Xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết

Tin tức - Ngày đăng : 07:59, 30/10/2014

Sáng 29-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình báo cáo của Chính phủ về dự án xây dựng Cảng hàng không Long Thành.




Sáng 29-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường, nghe Tờ trình báo cáo dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.


Các đại biểu Hải Dương trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Trung Thu


Băn khoăn nợ công

Tờ trình báo cáo đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng trình bày nêu rõ: Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết vì sẽ hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Theo báo cáo, dự kiến toàn bộ dự án chia thành 3 giai đoạn với khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án khoảng 7,837 tỷ USD. Cơ cấu nguồn vốn: dự kiến vốn Nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) giai đoạn 1 là 84.624 tỷ đồng. Vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư) là 79.965 tỷ đồng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) tán thành chủ trương của Đảng và Nhà nước cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Bên lề QH, các đại biểu cho rằng QH nên xem xét kỹ để tránh bỏ lỡ cơ hội đầu tư mới này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tạo đột phá phát triển giao thông cho Việt Nam và cả khu vực. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần phải làm rõ một số chi tiết như kiểm soát vốn, nợ công và vấn đề di dân.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn, vấn đề nợ công hiện nay rất đáng lo ngại, do đó phải xem xét tính toán vốn đầu tư vào dự án. Tổng mức đầu tư của dự án này so với đường sắt cao tốc Bắc Nam trước đây là không lớn, nhưng dự án này chia thành nhiều giai đoạn mà Chính phủ mới báo cáo giai đoạn 1 là 8 tỷ USD, còn giai đoạn 2 sẽ thế nào, giai đoạn 3 hình thù ra sao thì chưa rõ. Báo cáo cũng chưa thấy cam kết của Chính phủ sẽ giữ đúng hạn mức đầu tư bởi trong báo cáo đã tính cả chi phí phát sinh, dự phòng nhưng phải nói rõ là không tăng tổng mức đầu tư. "Một việc hết sức quan trọng là đời sống người dân vùng dự án. Chúng ta dự kiến thu hồi 5.000 ha đất, hơn 14 nghìn người trong vùng dự án. Tính toán thu hồi, đền bù, thì tôi nghĩ là ổn rồi, nhưng còn nơi ăn, chốn ở, sinh kế của những người này thế nào", đại biểu Minh nói.

Theo đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương), việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một chủ trương hợp lý, nhưng làm như thế nào và làm vào giai đoạn nào, nguồn vốn từ đâu là một việc phải tính toán kỹ. Nếu thực sự dự án có hiệu quả thì khi kêu gọi các tập đoàn nước ngoài, họ sẽ bỏ vốn. Chúng ta thường nói hiệu quả rất cao, nhưng nếu không có ai bỏ vốn vào thì chưa chắc đã như vậy.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đánh giá, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có ý nghĩa rất quan trọng. Các đại biểu không nên lo lắng, băn khoăn quá để rồi chậm triển khai sẽ lỡ nhịp và lỡ cơ hội đầu tư và thu hút đầu tư, kéo theo đó là những vấn đề khác ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế của đất nước...

Thời gian còn lại của phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Cần phân cấp tối đa các khoản thu cho ngân sách cấp xã

Đầu buổi chiều 29-10, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) nhất trí tiếp tục quy định bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) là bội chi ngân sách Trung ương, chỉ ngân sách Trung ương được phép bội chi, mức bội chi được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi và tổng thu ngân sách Trung ương. Khi tính toán để xác định mức bội chi NSNN phải báo cáo đầy đủ tổng số vay và tổng số chi trả nợ gốc; nội dung chi trả nợ gốc vẫn sẽ được giám sát, quản lý theo các quy định về quản lý nợ công.

Về các khoản thu phân chia cho ngân sách xã, thị trấn, đại biểu Thăng cho rằng do các khoản thu ngân sách cấp xã rất hạn hẹp, hầu hết hoạt động của cấp xã phải dựa vào trợ cấp ngân sách từ cấp trên, nên không phát huy được tính chủ động, sáng tạo. Để khắc phục tình trạng này, luật nên quy định lại theo hướng ngân sách cấp xã được phân cấp tối đa các khoản thu thuế nhà đất, thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh, thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ gia đình, lệ phí trước bạ nhà đất. Ngân sách thị xã, thành phố thuộc tỉnh được phân cấp tối đa khoản thu lệ phí trước bạ, không kể lệ phí trước bạ nhà đất để bảo đảm chủ động thực hiện các nhiệm vụ chi của cơ sở và thị xã, thành phố. Việc quyết định tỷ lệ để lại cụ thể cho ngân sách cấp xã, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, Luật Ngân sách không hợp lý khi không hạch toán nguồn thu từ xổ số kiến thiết, tiền xử phạt, trái phiếu Chính phủ, dịch vụ dầu khí Vũng Tàu… Đại biểu Thuyền đề nghị các nguồn thu về ngân sách đều phải đưa vào NSNN để cân đối, quản lý, nếu để ngoài sẽ phát sinh tiêu cực. Cần có sự tính toán chi tiết, tập trung toàn bộ các nguồn thu về ngân sách, tránh các nguy cơ sử dụng sai, tự sử dụng nguồn ngân sách. Đại biểu Thuyền đồng tình về dự phòng ngân sách là rất cần thiết, nên ở mức 5% như Chính phủ đề xuất là hợp lý, mức bội chi cũng chỉ nên dưới 5%.

Trách nhiệm khắc phục sau kiểm toán còn lờ mờ

Nửa cuối buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi). Một số đại biểu cho rằng, kết quả công tác kiểm toán nhà nước trong thời gian qua chưa hiệu quả.

Theo đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng), trong dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi), phần trách nhiệm khắc phục sau kiểm toán còn lờ mờ, chưa rõ. Đại biểu Tiến đề nghị luật cần đề cao trách nhiệm của kiểm toán; trách nhiệm giám sát hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả kiểm toán.

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị không đưa chế độ lương của tổng kiểm toán và kiểm toán nhà nước vào luật để phù hợp với Luật Cán bộ, công chức. Đại biểu Lâm cho rằng, luật nên quy định về đối tượng được kiểm toán là những doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn NSNN chi phối trên 50% trở lên; nên kiểm toán cả nợ công để thực sự minh bạch; kiểm toán cơ quan quản lý thuế…

PV - TTXVN