Những người đi "mở đất"

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:27, 29/12/2014

Khi quỹ đất địa phương không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất, nhiều nông dân không ngại khó, ngại khổ đi tìm những mảnh đất mới để khai hoang, lập nghiệp.



Vụ sau, trên gần 4 mẫu đất thuê, anh Nguyễn Văn Hải dự định sẽ chuyển một phần diện tích sang nuôi dê


Rời quê đi khai hoang

Gần chục năm trước, anh Nguyễn Văn Hiệu ở thôn An Lãng, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) giắt vội 200.000 đồng và bộ quần áo vào túi theo chân một người cùng làng sang xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) thuê đất. "Chiếc xe máy cà tàng của chúng tôi men theo triền đê sông Thái Bình, rồi sông Đuống chồm lên, chồm xuống bởi đường đê lầy lội, liên tục gặp ổ trâu, ổ gà. Triền đê vắng lặng, đi vào đúng ngày trời trở rét, gió bấc réo ào ào bên tai. Dừng xe gần một bãi sông vắng, anh cùng làng nói với tôi: Bãi sông này là mảnh đất chú có thể thuê để canh tác. Đó là một bãi sông hoang vu, cỏ lau, cỏ lác mọc ngang người, gần như chưa có bàn tay ai chạm đến", anh Hiệu nhớ lại. Với anh Hiệu ấn tượng về những ngày đầu đi thuê đất ở Bắc Ninh không dễ gì quên được. Để biến một bãi bồi ven sông từ hoang hóa trở thành một vùng đất trù phú như bây giờ, anh Hiệu đã mất gần 2 tháng thuê người dọn cỏ, cày đất, lên luống... Tiền thuê đất lúc đó chỉ khoảng 500.000 đồng/sào, nhưng tiền cải tạo đất cũng gần xấp xỉ chỗ đó. Anh Hiệu tâm đắc: "Cỏ dại ở đây được dọn sạch, một bãi đất rộng lớn dần hiện ra. Người dân thôn Tân Cương mắt tròn, mắt dẹt nhìn chúng tôi khai hoang mà nể phục. Bao năm qua, những người sống gần đó không hề nghĩ một ngày bãi sông hoang vu lại có thể biến thành những luống rau, cà rốt thẳng tắp, xanh ngút ngàn".

"Ở bãi sông này cũng có nhiều thú vị. Mùa hè, gió sông thổi lồng lộng, không cần quạt. Những hôm trời nóng quá sông Đuống lại trở thành nơi tắm mát".
Ở bãi sông này còn có 3 hộ dân cùng quê với anh Hiệu đến lập nghiệp. Dọc bãi sông của các thôn Tân Cương, Thiên Đức, xã Thái Bảo chủ yếu là người dân Hải Dương đến khai hoang, canh tác. Bao năm qua phù sa sông Đuống đã bồi đắp được nhiều bờ bãi màu mỡ, phì nhiêu. "Ở bãi sông này cũng có nhiều thú vị. Mùa hè, gió sông thổi lồng lộng, không cần quạt. Những hôm trời nóng quá sông Đuống lại trở thành nơi tắm mát. Chiều về, nhiều đàn chim quý kéo về đây rợp trời, nào mòng, nào dẽ, cò... Những bãi bồi ven sông đã trở thành nơi trú ngụ không chỉ của riêng chúng tôi mà còn của cả chúng nữa. Đất lành chim đậu, chúng tôi tin như thế nên càng vững tâm bám lấy mảnh đất này để sinh sống và làm nên những điều kỳ diệu", anh Hoàng Văn Bộ, cũng là người thôn An Lãng, xã Đức Chính đang thuê 5 mẫu đất ở Tân Cương cho biết.

"Tấc đất, tấc vàng"



Những nông dân thuê đất ở thôn Tân Cương, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đầu tư cây tưới tự động

Điều kỳ diệu mà anh Bộ, anh Hiệu làm được không gì khác chính là biến những bãi đất hoang thành bờ xôi, ruộng mật và những vụ mùa bội thu. Để làm được điều này, những nông dân ở đây đã phải vượt qua không ít khó khăn. Dẫn tôi đi thăm một vòng quanh bãi rồi về căn chòi nhỏ giữa đồng uống nước, nhâm nhi chén trà nóng, anh Hiệu kể: "Hôm ra đây nhận đất, nhiều người trong làng to nhỏ nói bãi sông này dữ, lắm ma, nhiều rắn nên tôi cũng hoảng. Ấy vậy mà thế nào tôi lại quyết tâm làm bằng được. Thuận lợi hơn khi tôi được nhiều người thân trong gia đình cùng chia sẻ vất vả. Hai vợ chồng động viên nhau cố gắng làm ăn nên tôi càng có thêm động lực. Ngày đầu ra đây, do đất chưa được canh tác thường xuyên nên nhiều sâu bệnh phá hại. Vụ cà rốt đầu tiên đạt năng suất thấp. Vụ cà rốt tiếp theo, gặp bão, mưa lớn nước sông dâng cao, ngập trắng cả một vùng. Bao nhiêu công lao của gia đình tôi cũng như những gia đình canh tác ở bãi bồi này lại đổ xuống sông".

