Đứa bé trong phim Cánh đồng hoang thành "tỷ phú cá đồng"

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 10:21, 02/01/2015

Ít ai ngờ, đứa trẻ Nguyễn Duy Khương ngày ấy, bây giờ còn nổi tiếng hơn với biệt danh “tỷ phú cá đồng”...

Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi tìm về quê cố đạo diễn Hồng Sến (Nguyễn Hồng Sến) giáp biên giới Campuchia để gặp những nhân vật quần chúng trong phim Cánh đồng hoang nổi tiếng khắp thế giới với cảnh quay đứa trẻ bị cho vào túi nilon, nhận chìm xuống nước tránh đạn của máy bay địch. Ít ai ngờ, đứa trẻ ấy bây giờ còn nổi tiếng hơn với biệt danh “tỷ phú cá đồng”...

Diễn viên Thúy An và đứa bé trong phim Cánh đồng hoang

Diễn viên Thúy An và đứa bé trong phim Cánh đồng hoang


Vất vả từ phim ra đời 


Ông Nguyễn Văn Út, người tham gia đóng vai Đại đội trưởng một cánh quân tiến về Kiến Tường nói: “Nơi đóng quân của đoàn làm phim Cánh đồng hoang thuộc địa bàn xã Tân Lập, lúc đó đoàn làm phim mượn đứa bé con của ông Năm Nghiệp (Nguyễn Văn Nghiệp, ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An - NV) để quay cảnh trên. 


Tiếp chúng tôi trong căn nhà lá nhưng sạch mát, ông Năm Nghiệp hồ hởi: “Thằng bé đó là con tui nay đã 36 tuổi rồi, tên là Nguyễn Duy Khương. Lúc đóng phim, nó chỉ mới có 16 tháng tuổi. Tuy nhỏ, nhưng nó cứng cáp lắm…”.


Nói xong ông quay sang nói với người con dâu: “Bay gọi điện kêu thằng chồng bay về gấp, có khách quý đến thăm nè…”. Cô con dâu là Nguyễn Thị Thúy Uyên (vợ Khương) từ phía dưới vâng lời gọi điện và hơn 20 phút sau anh chồng về tới. 


Mặc dù chuẩn bị tư tưởng trước nhưng tôi không khỏi bất ngờ bởi trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn, có nụ cười rất thiện cảm.

"Nhờ vai diễn đó mà bây giờ rất nhiều người xung quanh vùng này biết em. Ngẫm nghĩ em rất vui khi thấy sự đóng góp nhỏ của mình vào bộ phim. Bởi vậy em luôn tâm niệm rằng phải sống tốt cho bà con thương mình như thương thằng bé trong phim…”.

Anh Nguyễn Duy Khương

Khương tâm sự, hai vợ chồng anh đã có đứa con gái năm tuổi rất kháu khỉnh. Giải thích cho sự vắng nhà, Khương nói: “Mấy hôm nay lo chở cá cho vợ bán và đi bỏ mối cho các nơi nhiều nên cũng hơi mệt. Tranh thủ hôm nay ngày rằm xả hơi nên em đi uống cà phê với mấy đứa bạn cho vui”.

Khi được hỏi về vai diễn từ ngày mới 16 tháng tuổi trong phim Cánh đồng hoang, Khương e thẹn gãi đầu: “Dạ chuyện hồi nhỏ em đâu có biết gì. Lớn lên gia đình kể lại rồi xem phim mới biết mình là diễn viên. Nhờ vai diễn đó mà bây giờ rất nhiều người xung quanh vùng này biết em. Nghĩ lại cũng rất vui khi thấy sự đóng góp nhỏ của mình vào bộ phim. Bởi vậy em luôn tâm niệm rằng phải sống tốt cho bà con thương mình như thương thằng bé trong phim…”.


Trước năm 2000, gia đình Khương còn nghèo nên anh phải đi đốn, vác tràm, giăng câu, chạy tàu mướn để phụ giúp cha mẹ. Đến năm 2007, gia đình chuyển sang mua bán cừ tràm nhưng không may chuyến hàng đầu tiên bị gặp nạn ở cửa sông Chợ Gạo (Tiền Giang). Tai nạn làm chiếc ghe chở 20 tấn cừ tràm bị chìm khiến cả nhà suýt mất mạng. Tài sản trên ghe mất hết khiến ba mẹ Khương phải bán 7 công đất để mua ghe, máy đền lại cho chủ. 


