Tổng thống Obama đã mất tất cả?

Tin tức - Ngày đăng : 09:13, 06/11/2014

Kết quả sơ bộ bầu cử giữa kỳ tại Mỹ cho thấy, đảng Dân chủ của Tổng thống Obama đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát Quốc hội.


Obama đã mất tất cả!

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Đến thời điểm này, kết quả kiểm phiếu đã được công bố ở khá nhiều bang. Mặc dù ở một số bang, người Mỹ vẫn tiếp tục đi bỏ phiếu nhưng kết quả đã gần như ngã ngũ.

Theo sơ bộ, tại Thượng viện, phe Cộng hoà đã giành được 18 ghế, còn Dân chủ của Tổng thống Obama chỉ giành được 10 ghế trong tổng số 36 ghế Thượng nghị sỹ mà 2 bên đang tranh giành trong cuộc bầu cử lần này. Như vậy, nếu tính cả các ghế không phải bầu lại thì tương quan giữa Dân chủ và Công hoà là 42/48. Dân chủ của Tổng thống Obama đang bị dẫn điểm.

Đáng chú ý, đảng Cộng hòa đã giành 5 ghế từ tay đảng Dân chủ tại các bang Colorado, Montana, South Dakota, Arkansas và đặc biệt là West Virginia, nơi vốn là căn cứ địa của đảng Dân chủ trong suốt gần 30 năm qua. Trong cuộc chạy đua lần này, đảng Cộng hoà nếu giành được 6 ghế từ phía đảng Dân chủ sẽ nắm quyền kiểm soát Thượng viện.

Tại Hạ viện, cuộc đua này chỉ là vấn đề phe Cộng hoà sẽ chiếm thêm bao nhiêu ghế nữa để củng cố lợi thế đa số của họ. Kết quả sơ bộ lúc này đang cho thấy, phe Cộng hoà đang có ưu thế khá lới với phe Dân chủ là 173/101.

Sự thất bại của đảng Dân chủ nói chung và cá nhân Tổng thống Obama nói riêng là hoàn toàn có thể giải thích được.

Các chuyên gia nói rằng cùng với thời gian, khuyết điểm của Tổng thống Barack Obama càng rõ nét. Lãnh đạo hành pháp Mỹ có tài hùng biện, nhưng “nói thì quá nhiều, mà làm thì quá ít”.

Nhược điểm thứ nhì của ông Obama là trong nhiệm kỳ hai, ban cố vấn cho Tổng thống Mỹ là những người trung thành với ông chứ không phải là những chuyên gia thực sự có tài trong những lĩnh vực mà họ được chọn để giúp ông lèo lái vận mệnh đất nước. Cụ thể hơn chính sách an ninh và đối ngoại của Mỹ dưới sự điều hành của hai cộng tác viên rất trung thành với ông Barack Obama là bà Susan Rice và John Kerry đã bị chỉ trích dữ dội.

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Obama đã thất bại thảm hại, từ Trung Đông đến Nga-Ukraina.

Rất nhiều ưu tiên ngoại giao mà Tổng thống Mỹ từng hùng hồn loan báo đều đã thất bại, mà nặng nề nhất có lẽ là hồ sơ Trung Đông, với cuộc tranh chấp Israel-Palestine. Vào lúc nhậm chức, ông Obama từng cam kết giải quyết trong một năm. Nhưng mục tiêu hai Nhà nước Israel và Palestine cùng song song tồn tại vẫn rất xa vời, tiến trình Israel xâm chiếm các vùng đất trên nguyên tắc là của người Palestine vẫn tiếp tục, dải Gaza nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người Palestine vẫn là một nhà tù lộ thiên to lớn do chính sách phong tỏa của Israel, thậm chí mùa hè vừa qua, quân đội Do Thái còn mở cuộc tấn công, sát hại hơn 2000 người, phá hủy 15% nhà cửa...

Iraq là một thất bại lớn thứ hai. Việc ông Obama cho rút quân quá sớm khỏi nước này vào năm 2010, là một lỗi lầm gần nặng bằng quyết định tấn công Iraq của ông Bush vào năm 2003. Và khi phải can thiệp chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã ngóc đầu dậy từ khi người Mỹ rút đi, ông Obama lại phạm sai lầm khi công khai báo trước cho kẻ thù rằng sẽ không có vấn đề can thiệp trên bộ. Tại vùng Trung Đông, chính sách của Mỹ còn gặp khó khăn tại Syria, tại Ai Cập.

Còn ở châu Âu, đường lối gọi là khởi động lại “reset” quan hệ với Nga cũng thất bại vì Obama chưa từng tự hỏi ông Putin là người thế nào. Kết quả là ngoại giao Mỹ-Nga lâm vào bế tắc.

Trên hồ sơ Ukraina, ông Obama đã để cho các nhà ngoại giao của mình công khai ủng hộ những người biểu tình trên quảng trường Maidan chống lại một Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp. Nước Mỹ lại có thái độ coi nhẹ Liên minh châu Âu trong việc giải quyết khủng hoảng bùng lên, và đã phá vỡ một khả năng thỏa hiệp với Nga ngày 21-4-2014

Thành công hiếm hoi của Tổng thống Mỹ Obama lại là ở châu Á, với việc ông đã biết cách nói chuyện với Trung Quốc, xây dựng được một tiến trình đối thoại, vừa mang tính chất tôn trọng lẫn nhau, vừa duy trì thái độ kiên quyết cần thiết.

Nhưng công bằng mà nói, ông Barack Obama dù thất bại về an ninh và ngoại giao nhưng lại có công rất lớn trong các vấn đề đối nội.

Báo Libération của Pháp cho rằng, “người Mỹ đã không biết ơn người đã mang tăng trưởng trở lại cho nước Mỹ, hạ thấp mức thất nghiệp, và lại càng không cảm tạ ông về chế độ bảo hiểm y tế Obamacare". Nhưng tại sao ông lại bị mất uy tín? Theo tờ báo, “ông Obama bị coi là quá tính toán, do dự trong các vấn đề quốc tế”.

Mặc dù thất bại nhưng theo các chuyên gia trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016 thì đảng Cộng hòa vẫn sẽ thua. Vì tới nay đảng này vẫn chưa tìm ra đồng thuận về người đại diện cho đảng này để ra tranh cử, trong lúc bên phía đảng Dân chủ thì mọi chuyện đã an bài. Ứng cử viên của đảng này sẽ là bà Hillary Clinton.

Cử tri Mỹ lại có khuynh hướng bỏ phiếu cho một biểu tượng. Sau khi đã đưa người Mỹ da đen đầu tiên vào Nhà Trắng, trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới, một phụ nữ sẽ ngồi vào chiếc ghế tổng thống để điều hành đất nước.


Theo Petrotimes.vn