CPI tăng thấp nhất 10 năm: Mừng ít, lo nhiều
Thị trường - Ngày đăng : 12:11, 02/01/2015
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2014 giảm 0,24% so với tháng trước, đưa CPI cả năm 2014 chỉ tăng 1,84% so với năm 2013. Tốc độ tăng CPI năm 2014 cũng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, với mức tăng bình quân 0,15%/tháng. Câu chuyện CPI năm 2014 chỉ tăng 1,84% phản ánh nhiều khía cạnh khác của nền kinh tế, rất cần được các cơ quan quản lý quan tâm trong năm tới.
Trước hết là hiện tượng giảm giá ảo, giảm giá trên con số thống kê. Có thể lấy ngay việc giảm giá cước vận tải sau khi giá xăng dầu xuống đến mức thấp như hiện nay làm ví dụ. Sau vài lần xăng dầu giảm giá, sau nhiều lần dư luận lên tiếng, cơ quan quản lý đốc thúc, các doanh nghiệp vận tải mới giảm giá một chút mang tính hình thức. Xét trên bình diện thực tế, mức giảm 3,09% này hoàn toàn không tương xứng với mức giảm giá xăng tới 30% so với mức giá tháng 7/2014. Giá cước vận tải hầu như không giảm đã kéo theo hệ lụy là giá hàng hóa bán lẻ khó giảm. Câu chuyện này cho thấy, chỉ số giá theo thống kê có giảm, nhưng thực tế, số tiền mà người tiêu dùng phải bỏ ra cho một mặt hàng, một dịch vụ hầu như không giảm.
Ở một khía cạnh khác, câu chuyện CPI tăng thấp cho thấy một thực tế: sức mua đang giảm. Số đông người tiêu dùng buộc phải lựa chọn chỉ chi tiêu cho những nhu yếu phẩm. Các mặt hàng khác chỉ được đưa vào danh mục cần quan tâm và sẽ chỉ chi tiêu khi cần thiết. Cùng với đó, những bất ổn trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng ở các đô thị ngày càng hướng tới việc tự cung tự cấp thực phẩm cho gia đình. Các phong trào trồng rau trên sân thượng, tự làm giá đỗ, làm bánh trái… trong khối nhân viên văn phòng là một ví dụ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều loại hàng hóa sẽ có mức tiêu thụ thấp hơn, thu nhập của người sản xuất trực tiếp cũng bị giảm theo. Và lại bắt đầu vòng luẩn quẩn mới.
Thực tế này cho thấy, nếu tiếp tục xu hướng giảm giá như vậy, nguy cơ giảm phát là hiện hữu, kéo theo tăng trưởng thì điều quan trọng là tiết giảm chi phí ở khâu trung gian, giảm quãng đường từ người sản xuất đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng bằng việc tạo ra mối liên hệ trực tiếp giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối. Quản trị và xử lý nghiêm những doanh nghiệp vận tải cố tình không giảm giá cước, qua đó giảm chi phí trung gian trong khâu lưu thông. Các đầu mối thương mại cần triển khai mạnh mẽ các chương trình kích cầu tiêu dùng, kích cầu đối với bất động sản để tăng sức mua, giảm tồn kho.
Theo VOV