Kinh tế Nga đối mặt suy thoái

Bình luận - Ngày đăng : 10:54, 19/12/2014

Nga đang trải qua thời khắc khủng hoảng mà truyền thông không ngại dùng những tính từ như “sâu sắc nhất”, “khủng hoảng nhất”, ngang với cuộc vỡ nợ năm 2008.



Giá dầu sụt giảm khiến đồng ruble của Nga rơi tự do. Ảnh: Reuters


EU tiếp tục các lệnh trừng phạt

Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-12 cho biết, mặc cho những lệnh trừng phạt sẽ tiếp tục ảnh hưởng ít nhiều đến nội bộ các nước EU và cuộc khủng hoảng đồng ruble của Nga cũng không đem lại lợi ích nào nhưng các nước này vẫn đang lên kế hoạch nới rộng lệnh cấm đầu tư vào Crimea, nhắm vào việc khai thác dầu khí và du lịch của Nga tại khu vực biển Đen. “Tất cả chúng tôi đều theo dõi nghiêm túc tiến triển của tình hình kinh tế Nga. Không nước nào trong EU có lợi từ việc đồng ruble sụt giá thê thảm như hiện nay”, các quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) nói tại Berlin. Tuy nhiên, tất cả các nước đều đồng thuận rằng EU sẽ giữ lập trường với các lệnh trừng phạt. Hơn nữa, họ sẵn sàng để thực hiện bước tiến sâu hơn nếu cần thiết để đẩy nhanh tính khả quan của tình hình chính trị miền Đông Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nói rằng, châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài việc gia tăng áp lực lên Nga, dù các cơ hội cho những cuộc thảo luận song phương vẫn còn mở.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy động thái tương tự từ phía Nga. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng tuyên bố nước này mất 10 tỷ USD vì các lệnh trừng phạt cách đây không lâu. Song, một nhà ngoại giao cho rằng, hầu như không có sự thông cảm dành cho Tổng thống Nga trong nội bộ EU.

Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy thoái trong quý I - 2015, bao gồm cả Bộ trưởng Kinh tế Aleksey Ulyukaev và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Trong nỗ lực trấn an dư luận, bà Nabiullina kêu gọi mọi người "học cách sống trong một thực tế mới, tập trung nhiều hơn và các nguồn lực hiện có để tài trợ cho các dự án, tìm kiếm cơ hội thay thế nhập khẩu".

Đồng ruble "bốc hơi" hơn 50%

Đà sụt giảm tỷ giá đồng ruble của Nga so với đồng USD trong phiên giao dịch hôm 18-12 tuy đã chững lại nhưng việc sụt tới 11% trong phiên giao dịch hôm 17-12 là cú giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ cuộc khủng hoảng tài chính ở nước này vào năm 2008. Trong kịch bản tồi tệ nhất, Ngân hàng Trung ương Nga dự báo tăng nước này sẽ tăng trưởng -4,5% trong quý I năm 2015, đồng nghĩa với việc kinh tế Nga bước vào suy thoái.

Trở lại với phiên giao dịch hôm 17-12, tỷ giá đồng ruble của Nga đã có một ngày biến động khó lường. Mở đầu phiên giao dịch, dưới tác động tức thời của việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất cơ bản từ 10,5% lên 17% vào đêm trước đó, tỷ giá đồng ruble đã tăng vọt 10% so với đồng USD. Tuy nhiên, sự hồi phục này bị đảo ngược ngay sau đó và đồng ruble liên tục thiết lập thêm những mức tỷ giá thấp kỷ lục mới. Chỉ riêng hai ngày 16 và 17-12, tỷ giá đồng tiền của Nga đã “bốc hơi” gần 20%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm đến nay so với đồng USD lên hơn 50%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Nga biến động quá nhanh và vượt ngoài dự kiến của nhiều người. Ðồng ruble mất giá và cùng lúc giá dầu mỏ sụt nhanh. Ngoài chợ, giá thực phẩm cơ bản tăng khoảng 15%. Trong khi đó hàng hóa tại các cửa hàng phục vụ tầng lớp bình dân giá cả cũng tăng mạnh. Nhìn chung, trượt giá các mặt hàng sản xuất trong nước khoảng 10-15%. Có thể từ đầu năm 2015, số mặt hàng tăng giá sẽ nhiều hơn. Điều này khiến nhiều người nhớ lại những ký ức “kinh hoàng” của cuộc khủng hoảng tài chính Nga năm 2008 khi đồng ruble suy sụp chỉ trong vòng vài ngày, khiến Nga rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Theo số liệu giá trị vốn hóa thị trường Nga của Bloomberg, tổng giá trị toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên thị trường Nga trong một số phiên giao dịch gần đây chỉ đạt khoảng 384,9 tỷ USD. Con số này thấp hơn so với giá trị thị trường 386,6 tỷ USD của Công ty phần mềm Microsoft (Mỹ). Cứ đà này, thị trường chứng khoán Nga sẽ còn tuột xuống dưới giá trị của nhiều công ty Mỹ như Exxon Mobil tại 367 tỷ USD, Berkshire Hathaway tại 360 tỷ USD và Google tại 353 tỷ USD.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Nga rơi vào tình thế hiện nay không phải do cấm vận của Mỹ và phương Tây mà chủ yếu do giá dầu sụt giảm mạnh, từ đó giá trị đồng vốn của Nga giảm nhanh và thu nhập quốc gia co lại nhiều. Thật sự đang có một cuộc chiến tài chính thế giới và công cụ là đồng USD. Thế giới tài chính đến nay vẫn là đơn cực.


PHƯƠNG LINH (tổng hợp)