Kinh doanh trên Facebook phải nộp thuế

Thị trường - Ngày đăng : 08:11, 11/12/2014

Từ tháng 1-2015 các cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội phải đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử và đóng thuế.

Kinh doanh trên Facebook phải nộp thuế


Quy định trên được nêu tại Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương. Cụ thể, từ ngày 20-1-2015, tất cả các website thương mại điện tử, kể cả các mạng xã hội có hoạt động kinh doanh như mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ... phải tiến hành đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch điện tử; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.


Quan điểm của chúng tôi là cố gắng sao cho việc kinh doanh của doanh nghiệp, người dân được thuận lợi và dễ dàng nhất. Do đó, chúng tôi đang cố gắng thiết kế quy định theo hướng mở hơn để vừa quản lý được nhưng cũng không gây khó cho cá nhân, doanh nghiệp


Một lãnh đạo Bộ Tài chính


Các cá nhân đang kinh doanh qua mạng xã hội, nhiều nhất là qua Facebook, đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Khó kiểm soát

Bà Anh (bán hải sản trên địa bàn Q.3, TP Hồ Chí Minh) thắc mắc: “Tôi đăng ký hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh. Để mở rộng khách hàng, nhất là tập trung vào giới văn phòng, tôi có mở một trang Facebook để giới thiệu hàng hóa, vậy có phải đăng ký dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử không?”.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho rằng quy định về quản lý website thương mại điện tử đối với tổ chức thì dễ thực hiện hơn đối với cá nhân. Các cá nhân bán hàng trên mạng xã hội, mà phổ biến là Facebook, lại càng khó kiểm soát bởi hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, Facebook mang tính chất toàn cầu nên người bán hàng có thể là ở trong nước nhưng cũng có khi ở nước ngoài. Những trang Facebook bán hàng có thể dừng hoạt động bất cứ lúc nào nên rất khó kiểm soát; nếu chỉ yêu cầu tính tự giác của các chủ trang Facebook đăng ký và nộp thuế thì rất không khả thi.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Công ty luật SB Law, cũng cho rằng để có thể thu được các loại thuế này một cách chính xác, đầy đủ trong điều kiện của VN hiện nay rất khó. “Trên mạng đang có hàng triệu người kinh doanh kiếm lợi. Trong đó, cũng có tới hàng triệu tài khoản ẩn danh, việc truy tìm cá nhân thực sự điều hành các trang đó là rất khó. Theo tôi, bước đầu chúng ta có khung pháp lý để điều chỉnh là cần thiết, nhưng rõ ràng tính khả thi không cao. Tại các quốc gia phát triển, chẳng hạn như Mỹ, họ có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nên quản lý thông tin cá nhân rất chính xác, dễ dàng. Hơn nữa, ý thức người dân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế cũng cao hơn nên quản lý không quá phức tạp như ở VN”, luật sư Hà nói.

Thu thuế như thế nào ?

Chiều 10-12, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, khi tham gia góp ý về Thông tư 47/2014/TT-BCT, Bộ hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ Công thương vì quá trình khảo sát, nghiên cứu cho thấy xu hướng kinh doanh thương mại điện tử, kể cả trên mạng xã hội, đang phát triển vô cùng mạnh mẽ. Theo nguyên tắc luật Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải đăng ký và phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đó là quyền và nghĩa vụ của bất cứ cá nhân hay doanh nghiệp (DN) nào. Bộ Tài chính hiện đang soạn thảo thông tư để quản lý thuế. Tuy nhiên, do là lĩnh vực mới liên quan đến hoạt động kinh doanh trên mạng nên phải xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin - Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước.


Trong năm 2013, Thanh tra Tổng cục Thuế thanh tra 4 DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và quyết định truy thu hơn 81,73 tỉ đồng, trong đó chỉ riêng một công ty game là 78,1 tỉ đồng. Ngoài ra, Cục Thuế Hà Nội đã thanh tra 35 DN, kết quả là giảm khấu trừ 1,7 tỉ đồng, giảm lỗ 19 tỉ đồng, tổng truy thu, truy hoàn và phạt là 20 tỉ đồng. Cục Thuế TP.HCM thanh tra 12/48 DN với tổng số thuế truy thu và phạt là 5,7 tỉ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, cơ quan thuế đã gặp nhiều khó khăn do DN không hợp tác, xóa hoặc không cung cấp danh sách (bảng kê) đơn hàng trên máy tính. Đối với DN thuê máy chủ để vận hành trang web bán hàng, cơ quan thuế cũng khó thu thập thông tin. Mặt khác, với phương thức thanh toán trực tuyến rất linh hoạt và đa dạng hiện nay như ví điện tử, thẻ visa, hệ thống thanh toán quốc tế Paypal, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện các giao dịch hoàn toàn qua mạng internet từ khâu đặt hàng cho đến thanh toán, việc thu thập thông tin từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán không đơn giản do cơ chế bảo mật thông tin của ngân hàng.


Trước mắt, theo dự thảo thông tư, với cá nhân kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook khi lập fanpage (trang dành cho khách hàng, người hâm mộ - PV) để kinh doanh, mua bán hàng hóa hoặc dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thu nhập cá nhân. Để quản lý được hai loại thuế này, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhìn nhận là “không hề đơn giản”. Vì vậy, thông tư sẽ phải tập trung vào hai vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, phải nắm được đăng ký của tổ chức, cá nhân đăng ký tên miền, địa chỉ website, fanpage... thông qua Bộ Thông tin - Truyền thông, trong đó quan trọng nhất là địa chỉ đặt máy chủ. “Máy chủ phải đặt ở VN mới có thể quản lý được, còn nếu ở nước ngoài thì chi nhánh cũng phải đặt ở trong nước mới có thể quản lý”, lãnh đạo này khẳng định. Thứ hai, phải quản lý chặt dòng tiền ra thông qua các ngân hàng thương mại. Hiện nay, hầu hết các giao dịch trên mạng đều chuyển khoản thanh toán qua ngân hàng. Do đó, với các giao dịch liên quan đến hoạt động này, các ngân hàng phải chủ động khấu trừ thuế.

