Doanh nghiệp quen hối lộ có xác suất ngừng hoạt động lớn hơn

Công nghiệp - Ngày đăng : 17:48, 04/11/2014

Các doanh nghiệp làm ăn chân chính có khả năng tồn tại tốt hơn, trong khi các doanh nghiệp có thói quen “hối lộ” lại có xác suất rời bỏ thị trường lớn hơn.



Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Môi trường kinh doanh gần như không được cải thiện, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh năm 2013.

Tuy nhiên trong quá trình đào thải cho thấy, các doanh nghiệp làm ăn chân chính có khả năng tồn tại tốt hơn, trong khi các doanh nghiệp có thói quen “hối lộ” lại có xác suất rời bỏ thị trường lớn hơn.

Đây là những điểm nhấn được nêu trong báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013” do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường Đại học Copenhagen (UoC) phối hợp thực hiện.

Báo cáo là kết quả từ cuộc điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa lần thứ năm, với việc các cuộc phỏng vấn trực tiếp gần 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài quốc doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến.

Khu vực điều tra tại 10 tỉnh, thành phố, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hà Tây (cũ), Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Long An.

Báo cáo này cũng được xây dựng dựa trên cơ sở những doanh nghiệp đã được phỏng vấn vào các năm 2005, năm 2007, năm 2009 và năm 2011.




Tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam phân theo quy mô, địa điểm và sở hữu


15% doanh nghiệp “né được bão”

Theo báo cáo, 70% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh của họ vào năm 2013 và chỉ có 15% doanh nghiệp cho rằng họ không cảm thấy những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng.

Báo cáo cũng chỉ ra, các doanh nghiệp đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để đối phó với khủng hoảng, trong đó cắt giảm chi phí sản xuất (58%,) tìm kiếm thị trường mới cho đầu ra (49%) là các biện pháp được sử dụng nhiều nhất.

Ngoài ra, có khoảng 5% doanh nghiệp được hỏi cho rằng khủng hoảng đã tạo ra một số cơ hội kinh doanh. Kết quả điều tra chỉ ra, số ít doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tích cực trong năm 2013 là nhờ vào khả năng tiếp cận nguồn đầu vào giá rẻ, sản phẩm ít cạnh tranh đồng thời sở hữu nguồn lao động kỹ năng đã có sẵn.

Giáo sư John Rand, Trường Đại học Copenhagen đánh giá, “môi trường kinh doanh về tổng thể dường như không được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước (giai đoạn 2009-2011,) doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại trong kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí phi chính thức và khó khăn tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.

Nghiên cứu đặc điểm của các doanh nghiệp thoát ra khỏi thị trường, báo cáo cho thấy nhóm doanh nghiệp có thời gian hoạt động (từ 11 năm đến 20 năm) chiếm 46,8% số doanh nghiệp bị đào thải, trong khi nhóm doanh nghiệp hoạt động (từ 30 năm trở lên) có tỷ lệ ra khỏi thị trường là 7,4%.

Đáng chú ý, 19% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ đã phải thanh toán các khoản chi phi chính thức trong năm 2013, trong đó chiếm gần 29% các khoản chi này có liên quan đến dịch vụ công. Song bên cạnh đó, kết quả điều tra lại cho thấy các doanh nghiệp chi hối lộ có xác suất thoát ra khỏi thị trường cao hơn 3%.



Dấu hiệu trì trệ

Trong bối cảnh đầu ra khó khăn, các doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết tỷ lệ cải tiến sản phẩm đã giảm đi, từ mức 41% (giai đoạn 2009-2001) xuống còn 38% (năm 2013,) đặc biệt là nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ đã thể hiện rõ xu hướng này.

Báo cáo phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những gánh nặng từ hàng tồn kho, bởi thay vì giới thiệu sản phẩm hoặc công nghệ mới, các doanh nghiệp lại phải tập trung vào việc tiêu thụ  hàng trong kho.

Giáo sư John Rand khuyến cáo, “sự suy giảm này có thể là một vấn đề đối với tính năng động trong tương lai. Vì sự đổi mới thông qua việc cải tiến sản phẩm có quan hệ thuận chiều với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, các chính sách mới cần hướng trọng tâm khuyến khích nâng cao năng lực sáng tạo tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Một hiện tượng đáng lo ngại khác mà báo cáo nêu nên là tình trạng giảm năng suất lao động (năm 2013) so với năm 2011 và sự suy giảm này chủ yếu đến từ doanh nghiệp siêu nhỏ khu vực nông thôn.

Cụ thể, 75% doanh nghiệp tham gia điều tra có năng suất lao động giảm đi trong giai đoạn 2011-2013.

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện những khoản đầu tư mới cũng giảm từ mức 56% (năm 2011) xuống 48% (năm 2013), đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ ở thành thị miền Nam đóng góp chính vào sự sụt giảm này.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh", qua số liệu báo cáo cho thấy, tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân ở Việt Nam trong hai năm (2012-2103) rất ảm đảm, tất cả các chỉ số đều nằm ở mức suy giảm (số lượng, quy mô, năng suất, đầu tư, đổi mới.)

Tuy nhiên, điều mà chúng tôi lo lắng là những vấn đề này từ lâu đã được chỉ ra, song tại sao doanh nghiệp Việt Nam vẫn không lớn được và không thể lớn được, bởi thực chất họ đang thiếu tính nền tảng. Do đó, tất các các giải pháp như thương mại hóa, đổi mới… mà chúng ta đã làm trở nên không có hiệu lực và hiệu quả”.

Vietnam+