Doanh nghiệp ngại tham gia chương trình bình ổn giá

Thị trường - Ngày đăng : 04:08, 02/01/2015

Chương trình bình ổn giá được triển khai tại tỉnh Hải Dương từ dịp Tết Quý Tỵ 2013 thu hút 3 doanh nghiệp tham gia. Nhưng sau đó số doanh nghiệp tham gia ngày càng ít...



Do thủ tục vay vốn khó khăn nên năm nay Siêu thị Intimex Hải Dương
không tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh


Người dân chờ đợi

Dịp Tết Quý Tỵ 2013, bà Nguyễn Thị Hồng Chuyện ở phố Lương Định Của, thị trấn Gia Lộc đã mua 5 lít dầu ăn được bình ổn giá. So với giá bán ở các cửa hàng khác, bà Chuyện tiết kiệm được 50.000 đồng. Tết Giáp Ngọ vừa qua, bà không thấy có doanh nghiệp nào đưa hàng về bán với giá bình ổn như năm trước. Bà Chuyện cho biết: "Với những người thu nhập thấp như chúng tôi, mua hàng bình ổn giá sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí nho nhỏ. Tết năm nay, nếu doanh nghiệp mang hàng về bán ở đây, tôi cũng sẽ tiếp tục đến mua".

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Siêu thị Intimex Hải Dương khẳng định: "Chương trình bán hàng bình ổn giá được Intimex thực hiện những năm trước đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, nhất là vùng nông thôn. Khi chúng tôi đưa những sản phẩm như gạo, dầu ăn, đường về bán tại các xã ở Thanh Miện, Ninh Giang rất đông người dân mua. Hàng về đến đâu bán hết đến đó, nhất là dầu ăn".

Chương trình bán hàng bình ổn giá với mục đích giúp cân đối cung cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân. Dịp Tết Ất Mùi năm nay, nhóm hàng được UBND tỉnh chọn để thực hiện chương trình bình ổn giá gồm: gạo các loại, thực phẩm chế biến từ thịt lợn, thịt bò, thủy hải sản chế biến đông lạnh, dầu ăn các loại và đường kính... Theo ông Nguyễn Văn Đường ở khu 6, phường Tân Bình (TP Hải Dương), đây là những sản phẩm cần thiết với người tiêu dùng. Mặc dù người dân luôn mong muốn được mua hàng nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn giá giảm dần.



Năm nay, Siêu thị Big C Hải Dương không tham gia bình ổn giá của tỉnh
mà chỉ mở các chương trình khuyến mãi, giảm giá sản phẩm


Điều kiện khắt khe


Mặc dù kế hoạch bình ổn giá thị trường các mặt hàng thiết yếu đã được UBND tỉnh phê duyệt từ ngày 26-9-2014 nhưng đến nay, vẫn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tham gia. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Giám đốc Siêu thị Intimex Hải Dương cho biết: "Năm 2013, chúng tôi được UBND tỉnh cho vay vốn không lãi suất trong vòng 6 tháng để bán hàng bình ổn giá. Tuy nhiên, thực tế, thủ tục vay vốn rất phức tạp, thời gian phê duyệt hồ sơ để nhận quyết định cho vay mất gần 3 tháng. Sau đó, chúng tôi phải chờ thủ tục giải ngân mất gần 1 tháng nữa. Như vậy, chúng tôi chỉ có 2 tháng 10 ngày để sử dụng nguồn vốn này cho chương trình bán hàng bình ổn giá".

Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp, ngoài lý do thủ tục vay vốn khó khăn thì điều kiện để doanh nghiệp được tham gia bán hàng bình ổn giá quá khắt khe. Đó là, doanh nghiệp phải có uy tín và kinh nghiệm trong việc kinh doanh các mặt hàng bình ổn, cung cấp liên tục với số lượng lớn các mặt hàng bình ổn. Doanh nghiệp phải có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có phương tiện vận chuyển đủ khả năng phục vụ cho việc phân phối và bán hàng lưu động theo yêu cầu; có mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu rộng khắp trong tỉnh, nhất là ở các huyện, khu, cụm công nghiệp, chợ, siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi... Theo đại diện Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương, gạo là một trong những sản phẩm thiết yếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, công ty không được tham gia bán hàng bình ổn giá do không đủ điều kiện để vay vốn ưu đãi của chương trình.  Còn bà Đinh Thị Hồng Thanh, Thư ký siêu thị Big C Hải Dương cho biết, siêu thị cũng muốn tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên năm nay không tham gia mà chỉ thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá hơn 1.000 mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị.

Năm 2012, mặc dù tỉnh chưa có chủ trương nhưng toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp tự thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết. Năm 2013, có 3 doanh nghiệp, năm 2014 chỉ còn 1 doanh nghiệp tham gia. Theo Sở Công thương, đến cuối tháng 12 chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá Tết Ất Mùi. Nguyên nhân theo lý giải của sở là do hàng hóa Tết hiện vẫn chưa sôi động.

Chương trình bình ổn giá là rất cần thiết để điều tiết giá cả thị trường và tạo điều kiện cho những người có thu nhập thấp được mua sắm hàng hóa nhưng chương trình này mới chỉ được thực hiện trong dịp Tết. Thời gian tổ chức bán hàng bình ổn chỉ diễn ra trong gần 4 tháng, gây khó cho nhiều doanh nghiệp muốn tham gia. Do đó, các ngành liên quan cũng cần nghiên cứu để có giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, góp phần bình ổn hàng hóa thị trường phục vụ người dân.

Theo kế hoạch của UBND tỉnh, trong dịp Tết Ất Mùi 2015 có 5 nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu cần bình ổn, gồm 200 tấn gạo, 70 tấn thực phẩm chế biến, 80 tấn thủy hải sản chế biến, đông lạnh, 100.000 lít dầu ăn, 50 tấn đường kính. Tổng số vốn hỗ trợ thực hiện kế hoạch từ 25 - 30 tỷ đồng.


VŨ ÚY - LAN ANH