Một vấn đề khác phát sinh khiến Bộ Tài chính đang khá băn khoăn là hạn mức đánh thuế. Bởi theo quy định hiện hành của luật Thuế GTGT, với cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà doanh thu một năm không quá 100 triệu đồng sẽ không phải nộp và kê khai thuế GTGT. Bên cạnh đó, luật Thuế thu nhập cá nhân cũng quy định cá nhân có mức thu nhập bình quân dưới 9 triệu đồng/tháng không phải nộp thuế. Việc hướng dẫn tại thông tư phải theo quy định của luật, nhưng “cái khó” ở chỗ kinh doanh qua mạng xã hội nhiều khi không phải do một cá nhân mà do một nhóm người hùn vốn. Do đó, việc tính theo đầu người, tính theo doanh thu hằng tháng, hằng quý để đánh thuế cũng là một vấn đề cần phải tính toán kỹ.

Một tín hiệu tích cực, theo dự thảo thông tư này là người kinh doanh sẽ thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện các thủ tục về thuế. Theo đó, các giao dịch thông qua ngân hàng khi thành công và được lưu lại bởi các hóa đơn điện tử sẽ được coi như hóa đơn giấy bình thường. Như vậy, cá nhân sẽ không phải mua hóa đơn lẻ từ ngành thuế để xuất cho khách hàng mà sẽ được sử dụng hóa đơn điện tử để kê khai khi nộp thuế GTGT.

“Quan điểm của chúng tôi là cố gắng sao cho việc kinh doanh của DN, người dân được thuận lợi và dễ dàng nhất. Do đó, chúng tôi đang cố gắng thiết kế quy định theo hướng mở hơn để vừa quản lý được nhưng cũng không gây khó cho cá nhân, DN. Dự thảo thông tư sau khi lấy ý kiến xong sẽ được ban hành trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ.

Cơ quan quản lý phải phối hợp chặt chẽ

Bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nhìn nhận việc thu thuế đối với cá nhân mua bán hàng trên Facebook không dễ dàng. Thu được thuế hay không đối với hoạt động này phụ thuộc vào việc cá nhân đó có đăng ký, kê khai hay không. Trong khi đó, mua bán hàng trên Facebook khá đa dạng, người bán ở trong nước hay nước ngoài đều có. Để thu được thuế từ hoạt động này, các cơ quan quản lý gồm Công thương, Thông tin và Truyền thông, ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán và ngành thuế cần phối hợp chặt chẽ với nhau.

Cộng đồng mạng xôn xao

Trên diễn đàn webtretho, tài khoản Vy_caro chia sẻ, Thông tư 47 chỉ có thể giải quyết được phần ngọn. Chứ phần gốc còn khó khăn vì hiện nay, Facebook vẫn chưa có văn phòng đại diện tại VN, nên sẽ khó bị ảnh hưởng. Vì vậy, đối tượng nhắm đến của những văn bản luật này là những người kinh doanh trên Facebook. Tuy nhiên, việc kinh doanh trên Facebook không phải là một hình thức chuyên nghiệp, chủ thể không rõ ràng, tư cách pháp nhân rất khó xác định. Họ là ai, ở đâu, tên tuổi cụ thể... rất khó để làm rõ. Cứ dạo một vòng thì thấy tên đó, số điện thoại đăng lên đó nhưng người thật là ai, danh tính thật như thế nào thì lại rất khó làm rõ. Ngoài ra, ở những nước phát triển, mọi giao dịch mua bán đều được thông qua thẻ tín dụng, ít nhất nó cũng là dấu vết để cơ quan quản lý biết được và lần ra manh mối nên cơ quan thuế của họ phát hiện và truy thu thuế dễ hơn. Còn ở VN, thói quen giao dịch trực tuyến vẫn có nhưng chủ yếu chỉ để xem hàng rồi sau đó đến mua và trả bằng tiền mặt.

Tài khoản Avalanche thì cho rằng Facebook không có chức năng mở gian hàng, lập website nhánh để bán hàng hay có chuyên mục mua bán như một sàn giao dịch nên khó mà bị áp dụng các quy định này được. Facebook cũng không thuộc đối tượng phải đăng ký mạng xã hội ở VN, vì nó không có hiện diện ở VN, trong khi thủ tục thì bắt phải có các thông tin kiểu như mã số thuế, số ERC... Nếu đã không bắt Facebook đăng ký được, thì rất khó quản được số lượng người dùng, và cũng khó bắt những người bán hàng đăng ký và đóng thuế.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ nhà hàng Nàng Gánh, quảng bá trên Facebook, cho rằng quy định này là cần thiết, trước hết để bảo vệ người tiêu dùng, sau đó bảo vệ chính DN. Khi có kê khai, đăng ký đầy đủ thì người tham gia buôn bán sẽ phải có trách nhiệm cao nhất với sản phẩm và dịch vụ của mình, giúp người tiêu dùng giữ an toàn về sức khỏe và niềm tin. “Nếu không, như hiện tại, người người bán, nhà nhà bán. Cứ thấy tưởng dễ là bán, và không đăng ký gì cả, làm người tiêu dùng mất niềm tin sau nhiều vụ lừa đảo, kém chất lượng so với hình ảnh, thông tin quảng cáo trên mạng”, bà Nhàn nói.

Thành Luân - Trung Hiếu (ghi)

Theo Thanh niên