Cá giòn - "thương hiệu"của Nam Tân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:36, 01/12/2014

Những người nuôi cá lồng trên dòng Kinh Thầy đã "biến" các loại cá chép, trắm vốn quen thuộc trở thành thực phẩm “vua” khi ra thị trường.



Cá giòn được nuôi bằng đậu tằm


Một bận về chơi đất Nam Sách, ông anh họ cứ nằng nặc mời ở lại dùng bữa. Ông bảo, hôm nay sẽ đãi món cá khiến chú phải tò mò. Ngồi chơi một lát đã thấy bà chị dâu xách về một con cá chép 4 kg. Ông anh bảo đây là cá chép giòn. Giờ cuối năm, đang vào kỳ các lồng cá thu hoạch rộ nên cũng dễ mua, chứ vào thời điểm khác hiếm lắm. Khi cho miếng cá nhúng nóng hôi hổi vào miệng, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự giòn tan, không tanh. Đặc biệt, cá có vị ngọt của thủy sản và độ dai của thịt lợn. Thấy tôi "mắt tròn, mắt dẹt" vì lần đầu được thưởng thức món “độc”, ông anh họ khoái chí hứa cung cấp địa chỉ để tôi tìm hiểu.

Cầu kỳ

Hiện tại giá chép giòn dao động từ 130 - 140 nghìn đồng/kg. Cá trắm giòn có giá khoảng 120 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn cá giòn người nuôi thu lãi từ 30-40 triệu đồng tùy theo thời điểm xuất cá.
Ấn tượng về món cá giòn kỳ lạ thôi thúc tôi tìm về vùng nuôi cá lồng trên dòng Kinh Thầy địa phận xã Nam Tân (Nam Sách) sau đó ít ngày. Dẫn tôi ra bờ đê, anh Nguyễn Văn Thái, cán bộ nông nghiệp của xã thổ lộ: “Làm nên sự khởi sắc của Nam Tân không phải là cây trồng mà là thủy sản, chủ yếu là nuôi cá lồng ngoài sông Kinh Thầy”. Quả vậy, lên mặt đê, trước mắt tôi hiện ra vài trăm lồng cá chạy dọc bờ sông mấy cây số. Như anh Thái ước tính, mỗi lồng một năm thu 5 tấn cá thì đây đúng là dải sông “vàng” của xã.

Còn nhớ mấy năm trước, bờ sông màu mỡ này tan hoang vì nạn khai thác cát trái phép, Chủ tịch UBND tỉnh phải xuống thị sát và chỉ đạo. Giờ những lồng cá đã làm liền vết thương bờ bãi. Rẽ xuống con đường đất chạy qua bãi ngô, chúng tôi ghé thăm các lồng cá của gia đình anh Nguyễn Thế Phước. Anh Phước đang xuất cá điêu hồng cho mấy lái buôn. Đây là hộ nuôi cá lồng quy mô lớn trên sông Kinh Thầy và đi tiên phong trong nuôi cá giòn.

Xe máy của cánh lái buôn khuất sau con đường đầy bụi, ông chủ trẻ mới có thời gian dành cho chúng tôi. Anh Phước cho biết, gia đình anh nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy từ năm 2012. Hiện gia đình có trên 100 lồng cá, chủ đạo là các giống điêu hồng, lăng, trắm giòn, chép giòn. Mỗi năm gia đình xuất ra thị trường trên 300 tấn cá thương phẩm.

Ngay từ khi muôi cá lồng, gia đình anh Phước đã nhắm đến con cá giòn. Hiện nhà anh có 20 lồng nuôi. Dẫn tôi ra mấy lồng cá trên mặt căng lưới, anh Phước giới thiệu: “Đây là lồng nuôi cá trắm, chép giòn. Hai loại này thường được nuôi ghép với nhau”. Để có được một con cá giòn xuất bán rất công phu, đòi hỏi thời gian, kỹ thuật cầu kỳ. Cái công phu, cầu kỳ nằm ngay từ khâu chọn lựa giống. Chỉ có cá chép, trắm mới có thể nuôi thành cá giòn. Từ giống trong ao ương đưa ra lồng nuôi phải lựa chọn những cá thể khỏe mạnh. Trong giai đoạn đầu cá được nuôi và cho ăn bình thường như các loại cá khác. Đến khi cá đạt trọng lượng khoảng 2kg trở lên (khoảng 1 năm tuổi) sẽ chọn để đưa sang lồng nuôi thành cá giòn. Cá trắm, chép chọn nuôi phải khỏe mạnh, hình dáng đẹp. Khi được đưa vào lồng nuôi cá giòn, cá sẽ chỉ ăn hạt đậu tằm.

