Đi đầu xây dựng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:12, 27/11/2014
Là những người có uy tín trong cộng đồng, các cựu chiến binh ở huyện Gia Lộc luôn gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng nông thôn mới.
Ông Đào Văn Thất, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Nhật Tân (Gia Lộc), Trưởng thôn Cao Duệ
luôn sát sao trong chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa
Ngay từ những ngày đầu thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Đồng Quang đã quán triệt rõ trách nhiệm của hội viên trong công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện. Hội động viên từng thành viên tập trung vào 11 tiêu chí, như: phấn đấu 100% gia đình CCB dùng điện an toàn; không còn gia đình CCB ở nhà tạm, dột nát; trên 95% số hộ có nhà đạt tiêu chí của Bộ Xây dựng; thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 1,5 lần so với mức bình quân khu vực nông thôn của tỉnh; giá trị sản xuất 90 triệu đồng/ha/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%… Ông Nguyễn Đức Dào, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: "Hiện nay cơ sở hội đã đạt được 10 trong tổng số 11 tiêu chí (trừ tiêu chí thu nhập). Nhiều CCB đã gương mẫu hiến đất, góp của, góp công làm đường giao thông, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào làm đường giao thông. Đến nay, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông, một tiêu chí khó trong xây dựng NTM. Hội viên Hội CCB toàn xã đã ủng hộ hơn 164 triệu đồng và hơn 300 ngày công. Điển hình như các CCB Phạm Văn Hiện, Chi hội CCB thôn Đông Thượng ủng hộ 25 triệu đồng và 52 ngày công; Phạm Văn Hồng, Chi hội CCB thôn Quang Tiền ủng hộ 9 triệu đồng và công xây 30 m tường bờ mương để thôn đổ bê-tông mặt đường…".
Nhiều người dân sau khi được hội viên CCB vận động đã tình nguyện hiến hàng trăm m2 đất làm đường giao thông. Cụ Vũ Đức Hoạt ở thôn Đông Thượng cho biết: “Sau khi nghe các CCB giải thích thấu tình đạt lý về chủ trương xây dựng NTM, tôi đã hiến hơn 100 m2 đất ruộng để làm đường giao thông nội đồng. Ngoài ra, tôi còn vận động các con hiến hơn 200 m2 đất ruộng”.
Khuông Phụ không phải là thôn thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) làm điểm của xã Yết Kiêu, nhưng nhận thấy chủ trương này sẽ đem lại lợi ích lớn cho nhân dân, Chi hội CCB thôn đã cùng với chi ủy Chi bộ 7 tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công thực hiện DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Vì vậy, chỉ trong 2 tháng 11 và 12-2013 thôn Khuông Phụ đã hoàn thành DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Sau DĐĐT, thôn đã quy hoạch được hệ thống thủy lợi, giao thông thuận tiện cho sản xuất. Kinh phí DĐĐT là 54 triệu đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp. Ông Phạm Đình Thơi, Chủ tịch Hội CCB xã Yết Kiêu cho biết: “Khi triển khai xây dựng NTM, hội viên đều gương mẫu đi đầu hiến đất, đóng góp tiền, ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng, là nòng cốt trong việc vận động nhân dân DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng”.
Những kết quả quan trọng
Nhờ Hội CCB tích cực vào cuộc, nhiều xã thuần nông ở Gia Lộc có xuất phát điểm thấp khi xây dựng NTM nhưng nay đã hoàn thành được một số tiêu chí khó. Cụ thể như xã Nhật Tân đã hoàn thành tiêu chí giao thông và đang tiến hành DĐĐT trên thực địa. Xã đã cứng hóa được gần 15 km đường giao thông thôn xóm với kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng. Để có mặt bằng thi công đường, các hội viên Hội CCB xã đã hiến 75 m2 đất, quyên góp hơn 137 triệu đồng. Nhiều hội viên nhiệt tình tham gia ủng hộ tiền xây dựng cơ sở hạ tầng như ông Phạm Quốc Sửa ủng hộ 209,7 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn Thị Đức; ông Nguyễn Văn Săm ủng hộ 25 triệu đồng, ông Mai Văn Vàng ủng hộ 10 triệu đồng làm đường thôn, xóm... Với việc DĐĐT, ban đầu, công tác vận động nhân dân gặp không ít khó khăn do một bộ phận người dân chưa hiểu rõ, ngại khi DĐĐT phải nhận thửa ruộng xa, đất canh tác xấu. Nắm bắt được tâm tư của nhân dân, cán bộ Hội CCB xã đã kiên trì vận động, giải thích lợi ích của việc DĐĐT cho nhân dân là để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung, thực hiện cơ giới hóa sản xuất. Ông Đào Văn Thất, hội viên CCB xã, Trưởng thôn Cao Duệ cho biết, với những hộ dân lúc đầu chưa hiểu rõ lợi ích của việc DĐĐT, tôi và hội viên CCB của xã đã nhiều lần đến tận nhà giải thích để bà con hiểu và đồng tình. Nhờ đó, cả xã Nhật Tân gồm 8 đội sản xuất thuộc 2 thôn Cao Duệ và Thị Đức đã nhất trí ra quân DĐĐT gắn với chỉnh trang đồng ruộng cùng lúc vào ngày 25-10. Xã phấn đấu DĐĐT xong trong năm 2014.
Không những vậy, Hội CCB xã còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 36 hội viên vay 771 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hiện nay, hội có hơn 64% số hội viên khá và giàu; 33% số hội viên trung bình và còn 2,37% số hội viên nghèo. Ông Đoàn Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Nhật Tân cho biết: "CCB là những người hiểu biết về pháp luật, có uy tín cao trong cộng đồng nên rất nhiều đồng chí giữ trọng trách trong cấp ủy và chính quyền xã, thôn. Tại xã Nhật Tân, có 9 đồng chí đảng ủy viên là hội viên Hội CCB. Nhờ sự gương mẫu đi đầu và dân vận khéo nên hội viên Hội CCB đã có đóng góp lớn trong phong trào xây dựng NTM".
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội CCB huyện Gia Lộc, hội viên Hội CCB huyện đã hiến gần 3.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; hơn 11.600 m2 làm đường nội đồng; ủng hộ gần 2 tỷ đồng và gần 7.000 ngày công. CCB luôn phát huy phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các CCB, nhiều nhiệm vụ khó trong xây dựng NTM đã từng bước hoàn thành.
VIỆT QUỲNH