Hàng loạt trụ ATM “nghỉ Tết”
Thị trường - Ngày đăng : 14:34, 02/01/2015
Hàng chục người sử dụng thẻ ATM Vietcombank, chủ yếu là công nhân, đã không rút được tiền tại nhiều trụ ATM trên địa bàn quận Tân Phú, Bình Tân và một số nơi khác tại TP Hồ Chí Minh trong chiều 31-12-2014 và sáng 1-1-2015.
Nhiều người ở khu vực KCN Vĩnh Lộc mòn mỏi chờ rút tiền tại ATM nhưng không phải ai cũng “gặp may” - Ảnh: N.Trí |
Ðại diện Vietcombank cho biết lượng người rút tiền tăng nhanh trong đêm 31-12 đã làm nhiều ATM hết tiền hoặc bị “quá tải”.
Đi 8 cây ATM vẫn không rút được tiền
Khoảng 8 giờ đến 8 giờ 30 sáng 1-1, theo ghi nhận dọc khu vực đường Tây Thạnh, Lê Trọng Tấn (quận Tân Bình) cách nhau chưa tới 2km nhưng có đến bảy trụ ATM không rút được tiền vì nhiều lỗi khác nhau.
Theo phản ảnh của nhiều người, khi giao dịch màn hình ATM hiện lên dòng chữ “ATM tạm ngưng phục vụ, chân thành xin lỗi quý khách”, “Xin lỗi giao dịch bị hủy bỏ do lỗi thiết bị”...
Trước đó, anh Võ Thế Ðịnh (Tây Thạnh, quận Tân Phú) cho biết, khoảng 18 giờ 30 ngày 31-12 anh tìm đến rất nhiều trụ ATM Vietcombank gần khu vực Khu công nghiệp (KCN) Tân Bình nhưng chỉ có một trụ ATM rút được tiền và chỉ rút được một lần, lần thứ hai máy báo tạm ngưng phục vụ. “Nghỉ tết dài ngày tôi muốn về quê, nhưng vì rút không được tiền nên tôi bị trễ xe, giờ phải ở lại”, anh Ðịnh bức xúc.
Dọc đường số 7 KCN Vĩnh Lộc (Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân), dù chi nhánh Vietcombank nằm ngay sát bên nhưng hàng chục người vẫn chờ đợi trong vô vọng tại các trụ ATM của ngân hàng này. Vận may chỉ xuất hiện khi khoảng 9 giờ 30 nhân viên ngân hàng này mang tiền đến nạp vào trụ.
Tay cầm chặt cửa trụ ATM, tay cầm thẻ trong tư thế sẵn sàng, chị Hồ Bích Nguyệt (công nhân KCN Vĩnh Lộc) cho biết: “Tôi đợi ở đây hơn một giờ rồi, hôm qua không rút được, giờ không rút được thì không biết lấy tiền đâu đi chợ. Ở đây có hàng chục nghìn công nhân, ai cũng sử dụng thẻ ATM, tiền tất cả trong thẻ, không rút được tiền coi như đói”.
Cách đó chưa tới 1km, lúc 10 giờ chúng tôi cũng ghi nhận hàng chục công nhân “bất lực” với bốn ATM của Vietcombank nằm trong siêu thị Co.op Food Vĩnh Lộc. Mồ hôi nhễ nhại, chị Lê Thị Thương (công nhân) chẳng muốn bước xuống xe khi nhận được cái lắc đầu của nhiều người vào rút tiền tại bốn trụ trên.
“Lại không rút được à? Hôm qua tới giờ bỏ công bỏ chuyện chạy đến cả chục cây ATM để rút tiền mà thế này thì lấy gì nghỉ lễ. Sáng giờ không có tiền đi chợ rồi” - chị Thương bức xúc.
Theo chị Thương, mấy trụ ATM tại Co.op Food Vĩnh Lộc hết tiền từ khoảng 13g ngày 31-12, chị đã chạy ra đây bốn lần nhưng đều không rút được tiền.
ATM Vietcombank trong Co.op Food Vĩnh Lộc không giao dịch được (ảnh chụp lúc 10g sáng 1-1) - Ảnh: Nguyễn Trí |
Lỗi do giao dịch liên tục?
Trao đổi với phóng viên về tình trạng công nhân không thể rút tiền từ các máy ATM của Vietcombank trong hai ngày 31-12-2014 và sáng 1-1-2015 ở khu vực Tân Bình, KCN Vĩnh Lộc, đại diện Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết khu vực này có nhiều máy ATM do ba chi nhánh Vietcombank khác nhau phụ trách gồm Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Vietcombank Vĩnh Lộc và Vietcombank Tân Bình.
