"Vỡ mộng" ở Malaysia
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 02:36, 20/11/2014
Ngay sau khi đặt chân đến Malaysia, người lao động đã bị “vỡ mộng”, suy sụp tinh thần, mong muốn sớm được quay về.
Về nước từ ngày 13-11 nhưng anh Đặng Tuấn Linh vẫn còn yếu
Những ngày gần đây, người dân ở thôn Lam Sơn, xã Lam Sơn (Thanh Miện) xôn xao về thông tin 3 lao động của địa phương đi Malaysia phải chịu cảnh khổ sở nơi xứ người. Anh Đặng Tuấn Linh, một trong 3 lao động ấy đã được trở về nhà từ ngày 13 - 11. Mặc dù đang sốt cao và rất yếu nhưng anh Linh vẫn cố gắng tiếp chuyện với chúng tôi. Anh Linh cho biết, theo lời giới thiệu của người quen, anh cùng anh Nguyễn Văn Giang và anh Vũ Văn Thuấn (cùng ở thôn Lam Sơn) lên Công ty CP Giáo dục và Đào tạo quốc tế Sài Gòn (có trụ sở tại số 1 đường Lương Thế Vinh, TP Hải Dương) tìm hiểu thông tin về việc xuất khẩu sang Malaysia làm xây dựng, ốp lát gạch. Theo thông báo tuyển dụng, công ty này liên kết với Công ty CP Tập đoàn FLC (có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) để tuyển lao động. Mỗi lao động phải đóng 1.700 USD, trong đó nộp trước 1.000 USD tiền đặt cọc, số tiền còn lại được công ty cho vay và trừ vào lương. Mức lương cam kết tối thiểu 12 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, công việc không suôn sẻ như mọi người nghĩ. Theo lời anh Linh kể thì đến nơi được 3 ngày, anh đã bị cảnh sát địa phương bắt giam vì không có hộ chiếu. Quần áo, tư trang đem theo bị lấy hết. 5 ngày bị giam giữ, chủ lao động người Malaysia mới đến bảo lãnh cho anh. Khi về đến công trường thì cũng không khá hơn, công việc thực tế không như được giới thiệu ban đầu. Thay vì công việc ốp lát bên trong các toà nhà đã hoàn thiện, những ngày đầu anh phải trèo lên những giàn giáo rất cao mà không có đồ bảo hộ để trát, bả tường. Không chỉ có vậy, khu nhà ở trong điều kiện tồi tàn, bẩn thỉu. Mỗi phòng chứa từ 20 - 30 người với nhiều quốc tịch khác nhau. Điều kiện ăn ở thiếu thốn, không khí ngột ngạt, nhiều rệp bọ và lúc nào cũng lo sợ bọn xã hội đen đe dọa. Tối 1-10, anh Linh và nhiều lao động khác bị một nhóm xã hội đen bắt đứng xếp hàng, yêu cầu mỗi người phải nộp cho bọn chúng 50 ringit. “Vì mới sang, chúng tôi không có tiền để nộp nên nhiều người bị bọn chúng đánh đập dã man, nhưng không ai dám kêu. Sau đó chúng bắt chúng tôi phải hứa nộp tiền nếu không chúng sẽ giết. Khi đó, tôi rất sợ hãi, không biết làm gì chỉ mong được về nước ngay lập tức”, anh Linh cho biết.
Do không biết tiếng, họ phải gọi điện cho người thân ở nhà liên lạc với công ty đưa họ trở về. Vì quá lo lắng, bà Đỗ Thị Thủy (mẹ của anh Linh) phải liên hệ với công ty và làm đơn lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) nhờ giúp đỡ, anh Linh mới được về nước. Còn anh Giang và anh Thuấn do mất hộ chiếu nên đến nay vẫn chưa làm được thủ tục để về. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào tối 16 - 11, anh Giang cho biết: “Từ sau khi Linh về, chúng tôi chuyển vào trong công trường ở nên an ninh bảo đảm hơn. Tuy nhiên, phòng ở hẹp, không có giường, 6 anh em chúng tôi phải nằm đất. Bây giờ chúng tôi chỉ biết nhờ gia đình ở nhà liên hệ với công ty và các cơ quan chức năng giúp đỡ để sớm được trở về nước”.
Hiện nay, anh Giang và anh Thuấn đều rất mệt mỏi, sức khỏe giảm sút. Không có tiền, các anh đang phải nhờ sự giúp đỡ của những lao động khác. Từ ngày biết tin về tình hình công việc của chồng, chị Nguyễn Thị Xa (vợ của anh Giang) cứ bần thần lo lắng chỉ biết cầu mong cho chồng mình sớm được trở về. Chị Xa chia sẻ: “Tôi phải vay lãi ở ngoài 40 triệu đồng lo cho chồng đi xuất khẩu lao động, sau này không biết lấy tiền đâu để trả. Nếu biết trước chuyện thế này thì tôi cho chồng ở nhà làm ruộng còn hơn”. Còn bà Đinh Thị Hoa (mẹ của anh Thuấn) thì chỉ biết kêu khóc vì thương con. Hiện nay, gia đình vẫn liên lạc được với họ nhưng chưa biết đến bao giờ thì người thân của họ mới được về nước.
Người lao động sẽ sớm được về nước
Ngay sau khi có thông tin về việc 3 lao động ở Malaysia muốn về nước, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức một đoàn về xã Lam Sơn, đồng thời tiến hành làm việc với đại diện Công ty CP Giáo dục và Đào tạo Sài Gòn và Công ty CP Tập đoàn FLC chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Ngày 13 - 11, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có văn bản báo cáo tình hình và đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết các vấn đề liên quan đến việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Sáng 17 - 11, trao đổi với chúng tôi, bà Đào Thị Bích Thủy, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty CP Giáo dục và Đào tạo Sài Gòn cho rằng công ty đã làm đúng chức năng của mình (theo Hợp đồng số 03/HĐLKTN ngày 25 - 7 -2014) là “Liên kết tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài”. Cụ thể, hỗ trợ, tuyên truyền, tư vấn và sơ tuyển lao động theo đúng tiêu chuẩn. Còn việc ký kết hợp đồng là do người lao động ký trực tiếp với Công ty CP Tập đoàn FLC chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Về phía Công ty CP Tập đoàn FLC chi nhánh TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Việt, cán bộ quản lý lao của doanh nghiệp này sáng 17-11 cho chúng tôi biết qua điện thoại: “Đối với trường hợp của anh Linh, công ty đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tiến hành thanh lý hợp đồng và gia đình bà Thủy đã có câu trả lời thỏa đáng với công ty. Công ty cũng đang làm thủ tục cho anh Nguyễn Văn Giang và anh Vũ Văn Thuấn về nước, dự kiến trong hai ngày 20 đến 21 - 11 tới. Công ty sẽ xem xét cụ thể để giải quyết chế độ cho 2 lao động trên. Sau khi các lao động đã về nước, phía công ty sẽ tổ chức họp báo để cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến vụ việc".
Theo bà Đỗ Thị Thủy, ngày 15 - 11, đại diện Công ty CP Tập đoàn FLC chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã tới nhà và trao 21 triệu đồng cho anh Đặng Tuấn Linh.
Đề nghị các cơ quan chức năng sớm kiểm tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót để bảo đảm quyền lợi của người lao động.
ĐỨC TÂM