Chỉ những chiếc thùng trong đựng loại hạt đỏ to bằng ngón tay cái, anh Phước cho biết đó chính là đậu tằm. Vốc một nắm đậu tằm ngâm nước lên tay, anh giải thích: "Trước khi cho cá ăn, hạt đậu tằm phải ngâm nước muối cho nở ra. Tùy theo nhiệt độ mà ngâm cho phù hợp. Mùa hè ngâm khoảng 12 tiếng, mùa đông ngâm 20 tiếng mới cho cá ăn. Đậu tằm là loại háo nước, khi ngâm chúng sẽ nở ra. Nếu không đủ độ ngậm nước, cá ăn vào sẽ bị trương bụng chết".

Tôi đề nghị anh Phước cho cá ăn để được quan sát đàn cá giòn, anh cười bảo: "Nếu như cá lăng hoặc điêu hồng, chỉ cần hất thức ăn xuống chúng nhao lên cả đàn nhưng cá giòn không vậy. Chép, trắm vốn là loài cá ăn chìm. Hạt đậu tằm khi thả xuống cũng chìm, bởi vậy chờ cả ngày chẳng có con nào ngớp lên mặt nước". Cuối cùng, tôi cũng được thỏa chí tò mò khi anh Phước dùng chiếc vợt bắt lên mấy con cá cho xem. Quan sát bề ngoài, cá giòn không khác cá chép, trắm nuôi hoặc trong tự nhiên.

Để có một đầu cá giòn xuất bán phải mất một năm rưỡi đến hai năm. Trong đó, thời gian cho cá ăn đậu tằm để đạt độ giòn từ 5-7 tháng. Cứ 3 tháng, cá giòn sẽ được tẩy giun sán một lần. Mỗi tháng lại phải thịt thử để kiểm tra độ giòn của cá. Do việc nuôi cầu kỳ, tốn kém, thời gian lâu nên không phải chủ lồng cá nào cũng dám thử sức với sản phẩm “độc” này.

“Nội địa hóa” cá giòn



Các lồng cá giòn của gia đình anh Lê Xuân Đạt đang trong thời kỳ xuất bán


Theo các chủ cá lồng ở Nam Tân, nuôi cá trắm, chép bằng đậu tằm để tạo ra sản phẩm cá giòn là kinh nghiệm của người Trung Quốc. Tại miền Bắc nước ta, nuôi cá chép giòn, cá trắm giòn bắt đầu xuất hiện từ năm 2006. Năm 2008, Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình nuôi cá trắm, cá chép giòn trong lồng tại Đan Phượng (Hà Nội). Năm 2011, tại Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, còn có hẳn đề tài thạc sĩ của tác giả Kiều Minh Khuê thực hiện về nuôi cá giòn. Sau đó, mô hình phát triển ở nhiều nơi trong đó có Hải Dương.

Ngày trước, người nuôi cá lồng Nam Tân phải nhập đậu tằm với số lượng lớn từ Trung Quốc với giá 30 nghìn đồng/kg. Con giống cũng chưa tự chủ được, phải đi mua. Do chi phí nuôi cao nên giá cá trên thị trường cũng cao. Bây giờ sản phẩm cá giòn đã được người nuôi cá lồng Nam Tân “nội địa hóa”. Với sự giúp đỡ của Chi cục Thủy sản tỉnh và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, những người nuôi cá lồng Nam Tân đã lai tạo được cá trắm, chép giống chất lượng cao trong ao ương. Chủ các lồng cá còn lên vùng Tây Bắc thuê đất mở các trang trại trồng đậu tằm để tự chủ nguồn thức ăn. Hiện gia đình anh Phước đã mở một trang trại trồng đậu tằm tại Mộc Châu (Sơn La). Giờ không chỉ đủ đậu tằm cho các lồng cá của gia đình mà còn cung cấp cho các gia đình nuôi cá lồng khác với giá khoảng 20 nghìn đồng/kg. “Nội địa hóa” cá giòn là mốc quan trọng để những người nuôi cá lồng Nam Tân tự tin mở rộng mô hình.

