động trẻ chuyển sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thực hiện theo hướng tích cực và hiệu quả. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong nông nghiệp làm cho giá trị sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng lên, đời sống người nông dân ổn định.
Giai đoạn 2005 - 2014 chứng kiến sự phát triển liên tục với tốc độ cao của kinh tế TP Hải Dương. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ, từng bước đi vào khai thác lợi thế so sánh của một trung tâm kinh tế lớn của tỉnh. 3 khu công nghiệp và 5 cụm công với diện tích trên 1.000 ha, thu hút gần 150 dự án, trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao. Đến năm 2014, toàn thành phố có gần 2.200 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh và gần 6.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho gần 60 nghìn lao động. Nhiều ngành sản xuất có tốc độ tăng trưởng cao, doanh thu lớn như lắp ráp ô-tô, bia, nước giải khát, linh kiện điện tử, dây và cáp điện. Một số ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nhanh như thương mại, bưu chính-viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm... Thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng. Giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 825 triệu USD, tăng 21,2% so với năm 2013, chiếm trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm dây và cáp điện, linh kiện điện tử, bánh đậu xanh, hàng dệt may, da giày, lợn sữa đông lạnh, rau quả chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ... Thành phố ưu tiên những doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các mặt hàng có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, có giá trị kinh tế lớn. Trong nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng cây, con có giá trị kinh tế cao như hoa, cây cảnh, rau màu, lúa lai, lúa chất lượng cao... Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2014 luôn đạt cao. Năm 2011, đạt gần 560 tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ khủng hoảng kinh tế, nhưng mỗi năm, thu ngân sách của thành phố cũng đạt bình quân 450 tỷ đồng, cao nhất so với các huyện, thị xã trong tỉnh.
Trong những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân TP Hải Dương luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, xứng đáng là trọng điểm kinh tế của tỉnh.
VỊ THỦY