Lấp lánh nhiều vệt sáng

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 02:42, 01/01/2015




Đề tài bao trùm là mảnh đất, con người, quê hương những năm xa xưa, cho đến hôm nay đang đi vào hội nhập.

Cái lược nhôm là một truyện khá hay. Chuyện bắt đầu từ tình yêu đầu đời của đôi trai gái trên trận địa cầu Lai Vu. Chiến tranh làm họ xa nhau mãi mãi. Nay Hợi, người con gái, đã nằm lại ở chiến trường xa, được gia đình đưa hài cốt về quê. Còn anh, đang công tác ở Tây Bắc, nghe tin, vội đáp tàu hỏa về Hải Dương. Trước mộ người yêu, anh nhận ra vật kỷ niệm làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ, do chính anh làm và Hợi đã mang đi. Nhờ vật đó chôn trong tấm ni-lông cùng với hài cốt mà Hợi đã trở về đúng nơi cô đã sinh sống và yêu đương ngày trước... Truyện được viết công phu, có những đoạn miêu tả khá sinh động: "Làng quê tôi ven một con sông đỏ lựng phù xa. Đến mùa khô, nước rút ra tận giữa dòng, hai bên lại phơi ra những chú thoi loi nhảy tanh tách. Người ta dùng cái cần câu có đánh khuyết bằng lông đuôi ngựa cứ lừa những chú cá này chui vào tròng, rồi giật lên những con thoi loi bụng khệ nệ trứng". Nếu cái lược nhôm được giấu kín, không đặt làm tên truyện, chỉ khi cởi "nút" mới lộ ra, thì truyện hấp dẫn hơn nhiều.

Các truyện được sáng tác từ nhiều kỷ niệm đại loại như thế: Cái huy hiệu, chiếc máy ga-len, mái tóc nhuộm vàng, miếng trầu, lời ru... có một số tìm tòi  như Bác Thu (vợ liệt sĩ trung hậu, chịu nhiều thiệt thòi). Kỷ vật Điện Biên (món quà của cặp vợ chồng già trong ngày mừng thọ), Bác sĩ và cô gái (đề tài giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên)... Mảng tản văn là những hoài niệm về người xưa, cảnh cũ... Thấp thoáng những nụ cười châm biếm trong các mẩu rất ngắn như Hai "thượng đế", Cấn sữa...

Có thể nhận ra, nhiều truyện, tản văn được sáng tác trong nhiều thời điểm, đều có nhân vật quen thuộc: anh đi bộ đội, chị ở lại, tình yêu lỡ dở... Nay xếp bên nhau trong một tập sách nó trở nên trùng lặp. Có bài còn dễ dãi (Hai cái mũ, Lương tâm, Đất ơi có nhớ..., Đời cây....). Hương vườn mẹ là bài thơ văn xuôi, cũng như cách dẫn dắt chuyện trong "100 từ" mới chỉ là thể nghiệm.
Giá như trước khi xuất bản, bản thảo được săn sóc kỹ hơn, thì hẳn Đêm trước bình minh sẽ lấp lánh nhiều vệt sáng hơn. Dù sao, đây cũng là một đóng góp mới của nhà báo Nguyễn Thế Trường với văn học tỉnh nhà.

VƯƠNG BẠCH