Thế là Khương trở lại nghề giăng lưới cắm câu giữa Đồng Tháp Mười. Được trời thương nên mỗi đêm Khương bắt từ 20-30kg mang lên chợ Mộc Hóa bán cho vựa. Bán riết, ông chủ vựa thấy Khương hiền lành rồi gả luôn con gái “rượu” cho Khương. Nhờ chí thú làm ăn với nghề bán cá đồng trước nhà, vợ chồng Khương được bà con quý mến nên khách ra vào tấp nập. Vựa cá đồng của vợ chồng Khương hiện nay mỗi ngày bán khoảng 200kg cá. Bởi vậy, dân trong vùng Đồng Tháp Mười gọi Khương là “tỷ phú cá đồng”!.

Diễn viên Thúy An và đứa bé trong phim Cánh đồng hoangKhương và vợ đang kiểm tra lại dụng cụ đựng cá để nhận hàng về
Khương và vợ đang kiểm tra lại dụng cụ đựng cá để nhận hàng về

Cháu đóng phim, ông nội xót ruột


Trở lại câu chuyện đóng phim Cánh đồng hoang, bà The (mẹ Khương) nhớ lại: “Hồi đó đạo diễn Hồng Sến và những người trong đoàn làm phim tìm nhiều đứa trẻ lứa thằng Khương để đóng vai con của vợ chồng Ba Đô nhưng không em nào được chọn. Lựa hoài không có đứa nào thì tình cờ ổng thấy thằng nhỏ nhà tui, ổng kết liền!”.


Ông Năm Nghiệp nói: “Lúc đầu vợ chồng tui nhất quyết không đồng ý, vì biết nhân vật đứa trẻ xuất hiện trong những cảnh quay rất nguy hiểm. Thế nhưng, “lợi dụng” lúc vợ chồng tui đi làm mướn suốt ngày ngoài đồng, còn thằng nhỏ thì nhờ ông nội giữ giùm ở nhà, nên đạo diễn Hồng Sến đến thuyết phục cha tui (cụ Nguyễn Văn Lập) đồng ý cho mượn thằng Khương để quay phim. Tuy vui vẻ giúp đỡ đoàn làm phim, nhưng khi thấy đứa cháu nội bị cho vào túi nilon, nhấn xuống nước, cha tui không kềm chế được mình, nên trách đoàn làm phim làm chuyện “dại dột” với thằng bé”. 


Bà The kể tiếp: “Khi chứng kiến tận mắt cảnh “hãi hùng” về thằng con trai, tui té từ vọng gác xuống nước. Tui khóc lên kêu trời đòi “bắt đền” đoàn làm phim. Khi chứng kiến cảnh con mình bị “trầm nước” ruột tui đau như cắt. Sau đó thằng nhỏ cảm sốt, mất ngủ, hoảng hốt, la khóc nhiều đêm liền nên gia đình rất lo lắng ...


Theo lời bà The, sau khi tiếng tăm bộ phim Cánh đồng hoang lan truyền khắp nơi, có mấy người trong đoàn làm phim đến hỏi, xin vợ chồng bà cho thằng Khương theo nghề diễn viên (lúc đó Khương khoảng 10 - 12 tuổi). Nếu gia đình bà đồng y thì họ sẽ đưa Khương đi luôn nhưng vợ chồng bà thương con quyết không cho nó đi xa, cho dù nghèo mấy đi nữa cũng không rời con mình…

Từ chối nghề diễn vì không thể xa nhà


Tham gia đóng phim Cánh đồng hoang còn có chị Nguyễn Thị Phượng (cô giáo Phượng) đóng vai Trạm trưởng dân công Kiến Tường tiếp tế bánh tét cho đoàn quân giải phóng từ miền Bắc chi viện vào chiến trường Nam bộ. 


Bà Đặng Thị Cam (80 tuổi mẹ chị Phượng) kể: “Hồi đó đoàn làm phim về đây mượn khu rừng tràm của gia đình tui để quay cảnh máy bay ném bom. Sau khi quay xong cảnh nữ giao liên tiếp tế cho bộ đội, ông Hồng Sến mời con Phượng đi theo đoàn làm phim luôn. Ông Hồng Sến nói rằng con Phượng nhà tui có tố chất của một diễn viên điện ảnh. Không quen sống xa nhà, xa mẹ, cô giáo Phượng đã từ chối lời đề nghị của ông Hồng Sến. Khi phim công chiếu trên màn ảnh nhỏ, cô giáo Phượng nhận được nhiều thư ái mộ, thậm chí có nhiều chàng trai ngỏ lời cầu hôn.

Theo GTVT