Hai trụ ATM nằm trước Công ty dệt may Thắng Lợi (đường Tây Thạnh, Q.Tân Phú) do Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh phụ trách. Ông Lê Huỳnh Hà, trưởng phòng ATM Vietcombank chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, sau khi kiểm tra nhật ký thì ghi nhận chỉ có một máy ATM hết tiền trong sáng 1-1-2015, một máy còn lại hoạt động liên tục bình thường.
“Máy ATM này sau khi hết tờ 500.000 và 100.000 đồng, chỉ còn lại tờ 50.000 đồng và đến 10 giờ sáng 1-1 mới hết tiền. Tuy nhiên, chúng tôi đã cho tiếp quỹ ngay và đến chiều 1-1 máy đã hoạt động bình thường”, ông Hà cho biết.
Theo ông Hà, từ cuối ngày 31-12, hàng loạt công nhân đổ xô đi rút tiền, một lượng tiền lớn được rút trong đêm dẫn đến một số máy hết tiền, Ngân hàng tiếp quỹ không kịp.
Với trường hợp máy ghi lỗi giao dịch trên màn hình, ông Hà nói có khả năng lớn là máy bị kẹt tiền như tiền bị xoắn hoặc tiền dính vào nhau nên không thể nhả tiền chứ không phải hết tiền.
Lúc này máy vẫn có khả năng thực hiện các giao dịch khác như chuyển khoản, riêng chức năng chi tiền thì không thực hiện được. Chỉ khi nhân viên phụ trách đến sửa lỗi thì máy mới hoạt động bình thường trở lại.
Ông Trần Minh, phụ trách ATM của Vietcombank chi nhánh Tân Bình, cho biết ba máy ATM do chi nhánh phụ trách trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Tân Bình) bị lỗi thiết bị, mất nguồn. Ba máy này được ghi nhận hư hỏng từ chiều tối qua nhưng không phát hiện lỗi.
Ðến hơn 10 giờ sáng 1-1 khi nhân viên ngân hàng đi kiểm tra, tháo hộp thì mới phát hiện lỗi cục phát điện dẫn đến lỗi mạng.
Còn phụ trách thẻ ATM Vietcombank Vĩnh Lộc cũng xác nhận bốn máy ATM trong khu Co.op Food Vĩnh Lộc bị trục trặc, không hoạt động từ chiều 31-12. Trong đó, một máy hết tiền, một máy kẹt tiền, một máy hết cuộn giấy nhật ký và một máy kẹt giấy ghi nhật ký. Vị này cho biết lỗi chủ yếu do lượng người rút tiền trong tối 31-12 nhiều, chi nhánh cũng chủ động kiểm soát đảm bảo các lỗi này được xử lý trong vòng 24 giờ như theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, theo các công nhân, việc ngân hàng để bốn máy ATM cùng không hoạt động một thời điểm là không thể chấp nhận được. Bởi lỗi hết giấy ghi nhật ký có thể xử lý nhanh vì không liên quan đến két tiền.
Theo ông Trần Ðình Cường, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hôm 23-12, Ngân hàng Nhà nước có cuộc họp với các ngân hàng trên địa bàn về chấn chỉnh, nhắc nhở các dịch vụ ATM vào mùa cao điểm.
Tại cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đã lưu ý các ngân hàng phải tăng cường, tập trung dịch vụ ATM dịp Tết dương lịch cũng như Tết âm lịch. Cơ quan thanh tra cũng thông báo việc xử phạt theo nghị định 96 để các đơn vị nắm. Ðầu tháng 12-2014, cơ quan thanh tra đã lập hai đoàn đi kiểm tra 10 đơn vị và thông báo tình hình kiểm tra.
Sắp tới, gần Tết, Ngân hàng Nhà nước sẽ đi kiểm tra một số khu vực trọng điểm như KCN-KCX. Ông Cường cho biết, sẽ có văn bản đề nghị đoàn thanh tra kiểm tra những trường hợp của Vietcombank vừa nêu trên.
Để máy ATM hết tiền sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng Theo quy định, từ ngày 12-12, ngân hàng nào để máy ATM hết tiền sẽ bị phạt 10-15 triệu đồng. Cũng theo quy định, các ngân hàng phải có số điện thoại và địa chỉ liên hệ khi gặp sự cố trong khi giao dịch, tổ chức cung ứng dịch vụ phải bảo đảm duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng 24/24 giờ trong ngày và 7/7 ngày trong tuần để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào. Ngoài ra, người dân có thể phản ảnh tới văn phòng Ngân hàng Nhà nước qua số điện thoại (043) 8266344 hoặc 0974899702, fax: (043) 8241534, email: nhnn@sbv.gov.vn. Còn tại TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận qua số (083) 8211230. |
Theo Tuổi trẻ