Thế nhưng, họ không bỏ đất, vẫn quyết tâm làm lại bằng được. Mất vụ cà rốt, nhưng đổi lại những bờ bãi nơi đây lại được phủ một lớp phù sa mới. Vụ sau, cà rốt tốt hơn hẳn, sâu bệnh cũng giảm nhiều, năng suất cao gấp đôi, gấp ba so với những vụ trước. Từ kinh nghiệm canh tác, anh Hiệu cũng như những người dân ở đây không độc canh cà rốt mà chuyển sang luân canh 3 vụ: cà rốt vụ đông, ngô vụ xuân và rau màu vụ hè thu.

Đáp lại sự cần mẫn và quyết tâm của con người, những năm gần đây bãi bồi ven sông Đuống đã ban tặng cho họ những vụ mùa bội thu. Mỗi vụ cà rốt anh Hiệu thu lãi từ 500-600 triệu đồng. Số tiền đó, anh đầu tư sản xuất,  mua đất, mua xe, làm nhà to ở quê. Mấy năm gần đây, nhờ trồng cà rốt và rau màu thắng lợi liên tiếp, anh dồn tiền đầu tư mua đất trong miền Nam và hùn vốn cùng anh em trong đó làm ăn.

Mặc dù mới thuê 4 mẫu đất ở xã Thái Bảo để canh tác nhưng vụ rau trước, anh Nguyễn Văn Hải cùng quê ở thôn An Lãng đã thu được hơn 50 triệu đồng. Vụ cà rốt này, nếu tiếp tục thuận lợi, anh có thể thu được hơn 300 triệu đồng. Anh Hải cho biết: "Số tiền lãi em sẽ đầu tư mua thêm hệ thống phun tưới tự động. Một phần đất sẽ được quy hoạch lại để nuôi dê". Nhờ có tiền, nhiều gia đình ở đây đã đầu tư cho sản xuất. Những vạt cà rốt trải dài trước đây mất công thuê người tưới nay đã được đầu tư tưới tự động. Toàn bộ hệ thống tưới được đồng bộ, đấu nối với một máy bơm ở nơi cấp nguồn. Mặc dù ở gần sông nhưng những hộ dân ở đây vẫn tự đào giếng để chủ động nguồn nước tưới. Việc làm đất đã được thay sức người bằng sức máy. Nhờ làm ăn hiệu quả, chính quyền sở tại cũng giúp đỡ tích cực. Những người thuê đất trồng cà rốt ở huyện Gia Bình được hỗ trợ hơn 100.000 đồng chi phí mua phân bón/vụ. Ngoài ra, họ còn được chính quyền địa phương kéo điện ra đồng, giúp việc sản xuất thêm thuận lợi. Ông Lê Văn Ngấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính cho biết: "Ở Đức Chính hiện có vài chục hộ tìm đến những vùng đất mới khai hoang trồng cà rốt và rau màu. Nhờ họ mà những cây cà rốt mang thương hiệu Đức Chính được đưa sang tận Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, thậm chí lên tận Long Biên (Hà Nội). Có thể nói đi dọc các triền sông, ở đâu có cây cà rốt thì ở đó nhiều khả năng có người Đức Chính. Nếu thời tiết thuận lợi, mỗi mẫu cà rốt có thể cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Vì thế mà ngày càng đông người Cẩm Giàng kiếm tìm những vùng đất mới thuê trồng cà rốt".   

Những vùng cà rốt, vùng rau ở Cẩm Giàng không chỉ gói gọn ở vài trăm ha ở đồng đất của huyện mà đang ngày càng được mở rộng ở những miền đất khác. Với người dân ở đây, mỗi tấc đất là mỗi tấc vàng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn huyện Cẩm Giàng có khoảng 100 hộ dân đi thuê đất ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội để canh tác. Nông dân đi thuê đất chủ yếu ở các xã Đức Chính, Cẩm Văn, Cẩm Vũ. Tại những vùng thuê đất, nông dân chủ yếu trồng cà rốt, dưa hấu và rau. Mỗi năm, nông dân ở những vùng đó thu lãi từ 400-600 triệu đồng/ha.



HẢI MINH