"Làn gió mới" trên đồng ruộng Diên Hồng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:38, 10/12/2014

Xã Diên Hồng (Thanh Miện) hoàn thành dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) vào cuối năm 2013. Nhờ vậy, bộ mặt ruộng đồng của xã đã thay đổi nhanh chóng.



Sản xuất nông nghiệp của người dân xã Diên Hồng đã thuận lợi hơn trên
những ô ruộng lớn. Trong ảnh: Nông dân chăm sóc bí ngô


Người dân sản xuất nông nghiệp ngày càng thuận lợi. Những ngày này, nông dân xã Diên Hồng đang tất bật chăm sóc ngô, khoai tây, bí xanh, bí ngô… Toàn xã hiện có hơn 50 ha cây rau vụ đông. So với trước đây, việc chăm sóc rau màu đã thuận lợi hơn rất nhiều nên bà con ai nấy đều phấn khởi. Chị Vũ Thị Lương ở thôn Quang Trung chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 4 sào ruộng với 5 thửa khác nhau nên canh tác rất vất vả. Sau DĐĐT, gia đình tôi chỉ còn 2 thửa ruộng nên việc trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tập trung và tiện lợi hơn”. Với mô hình ruộng đồng mới, người dân không còn mất nhiều thời gian và công sức để di chuyển đến nhiều thửa ruộng khác nhau. Hơn nữa, hệ thống đường giao thông, thủy lợi nội đồng đã được chỉnh trang và bao phủ đến tất cả các lô ruộng. Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp có thể đến tất cả các khu ruộng. Ruộng xa hay gần không còn là khó khăn đối với người nông dân. Hệ thống kênh mương nội đồng cũng giúp nông dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Hầu hết các hộ đều gieo mạ trên sân hoặc gieo thẳng giúp tiết kiệm chi phí và giảm nhân công lao động. Anh Nguyễn Văn Giải ở thôn Đoàn Kết cho biết: “Gia đình tôi có gần 5 sào ruộng, trước đây chủ yếu làm thủ công do ruộng manh mún, nhưng nay dồn lại chỉ còn 1 thửa, từ khâu làm đất đến gặt lúa đều thuê máy, nhanh và nhàn hơn rất nhiều”.

Ngày nay, trên các khu đồng của xã Diên Hồng không còn hình ảnh người dân phải còng lưng gồng gánh từ đường lớn xuống ruộng xa hàng trăm mét. Hình ảnh nông dân vất vả kéo xe cải tiến chở phân bón, nông sản cũng ít dần. Trên những tuyến đường giao thông nội đồng rộng từ 3-3,5 m, họ dễ dàng di chuyển bằng xe đạp. Những chiếc xe cải tiến cũng được hỗ trợ thêm sức kéo của xe máy để vận chuyển, vừa nhanh hơn vừa giảm sức lao động cho người dân. Trước đây, người dân chủ yếu gặt bằng tay, giá thuê nhân công từ 200.000-250.000 đồng/sào thì nay máy gặt đến tận những ruộng ở xa nhất nhưng chỉ với giá từ 120.000-130.000 đồng/sào. Lúa được tuốt ngay tại ruộng, rất nhanh gọn, sạch và không tốn công vận chuyển. Đến mùa vụ, các khâu làm đất hầu hết đều sử dụng máy móc như: cày, lên luống… Giá thuê các loại máy này cũng giảm từ 20.000-25.000 đồng/sào so với làm trên những mảnh ruộng manh mún. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đang được người dân địa phương áp dụng hiệu quả.

Diên Hồng là một trong những xã vùng xa của huyện Thanh Miện. Toàn xã có 3 thôn với gần 690 hộ dân và hơn 3.000 nhân khẩu. Tiểu, thủ công nghiệp ở xã chậm phát triển nên nguồn thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với hơn 209 ha đất canh tác, 9 đội sản xuất. Do đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo điều kiện cho người dân gắn bó với đồng ruộng, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh DĐĐT và xem đây là một chiến dịch quan trọng. Trong năm 2012, xã Diên Hồng đã DĐĐT thí điểm tại 3 đội sản xuất. Hầu hết người dân đều hiểu được những lợi ích thiết thực của DĐĐT nên tích cực hưởng ứng. Đến cuối năm 2013, xã hoàn thành DĐĐT ở cả 9 đội sản xuất. Nhiều năm trước, do thửa ruộng manh mún và giao thông, thủy lợi nội đồng đều khó khăn nên có không ít hộ dân bỏ ruộng, nhưng nay nhiều hộ trở lại sản xuất vì chỉ còn từ 1-2 thửa ruộng. Diện mạo mới của đồng ruộng đang tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lao động sản xuất, trở thành động lực thúc đẩy họ giữ ruộng để canh tác. Ông Nguyễn Hữu Doanh, Chủ tịch UBND xã Diên Hồng cho biết: “Trước đây, địa phương rất vất vả để vận động, thuyết phục người dân tiếp tục sản xuất trên diện tích đất khó canh tác. Nhưng sau khi DĐĐT thì xã không còn vất vả nữa mà không còn hộ nông dân nào bỏ ruộng”.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nông nghiệp sau DĐĐT, xã Diên Hồng khuyến khích các hộ dân cấy cùng 1 giống lúa trên 1 lô ruộng để tạo điều kiện chăm sóc và thu hoạch đồng bộ. Xã dự kiến tập trung nguồn lực bê-tông hóa đường giao thông nội đồng trong năm 2015.

XUÂN NGÂN