Khôi phục nghề chạm khắc đá

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:25, 18/12/2014

Không chỉ là người có công vực dậy nghề truyền thống chạm khắc đá ở xã Phạm Mệnh (Kinh Môn), ông Vũ Văn Nghĩa còn làm giàu từ nghề cổ truyền này.



Xưởng sản xuất của ông Nghĩa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương

Sinh ra và lớn lên ở Phạm Mệnh, nơi có nghề truyền thống chạm khắc đá nên khi mười tuổi ông Nghĩa (sinh năm 1964) đã theo các cụ học chạm khắc đá, biết làm ra sản phẩm cối đá. Ông kể: “Làng Dương Nham nổi tiếng với nghề chạm khắc đá từ hàng trăm năm nay. Trước đây, nghề phát triển mạnh nhờ nguyên liệu sẵn có, khai thác từ động Kính Chủ. Từ khi động Kính Chủ được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia thì việc tìm nguyên liệu gặp khó khăn nên nghề dần bị mai một”.

Với mong muốn duy trì và gìn giữ, phát triển những giá trị của làng nghề, ông Nghĩa quyết tâm vực dậy nghề chạm khắc đá. Năm 24 tuổi, ông đã mở một xưởng chạm khắc đá nhỏ, ban đầu chỉ có 3 - 4 lao động.

Nhớ lại những ngày đầu theo nghề, ông Nghĩa cho biết: “Nhiều lúc khó khăn quá, tôi định bỏ nghề. Vốn làm ăn không có, nguyên liệu cũng không dễ tìm, sản phẩm làm ra thì không bán được, cuộc sống cứ quẩn quanh bế tắc”. Trong trí nhớ của ông chưa bao giờ quên cảnh những ngày cực khổ cả tháng trời xa nhà, thuê xe ôm đi khắp nơi để “chào hàng”. Đến giờ ông vẫn không tin mình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn ấy. Thế rồi, tâm huyết của ông đã được đền đáp, xưởng chạm khắc đá ngày càng phát triển. Từ chỗ chỉ là một xưởng nhỏ, năm 2009, ông thành lập Công ty TNHH một thành viên Vũ Nghĩa, đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy xẻ đá, máy tiện, máy bổ, máy cẩu và hệ thống phun nước tự động để giảm bớt bụi. Một số sản phẩm của công ty như voi đá, ngựa đá, lăng mộ, rồng đá, cột đình chùa… đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. “Ngày nay, khi cuộc sống của người dân ngày càng khá giả hơn thì nhu cầu trùng tu di tích lịch sử đền, chùa miếu mạo, xây dựng nhà thờ họ, trang trí các công trình xây dựng bằng đá ngày càng nhiều. Trung bình mỗi tháng, công ty nhận được 20 đơn hàng, đạt doanh thu 3 - 4 tỷ đồng mỗi năm”, ông Nghĩa cho biết.

Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Nghĩa đúc kết: “Nghề nào cũng vậy, muốn gìn giữ và phát triển không chỉ tích cực học hỏi mà cần có cái tâm với nghề. Riêng nghề chạm khắc đá thì cần có thêm sự tỉ mỉ, con mắt thẩm mỹ tốt và phải thật tâm huyết mới làm được!”.

Công ty TNHH một thành viên Vũ Nghĩa hiện bảo đảm việc làm cho 20 lao động (14 lao động thường xuyên, 6 lao động thời vụ) từ nhiều tỉnh xa như Lào Cai, Ninh Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… với mức lương 4 - 6 triệu/người/tháng.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Mệnh cho biết, làng nghề chạm khắc đá ở xã đang dần bị mai một. Ông Nghĩa là người có công trong việc khôi phục lại nghề truyền thống. Đến nay, Vũ Nghĩa là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất được UBND huyện cấp phép cho thuê đất để làm nghề chạm khắc đá ở xã. Ông Nghĩa đã làm giàu bằng chính nghề truyền thống của cha ông.

LAN NGUYỄN