Những bộ sách ra đời từ một nghị lực lớn
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 08:55, 15/12/2014
“Trong khoa học không có con đường nào rộng rãi thênh thang. Chỉ có người nào không sợ gian khổ, dám leo theo những con đường núi độc đạo dựng đứng, người đó mới mong vươn tới được đỉnh cao chói lọi của khoa học”. Tâm huyết với câu danh ngôn của Karl Marx từ thuở còn học phổ thông, dịch giả Lương Văn Hồng - người con xứ Đông hẳn không ngờ mình lại có duyên với nền văn hóa Đức trên chặng đường dài sau này.
Dù đã cao tuổi, lại bệnh tật nhưng dịch giả Lương Văn Hồng vẫn làm việc không nghỉ
Truyện cổ Grimm toàn tập của tôi là bộ truyện cổ nước ngoài toàn tập thứ hai xuất bản tại Việt Nam. Bộ thứ nhất là Nghìn lẻ một đêm do Phan Quang dịch. Nhiều người Việt Nam biết tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc... nhưng không ai làm toàn tập, vì truyện cổ luôn ở ba bình diện: trần gian, thiên đường, địa ngục nên dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”. Đa phần, người dịch làm xong một tập rồi thôi. Truyện cổ Grimm đã dịch ra 150 thứ tiếng. Nhưng truyện cổ Grimm toàn tập mới dịch ra mười thứ tiếng: Đan Mạch, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Nga và Việt Nam. Việt Nam là nước thứ mười. Từ khi bắt đầu dịch tới khi hoàn tất toàn tập, tôi mất 25 năm-cứ 5 năm in một tập, ba lần sang Đức để đọc sách nghiên cứu, bổ sung kiến thức nên mới dịch được trọn bộ, viết chú giải. Giờ đây bạn đọc cứ mở website grimmstories.com là đọc được bản song ngữ Đức-Việt: Truyện cổ Grimm in lần 17 năm 2013, Nhà xuất bản Kim Đồng.
Bộ sách thứ hai của tôi là sách dịch Kho tàng văn học dân gian Đức (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, tục ngữ, giai thoại, truyện cười, câu đố) in năm 2006. Theo tôi biết thì từ xưa tới nay, trên thế giới chưa có ai làm. Đó chính là Hợp tuyển văn học Đức tập 1 do Lương Văn Hồng và Triệu Xuân chủ biên.
Bộ sách thứ ba của tôi là sách biên soạn Đại cương văn học Đức từ khởi thủy đến 2002, in năm 2003. Đây là bộ sách viết bằng tiếng Đức để dạy ở các lớp tiếng Đức nâng cao trong thời gian 1986-1996. Từ năm 1997, tôi mới dạy văn học Đức cho sinh viên ngữ văn Việt Nam, nên biên soạn phần tiếng Việt làm 3 tập. Tập 1 từ khởi thủy đến 1830. Tập 2 từ 1830 đến 1930. Tập 3 từ 1930 đến 2002. Tất cả các sách biên soạn văn học nước ngoài ở Việt Nam đều chỉ đề cập tới văn học thế kỷ 17, 18 và thế kỷ 19, không có phần văn học hiện đại (không có đầu-những thời kỳ đầu của văn học, cũng chẳng có đuôi-phần văn học hiện đại). Sách Đại cương văn học Đức từ khởi thủy tới 2002 viết giới thiệu tác giả và tác phẩm. Sách nói về lịch sử văn học Đức với những trào lưu, tác giả-tác phẩm từ khởi thủy tới 2002.
Bộ sách thứ tư từ chỗ 38 danh nhân Đức in năm 1999, sau 14 năm, đến năm 2013 là 500 danh nhân cổ kim đông tây. Tôi cứ viết đến đâu là in đến đó. Bản in lần thứ 6 năm 2010 có 384 danh nhân cổ kim đông tây-tiểu sử và giai thoại. Đây là sách về danh nhân lớn nhất từ xưa tới nay ở nước ta. Các sách khác đều dừng ở con số 100, kể về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân.
Bộ sách thứ năm là Lãng du trong các nền văn hóa in năm 2014, là cuộc ngao du thưởng ngoạn tinh hoa trong các nền văn hóa, nhắc ta cần tôn trọng, cần có sự khiêm nhường trong học hỏi để mở rộng chân trời hiểu biết.
Bộ sách thứ sáu là Thiên chức văn học cho ta thấy văn học xưa mang tính giáo huấn (văn dĩ tải đạo). Ngày nay văn học như một cơ chế cảnh báo sự tha hóa, khuyên ta sống nhân văn.
