Lương "khủng" hút nhân tài
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 09:24, 03/01/2015
Lãnh đạo Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM giới thiệu với Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải
những sản phẩm của trung tâm - Ảnh: Mai Vọng
Theo quyết định của UBND TP.HCM, 4 đơn vị là Khu công nghệ cao, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Viện Khoa học - công nghệ tính toán, Trung tâm công nghệ sinh học được thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học công nghệ (KHCN) vào làm việc, bắt đầu từ năm 2015.
Ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại...
|
Theo đó, chuyên gia trong nước hoặc là người VN ở nước ngoài tham gia hoạt động tại 4 đơn vị nêu trên được hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại; được hưởng thu nhập theo thỏa thuận trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với các chuyên gia nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng. Hằng năm, căn cứ yêu cầu xây dựng và phát triển, 4 đơn vị nói trên xây dựng kế hoạch và nhu cầu thu hút chuyên gia của đơn vị mình gửi Sở KH-CN, Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND TP phê duyệt.
Ứng viên là các chuyên gia có trình độ tiến sĩ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động của từng đơn vị, có công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trên thế giới (các tạp chí do Viện Thông tin khoa học quốc tế ISI xếp hạng), sáng chế được công nhận, có công trình nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất công nghiệp công nghệ cao, trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và các ngành, lĩnh vực công nghệ cao khác.
Các trường hợp trình độ chưa là tiến sĩ (cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ) thì phải có công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc đã được nghiệm thu, hoặc sáng chế được công nhận đem lại hiệu quả cao, hoặc có chuyên môn sâu; có nhiều kinh nghiệm trong đào tạo, ươm tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất, thiết kế chế tạo sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Ngoài ra, ứng viên được chọn còn phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Có kinh nghiệm làm việc ít nhất 5 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về KHCN thuộc lĩnh vực tham gia hoạt động KHCN; đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, cơ sở nghiên cứu có uy tín ở trong nước và quốc tế; đồng thời chủ trì hoặc tham gia nhiệm vụ KHCN (là những vấn đề cần được giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển KHCN), đề án, công trình trọng điểm, công trình nghiên cứu cấp quốc gia, cấp nhà nước được nghiệm thu và đưa vào áp dụng có hiệu quả…
Tạo ra đột phá về khoa học công nghệ
|
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho biết, TP đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (trung bình 30%/năm), trong đó trọng tâm là xây dựng công viên phần mềm trọng điểm quốc gia trên cơ sở hoàn thiện công viên phần mềm Quang Trung; tập trung phát triển công nghiệp vi mạch điện tử, xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại VN; doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử đạt tối thiểu 120 triệu USD/năm, thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư; ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp KHCN, đào tạo được khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử...
Việc thí điểm trả lương đến 150 triệu đồng/tháng, theo ông Hà, là để thu hút được chuyên gia đầu ngành đến làm việc, qua đó có thể tạo ra đột phá về KHCN. Khi mời các chuyên gia thì gắn liền với những công việc, dự án cụ thể, chứ không mời chung chung rồi lấy ngân sách chi trả lương ở mức cao. Ông Hà cho rằng ngân sách không hạn chế việc phát triển KHCN nếu như thu hút được chuyên gia hàng đầu phục vụ cho chính sự phát triển của TP hoặc các dự án mà TP đang triển khai. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tuyển chọn được chuyên gia đúng yêu cầu và khi đã được như vậy rồi thì phải tạo môi trường làm việc tốt để giữ chân họ lại.
“Nếu đưa các chuyên gia đầu ngành vào môi trường họp hành, kiểm điểm suốt ngày thì họ không chịu làm đâu, mà nếu có chịu làm thì cũng không sáng tạo được. Như vậy thì vừa thui chột tài năng của họ mà mình cũng không có được kết quả gì khả quan”, ông Hà nói và khẳng định các chuyên gia được bảo đảm các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm, hệ thống thông tin và các điều kiện cần thiết khác. Nếu giữ chức vụ lãnh đạo hoặc phụ trách nhóm nghiên cứu khoa học thì được chủ động lựa chọn, đào tạo nhóm làm việc phù hợp chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách và quản lý trên cơ sở khoa học, minh bạch và chuẩn mực quốc tế. Đối với các kết quả nghiên cứu và công nghệ được chuyển giao sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; đồng thời được hỗ trợ kinh phí tham gia ươm tạo công nghệ tại các cơ sở ươm tạo công nghệ cho các kết quả nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ có khả năng thương mại hóa theo quy định của nhà nước.
“Tiền chỉ là một trong những điều kiện thu hút nhân tài mà thôi. Quan trọng là tạo được một môi trường thuận lợi nhất để phát triển KHCN, thu hút chuyên gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ nước ngoài đến TP tự đầu tư, sản xuất tạo ra sản phẩm công nghệ với khả năng tự lo liệu nhiều hơn, chứ không hẳn chỉ về để được nhận lương từ ngân sách. Làm được vậy mới tạo được sức bật, đẩy mạnh được KHCN phát triển một cách toàn diện”, ông Hà nhìn nhận.
Ngang với Nhật Bản, Hàn Quốc 10 năm trước, TS Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM, từ bỏ công việc, nhà cửa ở Canada cùng gia đình về VN với tâm huyết đem những kinh nghiệm, kiến thức hỗ trợ, giúp ngành này trong nước phát triển. Ông là một trong những người đi đầu xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học TP.HCM trở thành một trung tâm nghiên cứu ngang tầm quốc tế, có khả năng ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, y dược... với công nghệ tiên tiến về gien, công nghệ vắc xin, công nghệ tế bào... Đến nay, trong số gần 60 thạc sĩ, tiến sĩ làm việc tại trung tâm, riêng TS Bình trực tiếp hướng dẫn, đào tạo khoảng hơn 20 người.
|
Đình Phú - Mai Vọng - Lam Ngọc (Thanh niên)