Bỏ phố về quê... lập trang trại

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:26, 09/12/2014

Vì niềm đam mê làm kinh tế trang trại, bà Vũ Thị Nga đã quyết định xa gia đình, xa chốn thị thành, một mình về thôn Uông Hạ, xã Minh Tân (Nam Sách) làm kinh tế.



Bà Nga đầu tư nuôi lợn rừng

Ước mơ làm kinh tế trang trại

Đến với xã Minh Tân, hỏi đường vào trang trại của bà Vũ Thị Nga (sinh năm 1961) ở thôn Uông Hạ nhiều người biết. “Chị Nga có cái trang trại lớn nhất xã này. Một mình thân gái, bỏ cuộc sống đầy đủ trên thành phố về quê để đào ao thả cá, chăn nuôi con gà, con vịt”, một người dân chỉ đường cho chúng tôi giới thiệu.

Gặp bà, chúng tôi ấn tượng ngay bởi dáng vẻ nhanh nhẹn, niềm nở và thích nói về kinh tế trang trại. Bà Nga quê gốc ở tận huyện Thanh Miện. Từ nhỏ, bà đã luôn muốn sống gắn bó với thiên nhiên, không khí trong lành, cảnh vật yên bình, làm công việc của người nông dân thực thụ. Sau khi lập gia đình, bà từ bỏ mọi ước mơ theo chồng lên làm việc và sinh sống tại TP Hải Dương. Sau 8 năm làm việc trong ngành thương nghiệp, bà quyết định nghỉ việc, ở nhà chăm sóc con cái, làm hậu phương vững chắc cho chồng. Khi hai người con trai trưởng thành, kinh tế của gia đình đã đi vào ổn định cũng là lúc bà tìm lại giấc mơ đã bỏ quên nhiều năm qua.

“Khi tôi nói với chồng con và gia đình là về quê làm trang trại thì ai cũng phản đối. Có lẽ trong đời, tôi chưa bao giờ có một quyết định nhiều khó khăn như vậy”. Thời gian đầu, ngoài áp lực tinh thần, bà Nga còn phải đau đầu vì nguồn vốn đầu tư xây dựng trang trại không hề nhỏ. Kinh nghiệm làm trang trại chưa có, tiền vốn phải đi vay, gia đình không mấy người ủng hộ nên khó khăn cứ chồng chất. Sau vài năm, với những nỗ lực của bản thân, hoạt động của trang trại cũng dần đi vào ổn định, bước đầu đã đem lại thu nhập. “Biết được ước mơ của tôi mọi người cũng không còn phản đối quá mức như trước nữa. Thậm chí, những ngày nghỉ, chồng và các con còn tranh thủ xuống tham quan trang trại và giúp đỡ thêm. Đó là niềm vui  lớn cho tôi”, bà Nga nói.

Vừa đưa chúng tôi dạo quanh trang trại, bà vừa kể thêm về gia đình và nguyên nhân vì sao mọi người không cho bà "thân cô thế cô" xuống đây lập nghiệp. Qua lời kể của bà, tôi biết, cuộc sống gia đình bà thuộc hàng khá giả, chồng bà làm lãnh đạo tại một bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Người con trai lớn sinh năm 1985 đang là nhân viên một ngân hàng trên Hà Nội, người con trai thứ hai sinh năm 1989 cũng đang công tác một bệnh viện ở TP Hải Dương, đều đã lập gia đình có cuộc sống ổn định.

Trang trại của bà lọt giữa vùng đồng ruộng mênh mông, không nhà dân. Tôi không dám tin bà thân gái một mình ở đó chèo chống với “ước mơ” của mình suốt chục năm qua. Tôi thầm nghĩ, phải có quyết tâm lớn lắm, bà mới có thể vượt qua mọi khó khăn để đến với mơ ước của mình như vậy.

Sản xuất, kinh doanh giỏi


Ngồi trò chuyện, bà chia sẻ đủ thứ chuyện, từ khó khăn, thuận lợi rồi đến kinh nghiệm chăn nuôi con này, con kia. Nhưng điều khiến bà tự hào là ngoài việc thực hiện được ước mơ bao năm của bản thân, nỗ lực của mình đã được ghi nhận.

Nhiều năm nay, bà Nga đều nằm trong danh sách hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Trong hội nghị tổng kết 3 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (2010 - 2012), bà Nga đã được UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh khen thưởng.

Với diện tích trang trại rộng 2 ha, bà Nga đã dùng 2 mẫu để đào ao, mỗi lần thả khoảng 6.000 con giống, sau 7-8 tháng nuôi được thu hoạch. 8 sào bà để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh nuôi gà, vịt, ngỗng, bà nuôi lợn rừng. Diện tích còn lại của trang trại, bà Nga dùng để trồng cây cảnh trên chậu và cây bóng mát. Hằng năm, bà Nga thu khoảng 400 triệu đồng từ trang trại.

Bà cho biết: “Khoản tiền đã vay mượn để đầu tư làm trang trại trước đây đang từng bước thu hồi vốn. Thời gian đầu thu nhập tốt hơn, hai năm trở lại đây, thị trường cây cảnh lắng xuống nên thu nhập cũng có phần kém đi. Khắc phục khó khăn này, tôi đang cho ươm giống cam canh, cam Vinh để trồng. Cây nhãn năm tới sẽ được thu hoạch nên trang trại hứa hẹn thu hoạch tốt ở những năm tiếp theo”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, một mình gánh vác công việc nhưng niềm đam mê  khiến bà Nga luôn cảm thấy vui khỏe, yêu đời. Mô hình trang trại VAC của bà Nga đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 lao động, đến mùa vụ có khoảng 5-6 nhân công với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, tuy không phải quê gốc ở địa phương nhưng bà Vũ Thị Nga đã nhập khẩu về xã gần chục năm nay. Trên địa bàn xã hiện nay chỉ có một mô hình trang trại VAC lớn như của bà. Minh Tân là một xã xa xôi của huyện Nam Sách. Việc bà Nga quyết tâm làm mô hình kinh tế trang trại về đây là rất đáng quý”, ông Tuyển khẳng định.


LAN LUYẾN