Hy vọng những bộ sách trên sẽ mang cho bạn đọc nhiều thông tin mới mẻ về lĩnh vực văn học nước ngoài mà các bạn quan tâm.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-1-2014
LƯƠNG VĂN HỒNG
Người con xứ Đông giàu nghị lực
Trên đây là nội dung lá thư riêng của nhà giáo, nhà văn, dịch giả Lương Văn Hồng gửi cho tôi (Hồng vốn coi tôi như người anh).
Sinh năm 1944 tại Hải Dương, những năm đầu hòa bình lập lại, cậu bé Lương Văn Hồng ở phố Bờ Sông (nay là phố Bạch Đằng), là một học sinh chăm chỉ, sáng dạ. Hết bậc tiểu học, anh học Trường cấp 2 Trần Phú, rồi lên cấp 3 Hồng Quang. Anh nhớ từng gương mặt các thầy, các cô.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, Hồng xin vào Nhà máy Cơ khí Hải Dương. Có kiến thức cơ bản, anh dễ dàng đọc được bản vẽ các chi tiết máy, bộ phận đúc. Anh luôn luôn đạt danh hiệu lao động tiên tiến. Sau ba năm làm thợ, Lương Văn Hồng được tuyển thẳng vào Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, học khoa tiếng Đức, mới mẻ nhưng hứng thú. Anh nhớ, mười năm ngồi trên ghế trường phổ thông ở quê hương, anh đã ghi một câu danh ngôn của Karl Marx: “Trong khoa học không có con đường nào rộng rãi thênh thang. Chỉ có người nào không sợ gian khổ, dám leo theo những con đường núi độc đạo dựng đứng, người đó mới mong vươn tới được đỉnh cao chói lọi của khoa học”. Được trang bị vốn kiến thức tiếng Đức, một năm sau, Hồng nằm trong số ít sinh viên Việt Nam thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp Karl Marx (Đức), một trường danh giá. Ngoài chương trình chính khóa, Hồng còn tranh thủ học “ghé” các môn học khác như lịch sử, âm nhạc, hội họa và một số ngoại ngữ khác (các giảng đường ở đây đều mở cửa tự do cho mọi người đến học). Anh xông xáo mọi việc của Hội Sinh viên, tham gia các hoạt động do đại sứ quán tổ chức. Lương Văn Hồng xuất sắc đạt hai bằng chính quy cử nhân ngôn ngữ Đức và thạc sĩ văn học Đức. Năm 1975, anh mới về nước, công tác tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đồng thời giảng dạy tiếng Đức cho nhiều bộ, ngành như Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng...
Ba năm sau, nhà giáo Lương Văn Hồng đưa một cô gái thuộc dòng tộc hoàng gia Thái Lan sống ở Hà Nội, tên là Vân, về thị xã Hải Dương tổ chức đám cưới, rồi xin phép gia đình chuyển công tác vào Nam, nơi có nhiều “đất dụng võ” với anh. Mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn, phải thuê nhà để ở, nhưng vợ chồng anh mau chóng ổn định cuộc sống. Từ 1978-2005, thầy Hồng, ngoài giảng dạy văn học Đức ở Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh còn cộng tác với nhiều cơ quan, phiên dịch tiếng Đức, dịch phim Đức, dịch sách và xuất bản các công trình văn hóa, văn học nghệ thuật Đức, giới thiệu văn nghệ dân gian Việt Nam cho người Đức... Chính trong các lĩnh vực hoạt động sôi nổi này, với các tác phẩm có giá trị của mình, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Chỉ có điều, không mấy ai biết Lương Văn Hồng đã có thời gian dài hàng chục năm phải chống chọi với bệnh tật mà như người khác thì chỉ có buông tay khuất phục. Năm 2002, anh bị xuất huyết não, liệt nửa người, tay không cầm được bút, nói ngọng nghịu, sức khỏe rất yếu...
Dịp vào Sài Gòn, tôi tới thăm gia đình anh tại một căn hộ khiêm tốn ở quận Tân Phú. Lương Văn Hồng đến nay đã ngấp nghé tuổi “xưa nay hiếm”. Gặp tôi, Hồng rất vui. Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện. Tôi mừng vì Hồng minh mẫn và hằng ngày do thông thạo 5 ngoại ngữ nên vẫn cập nhật tình
Vật với con chữ cũng vui lắm! Các bộ sách kia là kiến thức nền, em chắc chắn sẽ giúp các bạn trẻ nước ta vươn ra biển khơi với trí tuệ Việt... |
...Tạm xa anh, tôi luôn nghĩ đến hình ảnh một nhà giáo, một nhà văn, một tấm gương sáng về nghị lực - đó chính là Lương Văn Hồng, một cựu học sinh Trường THCS Trần Phú, Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương) hơn nửa thế kỷ trước.
NGUYỄN HỮU PHÁCH