Dấu xưa - Mượn câu lục bát làm cầu

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 07:43, 12/12/2014



Dấu xưa là tập thơ thứ hai của Nguyễn Văn Thanh (NXB Văn học, 2014), tiếp sau tập Tóc vờn mây xuất bản cách đây hai năm. Dường như tập thơ là một cái nhìn hoài niệm về một thời xa xưa không thể phai mờ. Nhớ mẹ: Năm nay mẹ trăm tuổi/Con xấp xỉ tám mươi (tác giả nay 78 tuổi). Nhớ một thời trai trẻ dấn thân lên vùng Tây Bắc xa xôi hẻo lánh và được kết nạp vào Đảng cách đây 50 năm: Năm mươi xuân đã đi qua/Vượt qua bão táp mưa sa một thời. Ngoài những kỷ niệm riêng tư, bao nhiêu “dấu xưa” cứ neo mãi trong tâm tư tình cảm. Bài Neo đậu là nỗi da diết nhớ làng quê: “Nhớ nhung da diết hàng rào tre xanh”. Còn đây là Chợ làng: “Chợ làng thúng mủng giần sàng/Chào mời đon đả rộn ràng bán mua”...

Nhưng, vượt lên những hình ảnh xa xưa ấy, thì đối với thơ phải là cảm xúc. Từ một kỹ sư nông nghiệp, từng kinh qua các chức vụ chủ chốt của một huyện lớn, Nguyễn Văn Thanh đã đến với thơ khá tự nhiên.

Mượn câu lục bát làm cầu
Nối ta với những bạn bầu xa xưa
Nối bao năm tháng gió mưa
Nối sông với biển sớm trưa tận tình.
(Nối)

Việc “mượn câu lục bát” đâu có dễ dàng. Mong manh cánh gió dãi dầu/Câu thơ viết dở thấm màu thời gian (Trăng và thơ). Cho nên tuy thơ vẫn thuộc dòng thơ phong trào, thơ ca ngợi - ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi Bác Hồ và sự nghiệp cách mạng, nhưng hầu hết các bài thơ đều cố gắng vượt qua những sáo mòn nhiều người thường gặp. Trong bài Đàn bầu, tác giả như “bắt” được hai câu thơ về một thời chiến tranh khốc liệt: “Cung trầm mái ấm mẹ hiền/Cung thăng cha dấn thân lên chiến trường”.
Cũng là thơ về tình yêu lứa đôi, tác giả khéo tìm được cách diễn đạt một “nửa” khá hình tượng:

Gửi em nửa lát gừng cay
Nửa hạt muối mặn nhớ ngày xa nhau
Gửi em nửa miếng trầu cau
Nửa vầng trăng sáng trên đầu hai ta
(Gửi em)

Thơ Nguyễn Văn Thanh còn có những tìm tòi, để lại cho người đọc những chia sẻ thú vị. Bài Nợ treo chỉ có hai câu nhưng lay động: “Nợ tiền: Vay trả là xong/Nợ tình: Giấu kín trong lòng-nợ treo!”. Bài Mấy ai cũng chỉ có hai câu, nhưng hàm ý sâu sắc: “Mấy ai buôn bán hoa bèo/Mấy ai gồng gánh đói nghèo về nuôi”. Bài Ngẫu hứng gợi mở nhiều điều: “Đi tìm những chuyến đò ngang/Gặp toàn cầu lớn bắc sang nối bờ”, và “Đi tìm những cái vu vơ/Gặp bao nhiêu thứ ngẩn ngơ cuối chiều”.

Với con mắt lịch lãm, từng trải, “Dấu xưa” còn có những cảnh báo về hiện trạng hôm nay. “Có người như tầm gửi/ Một đời chuyên ký sinh/Có người sống như chết/Người oán thán bất bình” (Đôi điều so sánh). Và đây là lời nhắn nhủ chân thành như chắt lọc cả một đời công tác của mình:

Đã là biển cả mênh mông
Đừng quên nước ở muôn sông đổ vào
Đã là mây ở trên cao
Đừng quên nhờ gió rì rào đưa mây
Đã là rừng thẳm cao dày
Đừng quên đất, nước nuôi cây bao đời
Đã là “quan” của một thời
Đừng quên dân chúng bao người bên quan
Đã là dân nước Việt Nam
Đừng quên lịch sử muôn vàn hy sinh!
(Đừng quên)

VƯƠNG BẠCH