Đề nghị mỗi bộ, mỗi tỉnh chỉ có 2 cấp phó
Tin tức - Ngày đăng : 14:02, 07/11/2014
Theo đại biểu Trần Du Lịch, mỗi bộ, mỗi tỉnh chỉ cần 2 cấp phó
Ảnh: TTXVN
Về mục tiêu, quan điểm xây dựng luật, các đại biểu nhất trí với báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ sáng tạo, năng động, tinh gọn về tổ chức, hiệu lực, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm quản lý, giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập và hợp tác quốc tế. Theo đại biểu Trương Thị Mai (Lâm Đồng), dự thảo luật cần làm rõ chức năng quản lý nhà nước và xu hướng đổi mới trong tương lai. Chức năng quan trọng của quản lý nhà nước là ban hành văn bản thực thi Luật, tổ chức thực thi pháp luật và thanh tra, kiểm tra công việc này. Chính phủ cần làm tốt việc này và phân cấp mạnh cho địa phương để tạo cho người dân một môi trường an toàn, chấp hành tốt pháp luật.
Góp ý về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, nhiều đại biểu cho rằng chức năng, nhiệm vụ, địa vị pháp lý của Chính phủ trong bộ máy nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 tuy nhiên dự thảo luật chưa thể hiện rõ nội dung này. Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) nhận định: dự án luật chưa thể hiện rõ được vị trí của Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất như quy định của Hiến pháp năm 2013 mà vẫn là các quy định cũ về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của Thủ tướng, các bộ trưởng...
Thảo luận về tình trạng nhiều bộ có quá nhiều cấp phó, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị tại kỳ họp này, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải quy định rõ số cấp phó, giảm được biết bao nhiêu biên chế. Nhắc lại lời than phiền đang có quá nhiều cấp phó ở các cơ quan mà theo đại biểu Lịch, biện hộ việc nhiều cấp phó vẫn không có người đi họp là không đúng. Đại biểu Lịch cho rằng, lý do có quá nhiều cấp phó là vì các bộ không mạnh dạn giao quyền cho các sở, vụ, cục phụ trách chuyên môn. “Cấp phó đang bị biến thành một cấp hành chính. Theo tôi, mỗi bộ, UBND mỗi tỉnh chỉ cần 2 cấp phó”, đại biểu Lịch nói.
Về sự phân cấp phó chính quyền địa phương, đại biểu Trần Du Lịch đặt vấn đề: “Chúng ta nói phân cấp nhưng phân cấp có phải phân quyền không. Phải định nghĩa cho rõ, phân cái gì cho địa phương”. Theo đại biểu Lịch, phải dứt khoát một nguyên tắc: Mỗi công vụ chỉ một cấp chính quyền làm. Xã làm thì huyện không làm, huyện làm thì tỉnh không làm nữa... “Đừng biến cơ sở thành cái máng xối, mọi thứ dồn xuống, biên chế tăng lên vùn vụt vì công vụ trùng lắp”, đại biểu Lịch nói.
Về mối quan hệ giữa Chính phủ với QH, với quy định “Chính phủ đề nghị QH, Ủy ban Thường vụ QH chưa thông qua hoặc xin rút lại các dự án luật, pháp lệnh, nếu thấy không đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc không bảo đảm tính khả thi”, các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, Thuận Hữu (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn vì thực tế thời gian qua đã có tình trạng nhiều dự án luật được đưa vào xây dựng luật, pháp lệnh nhưng lại bị rút lại. "QH đã quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các cơ quan có trách nhiệm phải thực thi. Để bảo đảm tính nghiêm túc, dự án luật cần có chế định quy định điều kiện xin rút lại các dự án luật và trách nhiệm của các cơ quan trình dự án luật", đại biểu Tuyết nhấn mạnh.
Chưa thống nhất về tổ chức HĐND cấp quận, phường
Chiều 7-11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vẫn còn không ít ý kiến đại biểu trái chiều về việc tổ chức hay không tổ chức HĐND ở các cấp quận, phường.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc không tổ chức HĐND quận, phường được đưa ra trên cơ sở thực hiện thí điểm của 10 tỉnh, thành phố về việc không tổ chức HĐND ở cấp quận, huyện, phường với những kết quả khả quan của quá trình thí điểm, là cơ sở để nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Việc không tổ chức HĐND cấp quận, phường về mặt bản chất là chuyển từ hình thức dân chủ đại diện sang hình thức dân chủ trực tiếp. Khi đó, chính quyền địa phương sẽ gần dân, sát dân hơn, người dân trực tiếp tiếp xúc với UBND để phản ánh tâm tư, nguyện vọng và được UBND trực tiếp giải quyết các vấn đề bức xúc của mình. Không tổ chức HĐND cấp quận, phường không có nghĩa là bỏ chức năng đại diện giám sát và quyết định các vấn đề ở cấp quận, phường. Chức năng này sẽ được chuyển cho HĐND thành phố, thị xã thực hiện. Bên cạnh đó, không tổ chức HĐND cấp quận, phường sẽ tinh giản bộ máy, biên chế, giảm các chi phí cho hoạt động của chính quyền địa phương.
Hoàn toàn đồng tình với chủ trương này, đại biểu Trần Du Lịch, Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho rằng quy định như vậy là hợp Hiến. Ở nơi không tổ chức HĐND cần xây dựng mô hình chính quyền sao cho sát với tình hình thực tế. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) đề nghị quy định chính quyền đô thị bao gồm 2 cấp là cấp tỉnh, thành phố và cấp cơ sở; chính quyền nông thôn vẫn giữ 3 cấp như hiện nay.
Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến nghiêng về quy định cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các cấp như hiện hành, ở đâu có cơ quan quyền lực, ở đó có cơ quan giám sát. Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng không thể vi phạm nguyên tắc ở đâu có cơ quan hành pháp, ở đó có cơ quan giám sát; có cơ quan quyền lực, phải có cơ quan giám sát. Đại biểu Hà lý giải trong số 10 tỉnh thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, không phải ở đâu hoạt động của HĐND cũng yếu kém, nhiều Nghị quyết của Đảng đã đánh giá HĐND đã đóng góp vào việc xây dựng chính quyền ngày một tốt hơn, đến khi thí điểm lại nói yếu kém là không nhất quán. Đại biểu Hà viện dẫn ý kiến của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Giàng Thị Bình (Lào Cai), Phạm Đức Châu (Quảng Trị) không đồng tình với việc không tổ chức HĐND quận, phường và đề nghị QH dự thảo theo hướng nơi nào có tổ chức UBND, nơi đó phải có HĐND.
Các đại biểu nêu rõ mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia, phải được QH thảo luận, cân nhắc thận trọng trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của QH, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương...
TTXVN-TT
Ngày 8-11, QH nghiên cứu tài liệu. Chủ nhật 9-11, QH nghỉ. Ngày 10-11, QH làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và thông qua nghị quyết này; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. Buổi chiều, QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và thông qua nghị quyết này; nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này. |