Cán bộ phải nêu gương

Tin tức - Ngày đăng : 07:11, 01/01/2015

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy :“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Điều đó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và trong mỗi cơ quan, địa phương nói riêng.

Cán bộ là người đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với quần chúng, người phản ánh nguyện vọng của quần chúng tới Đảng, Nhà nước và là người tập hợp, tổ chức, hướng dẫn quần chúng trong hoạt động thực tiễn. Người cán bộ là hiện thân của Đảng tại mỗi cơ quan, địa phương; khi quần chúng tin tưởng, nghe theo cán bộ chính là tin tưởng, nghe theo Đảng. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở mỗi cán bộ phải là tấm gương sáng để quần chúng tin tưởng, noi theo và “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do tác động tiêu cực của đời sống xã hội đã làm một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Tình trạng cán bộ thiếu gương mẫu, “nói một đàng, làm một nẻo”, tín nhiệm thấp, thậm chí không được quần chúng tín nhiệm vẫn còn tồn tại ở nhiều cơ quan, địa phương. Những cán bộ đó chỉ có “uy” mà không có “tín”, họ điều hành công việc chỉ bằng uy danh của cương vị công tác do tổ chức bổ nhiệm để buộc quần chúng hành động theo mệnh lệnh, chỉ đạo của mình. Vì vậy, quần chúng chỉ “khẩu phục” nhưng “tâm không phục”. Sự thiếu gương mẫu của cán bộ là nguyên nhân trực tiếp làm mất tính đoàn kết thống nhất, trên dưới một lòng, làm suy yếu tổ chức và gây nên tình trạng khiếu kiện tập thể vượt cấp kéo dài, đe dọa an ninh chính trị ở nhiều địa phương.  Những lời nói, việc làm thiếu gương mẫu của cán bộ đã hằng ngày, hằng giờ làm suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, là thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta.

Để khắc phục tình trạng trên, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn “nói đi đôi với làm”, phải nêu gương trước quần chúng bằng hành động thực tế. Hành động nêu gương của cán bộ cũng là yêu cầu trọng tâm hiện nay trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Muốn nêu gương để quần chúng học tập, trước hết cán bộ phải luôn đề cao ý thức tự phê bình và phê bình, nhận rõ ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để sửa chữa; luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân. Đây là cuộc đấu tranh không kém phần cam go, phức tạp trong chính bản thân mỗi người cán bộ; đòi hỏi mỗi cán bộ phải có ý chí và quyết tâm cao để vượt lên cám dỗ của vật chất, quyền lực, giải quyết tốt quan hệ giữa lợi ích tập thể với lợi ích cá nhân. Ra sức phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Bởi, đạo đức cách mạng của người cán bộ là nhân tố có ảnh hưởng quan trọng tới uy tín, thanh danh của Đảng, có sức thuyết phục, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng. Mỗi cán bộ phải biết “tự sửa mình” bằng những việc làm cụ thể hằng ngày và trong suốt cuộc đời như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.


VINH ĐƯỢC (TP Hải Dương)