Còn nhớ vài năm trước, khi cá giòn xuất hiện trên thị trường, báo chí tới tấp vào cuộc. Ngoài một số bài báo ghi nhận và khuyến khích phương thức nuôi trồng con đặc sản mới có giá trị kinh tế cao thì không ít bài báo đi vào mổ xẻ cho rằng loại thực phẩm “độc, lạ, khoái khẩu” trên có thể gây ảnh hưởng đến người ăn. Sau bài báo lập tức người mua cảnh giác, thứ thực phẩm “vua” khó bán. Người nuôi cá lồng Nam Tân méo mặt, mỗi chủ lồng lỗ vài tỷ đồng vì vốn liếng đổ cả xuống sông. Nhưng nay cơn bĩ cực đã qua. Bởi ngay khi có thông tin nghi ngờ về chất lượng cá trắm, cá chép giòn, Chi cục Thủy sản tỉnh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nghiên cứu đề tài về loại cá này. Kết quả phân tích cho thấy, hạt đậu tằm và thịt cá trắm giòn bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng như các loại cá thương phẩm khác, hiện cá giòn ở Nam Tân đang mùa xuất bán. Trung bình mỗi ngày có hàng tấn cá ở đây được đưa ra thị trường. Anh Phước cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình đã xuất bán khoảng 20 tấn cá chép giòn, trắm giòn. Từ nay đến Tết, dự kiến sẽ xuất khoảng 10 tấn nữa. Nhu cầu thị trường cao nên gia đình lúc nào cũng ở trong tình trạng “cháy” hàng.

Cách không xa các lồng cá của anh Phước là khu cá lồng của gia đình anh Lê Xuân Đạt. Lúc chúng tôi đến, vợ chồng anh cũng vừa xuất xong mẻ cá giòn cho thương lái. Dẫn chúng tôi đi thăm các lồng cá, anh Đạt cho biết, gia đình anh có 25 lồng cá, trong đó có 7 lồng nuôi cá trắm, chép giòn. Vài ngày nay, các lồng cá bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi ngày gia đình anh cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn cá giòn. “Lúc đầu nuôi khó khăn lắm, không ít phen thất bại. Nhưng giờ đã làm chủ được kỹ thuật rồi”, anh Đạt khoe. Kéo lưới bắt lên một con chép giòn không vẩy nặng gần 3 kg, anh Đạt cho biết: "Thịt cá chép giòn thơm, ngon vượt trội nên được ưa chuộng và giá cũng cao hơn so với cá trắm giòn. Hiện tại giá chép giòn dao động từ 130 – 140 nghìn đồng/kg. Cá trắm giòn có giá khoảng 120 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi tấn cá giòn người nuôi thu lãi từ 30-40 triệu đồng tùy theo thời điểm xuất cá".

Nhu cầu lớn, giá cao, sản phẩm cá giòn đang mở ra tiềm năng, cơ hội lớn cho nghề nuôi cá lồng ở Nam Tân. Rời vùng cá lồng, trong tôi cứ miên man suy nghĩ: Nếu con dê trở thành sản vật gắn với vùng núi đá vôi Kinh Môn, con rươi gắn với vùng đất Tứ Kỳ, con gà bình dị trở thành thương hiệu của vùng đồi Chí Linh thì lý do gì cá giòn lại không trở thành thương hiệu của mảnh đất Nam Tân.

Nghề nuôi cá lồng trên sông Kinh Thầy ở xã Nam Tân (Nam Sách) hình thành cách đây khoảng 5 năm. Còn nuôi cá giòn bắt đầu phát triển từ năm 2011. Cả xã hiện có 17 dự án nuôi cá lồng với trên 900 lồng cá, trong đó số lồng cá giòn chiếm 5%. Năm 2013, sản lượng cá lồng toàn xã đạt trên 3.500 tấn, chủ yếu là: điêu hồng, lăng, chép giòn, trắm giòn.


NGỌC HÙNG