"Một thời bụi phấn": Niềm tự hào của nghề làm thầy

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 17:28, 20/11/2014



Sau một thời gian phát động cuộc thi sáng tác thơ “Một thời bụi phấn” lần thứ 2 dành cho tất cả các hội viên trong toàn tỉnh, Hội Cựu giáo chức tỉnh đã nhận được hàng nghìn bài thơ của các hội viên. Qua phần chấm sơ khảo ở cấp huyện, Ban tổ chức cuộc thi đã chọn được gần 300 bài đưa vào chấm ở vòng chung khảo, chọn lọc được 11 bài tiêu biểu để trao giải, đồng thời đã chọn hơn 100 bài để đưa vào cuốn sách “Một thời bụi phấn” tập II do Nhà xuất bản Văn học phát hành.

Đọc và suy ngẫm về nội dung tập thơ, trong lòng tôi trào dâng niềm vui về sự hưởng ứng nhiệt tình đầy tâm huyết của các nhà giáo. Cảm nghĩ về cái hay, cái đẹp của các bài thơ thì có rất nhiều, nhưng bao trùm lên trong tâm trí tôi là niềm tự hào, kiêu hãnh của nghề làm thầy. Khi nhớ lại một thời bụi phấn, nhà giáo Nguyễn Thị Ánh viết: “Một nghề cao quý vinh hoa/ Đảng tin, dân cậy ấy là niềm vui”.
Vào tuổi tám mươi, nhà giáo Vũ Tiến Đức rạo rực với niềm vui:

Cái nhân, cái đức truyền con trẻ
Kiến thức vun trồng những trái hoa
Đời thế là mừng vui biết mấy
Ngàn năm nối nghiệp bước ông cha


Vì sự thanh tao, cao quý của nghề làm thầy cho nên khi đã rời bục giảng về nghỉ hưu, hằng ngày sống vui vầy với các cháu con, nhưng các nhà giáo vẫn không thể nào quên được những kỷ niệm sâu sắc về mái trường thân yêu, với những tâm hồn ngây thơ, trong trắng của học trò, với bạn bè đồng nghiệp thân thương:

Tôi nhớ về một thuở xa xôi
Đã khắc sâu trong lòng tôi bao kỷ niệm
Tất cả giờ đây đang hiển hiện
Dáng thầy cô hiền từ và giọng nói thân thương
(Phạm Xuân Chiêm)


Nhớ lại những giờ lên lớp giảng bài, nhà giáo Nguyễn Văn Thịnh không thể nào quên được những công cụ, phương tiện gắn bó với người thầy:
Tiếng trống trường - người bạn đời thân thiết
Sát cánh bên nhau trong đạo lý cương thường
Trong lương tri trách nhiệm tình thương
Nét phấn bay lung linh hồn đất.
Tái hiện lại những lúc ngồi chấm bài cho học sinh, nhà giáo Phạm Thị Miên suy tư:

Tôi lướt qua gương mặt các em
   Trang giấy trải phập phồng hơi thở
   Lời giảng của tôi đang nằm trong đó
   Có còn không? Hay thoảng gió bay?


Một trong những nét đẹp của truyền thống dân tộc Việt Nam đó là truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Khi đọc các bài thơ trong cuộc thi lần này, tôi bắt gặp không ít ý thơ toát lên tấm lòng thủy chung trước sau như một trong tình cảm thầy trò. Mơ ước có một ngày được về thăm thầy, nhà giáo - học trò Đinh Trọng Oánh đã viết:

Em mơ thành đứa trẻ ngây thơ
Được ríu rít về nhà thầy mừng thọ
Bao kỷ niệm những ngày còn nhỏ
 Cứ ùa về như gió mở chồi xuân


Tiếp cận quan điểm “Giáo dục con người thực chất là giáo dục bằng tình cảm…”, đã có không ít nhà giáo đạt được hiệu quả cao trong quá trình giáo dục học sinh cá biệt. Cảm động biết bao cuộc gặp gỡ giữa người thầy năm xưa và cậu học trò cá biệt như sự mô tả của nhà giáo Vũ Minh Thoa:

Em chào thầy, thầy lạ lùng… chào bác!
(Tóc em thì bạc, tóc thầy còn xanh)
Thưa thầy: em tên Lanh -
 Trò xưa: cá biệt!
Thầy nhớ ra rồi
Đã có lần thầy phạt
Em vẽ râu làm hề…
Bốn mắt cười rung nắng một vùng quê


Để có được niềm vui về sự thành công trong nghề nghiệp, người thầy phải thức khuya, dậy sớm, phải cần mẫn, miệt mài, thường xuyên cập nhật kiến thức, “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Chính những niềm vui ấy đã được lớp lớp học trò ghi lại trong con tim khối óc của họ và mang theo trong suốt những năm tháng cuộc đời:

Lên “ông” nay vẫn vui vầy
Lên “bà” còn nhớ cô thầy năm xưa
Đời người bao cuộc tiễn đưa
Bấy lần xa cách vẫn chưa phai mờ   
 (Vũ Diệp)


 “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Lời dạy ấy của Bác Hồ vẫn được các nhà giáo nghỉ hưu mang theo trong hành trình của tuổi già. Như nhà giáo Vũ Minh Thoa viết: “Nghỉ việc trồng người, thầy lại trồng cây/ Gom màu xanh cho đất…”

Nếu coi mỗi bài thơ là một nốt nhạc thì cả tập thơ sẽ tạo thành một bản hợp xướng hùng tráng ca ngợi vẻ đẹp thanh tao, cao thượng của những người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp “trồng người”. 

 TS. PHẠM TRUNG THANH