Kinh Môn trước vận hội mới
Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 30/12/2014
Sản phẩm hàng hóa của các nhà máy xi-măng ở Kinh Môn đã trở thành thương hiệu mạnh và
chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối của ngành công nghiệp Hải Dương
Huyện Kinh Môn nằm ở phía đông của tỉnh, gồm 22 xã và 3 thị trấn được bao bọc bởi bốn con sông: Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách và Hàn Mấu. Ngoài ra, tỉnh lộ 388 kết nối với các quốc lộ 5, 18 và tiếp giáp tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng đã tạo nên một lợi thế lớn của huyện. Kinh Môn còn có cả giao thông thủy, tài nguyên khoáng sản phong phú, nhân lực dồi dào, là những điều kiện quan trọng để huyện bứt phá. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia như: Nhà máy Xi-măng Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Thành Công, Duyên Linh, Trung Hải; khu liên hợp sản xuất gang, thép Hòa Phát, Nhà máy Luyện kim Tân Nguyên... Đây còn là vùng đất có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như đền Cao An Phụ, động Kính Chủ, tượng đài Anh hùng Dân tộc Trần Hưng Đạo, cảnh quan bên dòng Kinh Thầy với nhiều trầm tích văn hóa độc đáo... Thiên nhiên còn ban tặng cho Kinh Môn nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt là các dãy núi đá xanh, nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp xi-măng. Chính sự phát triển của các nhà máy xi-măng là điều kiện để các ngành công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp khác phát triển.
Việc nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã Kinh Môn là một yêu cầu tất yếu. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020 và giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Kinh Môn được xác định là một đô thị phát triển toàn diện cả về công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch, là trung tâm giao lưu phát triển kinh tế lớn của vùng đông bắc tỉnh.
Theo đề án, hướng quy hoạch chung sẽ lấy lõi là thị trấn Kinh Môn mở rộng sang 2 thị trấn: Phú Thứ, Minh Tân để tạo thành chuỗi phát triển đô thị. Thị trấn Kinh Môn mở rộng được hình thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên của 3 thị trấn: Kinh Môn, Phú Thứ và Minh Tân. Từ trước đến nay, sự liên kết phát triển của 3 thị trấn góp phần hình thành các khu dân cư tập trung, các khu thương mại, dịch vụ trên suốt trục đường nội thị thuộc tỉnh lộ 388. Sự liên kết phát triển đó đã cộng hưởng, giao thoa gắn kết 3 thị trấn với nhau làm nên một thị trấn Kinh Môn mở rộng, hội tụ đầy đủ các yếu tố, tiêu chí của một đô thị loại IV. Đây được xác định là đô thị vùng lõi, làm tiền đề cho việc nâng cấp huyện Kinh Môn trở thành thị xã trong tương lai.
Nỗ lực phát triển
Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Kinh Môn đã tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2011 - 2013 đạt gần 6,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, phù hợp với xu thế phát triển đô thị chung của tỉnh và cả nước. Hiện tại, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 90,3%, lao động qua đào tạo chiếm khoảng 35,2%. Kinh tế công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế. Sản phẩm hàng hóa của các Nhà máy Xi-măng: Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Trung Hải, Thành Công, cao lanh Hải Dương, thép Hòa Phát, Tân Nguyên... đã trở thành thương hiệu mạnh của ngành công nghiệp khai khoáng, vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, huyện Kinh Môn đã và đang tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thuộc ngành công nghiệp sạch, thương mại, dịch vụ và định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai.
Thị trấn Kinh Môn giàu tềm năng phát triển
Kinh tế phát triển mạnh, thị trấn Kinh Môn mở rộng có điều kiện đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Hạ tầng kỹ thuật đô thị của thị trấn đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới. Hệ thống tỉnh lộ 388 nối quốc lộ 5 với quốc lộ 18 đã được nâng cấp, mở rộng, trở thành tuyến đường xương sống theo hướng đông bắc - tây nam, nối liền các thị trấn Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân thành một chuỗi đô thị liên hoàn. Tuyến đường này góp phần thông thương hàng hóa từ tam giác trọng điểm kinh tế: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, liên kết với tỉnh lộ 389 làm đầu mối giao lưu kinh tế giữa các xã khu vực phía đông và phía tây của huyện. Hàng loạt khu dân cư (KDC) nông thôn, khu đô thị mới (ĐTM) đã được xây dựng như: Minh Tân, phía bắc thị trấn Phú Thứ, phía bắc thị trấn Kinh Môn, phía nam thị trấn Kinh Môn. Hệ thống điện chiếu sáng công cộng, thông tin, đường dây tải điện, trạm biến áp, trường học, bệnh viện, các trung tâm thương mại và các công trình phục vụ hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí... đang dần hoàn thiện. Hệ thống các cơ quan công sở đã và đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới khang trang. Thị trấn Kinh Môn mở rộng đã xây dựng được hệ thống công viên cây xanh và không gian công cộng tạo nên một khu đô thị xanh thân thiện. Công viên Minh Tân và các hoa viên trở thành điểm vui chơi, giải trí quen thuộc của người dân. Là đô thị miền núi, vì vậy, diện tích cây xanh, mặt nước của thị trấn lớn hơn nhiều so với các đô thị khác trong khu vực.
Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được chính quyền quan tâm. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Chất lượng đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Người dân đã được sử dụng nước sạch bảo đảm nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Khối lượng nước cấp cho trên 94% số gia đình khu vực thị trấn mở rộng đạt tiêu chuẩn 122 lít nước sinh hoạt/người/ngày.
Trong nhiều năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm, đầu tư. Hệ thống trường học đã phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, bổ sung nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội đô thị trong tương lai. Thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ngành đoàn thể và nhân dân trên địa bàn thị trấn Kinh Môn mở rộng thường xuyên quan tâm đến đời sống của các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm thực thi hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
VỊ THỦY
Quá trình phấn đấu để đạt được thành tựu như ngày hôm nay của thị trấn Kinh Môn mở rộng là sự phát triển tự thân của cả ba thị trấn ở Kinh Môn, đã hội tụ đủ các yếu tố, các tiêu chuẩn để được nâng cấp thành đô thị loại IV. Thị trấn Kinh Môn mở rộng sẽ tiếp tục mở ra các triển vọng mới, không chỉ trở thành vùng lõi của thị xã mà là động lực để đô thị Kinh Môn phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, xứng đáng là trung tâm công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, văn hóa, du lịch, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế vùng đông bắc của tỉnh. |