Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Công nghiệp - Ngày đăng : 04:20, 31/12/2014

Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi...



Công ty May Tinh Lợi mới đưa 2 xưởng may vào sản xuất, tạo thêm việc làm cho 1.500 lao động. Ảnh: TC


Thời gian qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh.

Năm 2014, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tham mưu điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tích cực đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng. Tăng cường phối hợp hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng tháo gỡ khó khăn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thu hút đầu tư vào các KCN Lai Vu, hoàn thành hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết lần 2 phân khu phía tây KCN Phú Thái (giai đoạn 1), giảm diện tích đất KCN Đại An từ 174 ha xuống còn 135 ha, hoàn thiện quy hoạch chi tiết KCN Lai Cách (giai đoạn 1); kiểm tra xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các KCN... Phần diện tích giảm ở một số KCN hầu hết được tính toán chuyển công năng từ đất công nghiệp sang đất dân cư, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân. Việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết của các KCN còn nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là thu gom và xử lý nước thải tập trung, tăng tỷ lệ cây xanh và công trình phúc lợi phục vụ cho người lao động.

Ban Quản lý các KCN tỉnh tăng cường quản lý xây dựng theo quy hoạch, thiết kế kỹ thuật được duyệt, tiến độ cam kết và đồng bộ với kết cấu hạ tầng tổng thể trong KCN đối với từng dự án, nhà máy. Trong đó, đã cấp 9 chứng chỉ quy hoạch, điều chỉnh 6 dự án thiết kế, cấp 34 giấy phép xây dựng, kiểm tra quy hoạch, chất lượng xây dựng và môi trường tại 52 nhà máy... Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp kịp thời văn bản quy phạm pháp luật, thông tin hoạt động các KCN, doanh nghiệp và giải quyết kịp thời vướng mắc cho các nhà đầu tư, các dự án. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 được áp dụng có hiệu quả, bảo đảm quy định về thời gian giải quyết công việc, công khai các thủ tục hành chính trên website, tại công sở. Tăng cường quy chế phối hợp để hạn chế gây phiền hà các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong KCN. Việc cấp chứng chỉ quy hoạch, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép lao động cho người nước ngoài... đã được tiếp nhận và xử lý nghiêm túc, kịp thời, đúng quy trình.   

Trong năm 2014, đơn vị đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 21 dự án mới, với tổng vốn đăng ký gần 352 triệu USD (trong đó có 16 dự án FDI và 5 dự án trong nước), điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 94 lượt dự án, trong đó có 22 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư khoảng 184 triệu USD... Hiện nay, các KCN đã thu hút được 192 dự án, gồm 146 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, 46 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 3,4 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện năm 2014 đạt 230 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư thứ cấp thực hiện đạt hơn 2,1 tỷ USD. Có 145 trong tổng số 178 dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh, với sản phẩm chủ yếu là điện, điện tử và may mặc, thu hút hơn 75.000 lao động. Hiệu suất thu hút đầu tư khá, vốn đầu tư bình quân đạt 18,5 triệu USD/dự án và 6,4 triệu USD/ha. Nhiều dự án vào KCN có công nghệ tiên tiến như Brother, Sumidenso, UMC, Iriso, Hitachi đến từ Nhật Bản;  Kefico, KPF, Namyang (Hàn Quốc), May Tinh Lợi, Dệt may Pacific Crytals (Hồng Kông)... Năm 2014, các doanh nghiệp trong KCN trên đạt doanh thu trên 2,3 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 80%, nộp ngân sách nhà nước khoảng 40 triệu USD.

Ông Đặng Xuân Thưởng, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên KCN Lai Vu cho biết, ngay sau khi nhận bàn giao KCN, việc chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật được doanh nghiệp triển khai tích cực với dự toán ban đầu 54 tỷ đồng. Các lô đất sản xuất và đường giao thông nội bộ khu tập trung được điều chỉnh lại quy hoạch theo đúng thực địa. Triển khai xây dựng nút giao thông giữa tuyến đường 5B và tuyến đường vành đai. Các tuyến giao thông nội bộ và hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước mưa, xử lý nước thải... đang được gấp rút hoàn thiện. Diện tích cây xanh tập trung, phân tán ven đường giao thông được quy hoạch và trồng bổ sung trong mùa xuân Ất Mùi 2015. Đến nay, hai nhà đầu tư May Tinh Lợi và Dệt Pacific Crystal (thuộc Tập đoàn Dệt may Crystal) đang tích cực triển khai xây dựng nhà xưởng của hai dự án có tổng vốn đầu tư trên 557 triệu USD. Từ ngày 10-11,  Công ty May Tinh Lợi đã đầu tư 35 triệu USD đưa 2 xưởng may T và Q vào sản xuất, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động. Dự kiến đầu năm 2015, thêm 2 nhà xưởng nữa sẽ hoạt động, tạo việc làm cho 4.000 lao động. Dự án dệt Pacific Crystal cũng đang hoàn thiện các nhà xưởng đầu tiên trên diện tích 5 ha, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 2-2015, thu hút khoảng 5.000 lao động. Toàn bộ 2 dự án trên sử dụng 35,1 ha đất, với tổng mức đầu tư 420 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong năm 2017, sẽ tạo việc làm cho khoảng 16.000 lao động.

Theo ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, để các KCN tiếp tục phát huy hiệu quả, Trung ương và tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như kết nối hạ tầng ngoài hàng rào, hoàn thiện hạ tầng giao thông; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; có ưu đãi hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại. Trong quản lý Nhà nước đối với các KCN nên có cơ chế "phân quyền tại chỗ một cửa" cho Ban Quản lý các KCN tỉnh làm đầu mối giải quyết thủ tục trong quá trình đầu tư, sản xuất, nhất là các dự án FDI.

Tỉnh Hải Dương hiện có 10 KCN, trong đó có 7 KCN do nhà đầu tư trong nước và 3 KCN do nước ngoài thực hiện, với tổng vốn đăng ký 8.150 tỷ đồng. Đến nay, lũy kế vốn thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng chiếm khoảng 60% vốn đăng ký.


THÀNH LONG