"Đánh thức" vườn thực vật Côn Sơn

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 15:50, 03/01/2015

Hình thành từ năm 1995, Vườn thực vật Côn Sơn là "ngôi nhà" của hàng chục nghìn cá thể thực vật bản địa khắp mọi miền. Nơi đây đang lưu giữ 30 loài cây có tên trong Sách đỏ.



Kim giao, một loại cây trong Sách đỏ, sinh trưởng mạnh ở Vườn thực vật Côn Sơn


Nguồn gien quý

Nằm liền kề khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn nhưng Vườn thực vật (VTV) Côn Sơn khá khiêm nhường, khép kín. Nếu không có dòng chữ trên cổng hẳn rất nhiều người không biết đến nơi thú vị này. Bước qua cánh cổng là mở ra cả thế giới thực vật với hàng trăm loài cây lạ lẫm mà ngay người sống ở rừng cũng chưa chắc đã biết hết tên. Bởi vậy, Ban Quản lý rừng tỉnh phải cử chị Nguyễn Thị Đọc, Phó Giám đốc, một người có chuyên môn và thâm niên ở đây hướng dẫn chúng tôi khám phá khu vườn.

Loại thực vật đầu tiên trong khu vườn chúng tôi được chị Đọc giới thiệu là một loại cây cao hơn 5 mét, lá to như chiếc quạt nan. Đó là cây tếch, có xuất xứ từ rừng Tây Bắc. Chị Đọc cho biết cây được trồng từ năm 1996. Gỗ tếch không cong vênh, mối mọt, nấm mốc nên hay được dùng đóng bàn ghế, tủ... Gỗ tếch còn nổi tiếng do được dùng làm báng súng. Hiện trong VTV Côn Sơn có 7 loài tếch với 283 cá thể. Chỉ một cây có hoa màu đỏ, thanh mảnh bên cạnh, chị Đọc giới thiệu đó là cây ban đỏ, cũng xuất xứ từ rừng Tây Bắc. Xung quanh cây ban đỏ, chị Đọc lần lượt gọi ra danh tính của hàng chục loại thực vật khác như: dầu đọt tím, dầu xoong nàng, dầu nước, sao đen xuất xứ từ Nam Bộ; trầm, chò chỉ, vàng tâm xuất xứ từ Trung Bộ; sưa, lim xuất xứ từ rừng núi phía Bắc…

Đáng chú ý, trong khu vườn hiện diện rất nhiều loại cây có tên trong Sách đỏ. Dẫn chúng tôi đến hàng cây gỗ đường kính 15cm, cao 5m, lá mọc đối, thưa, hình mác, chị Đọc bảo đó là cây kim giao, xuất xứ từ rừng Cát Bà (Hải Phòng). Loại cây này không chỉ được ghi danh vào Sách đỏ mà còn được dân gian truyền tụng có tác dụng thử độc. Ngay cạnh hàng kim giao là hàng de hương vạm vỡ, cao 15m, đường kính khoảng 20cm, cũng trong Sách đỏ. Hàng de hương này được lấy từ rừng Tây Bắc, hiện đã được 18 năm tuổi và đã cho thu quả. Biết đây là giống cây quý, người dân quanh vùng thường vào xin hạt về gieo trồng trong vườn nhà. Tiến lên núi, chúng tôi gặp hàng cây sao đen tràn sức sống tỏa bóng sum suê. Đây cũng là loại cây được ghi danh trong Sách đỏ, có nguồn gốc từ rừng Nam Bộ. Mặc dù xuất xứ từ Nam Bộ song sao đen rất hợp với đất Chí Linh. Vừa qua, sao đen đã được chọn làm cây trồng trên các tuyến phố trung tâm thị xã. Theo thống kê, tại VTV Côn Sơn có 30 loài cây có trong Sách đỏ, chiếm 10% số loài thực vật thân gỗ trong Sách đỏ của nước ta. Trong đó có những loài cây mang giá trị kinh tế cao và đặc biệt quý hiếm như: sưa đỏ 150 cây, đinh hương 80 cây, lim xanh 2.732 cây, sến mật 225 cây, mun 187 cây, sao đen 328 cây, dầu xoong nàng 23 cây, kim giao 29 cây, de hương 177 cây…

Cùng với VTV Côn Sơn, trên địa bàn tỉnh còn có VTV An Phụ nhưng số loài và cá thể cây ít hơn. Theo thống kê năm 2006, cả hai VTV có trên 28.000 cá thể thực vật, trong đó VTV Côn Sơn có gần 15.000 cá thể. Hiện nay, số lượng cá thể thực vật có thể đã giảm bớt do lâu chưa được kiểm kê. Tuy nhiên, về độ đa dạng, phong phú, tuổi cây thì hiếm VTV nào được như VTV Côn Sơn. VTV Côn Sơn có giá trị lớn về khoa học, là nơi bảo tồn nguồn gien các loại thực vật thân gỗ ở nước ta. 

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Không chỉ bảo tồn nguồn gien, VTV Côn Sơn còn phục vụ đắc lực cho sản xuất, đời sống. VTV Côn Sơn được thành lập để trồng thực vật thân gỗ nhằm bảo tồn và nhân giống. Qua quá trình trồng thử nghiệm, sàng lọc, nhiều loài cây sinh trưởng, phát triển tốt đã được đưa vào phục vụ sản xuất, trồng rừng, trồng làm cây cảnh, cây bóng mát đường phố. Đặc biệt, trong vườn đang lưu giữ tiềm năng lớn về cây thảo dược. Nhặt một cành khô cạnh gốc cây thân gỗ cao 15m, vỏ sần sùi chúng tôi bẻ ngửi thử thấy mùi thơm tỏa ra. Anh Bùi Đình Ka, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: "Đây là cây long não, một loại dược liệu quý. Hiện trong vườn có rất nhiều loại cây thuốc như long não, trắc bách diệp, kim giao, cây bách bệnh..."

Nằm liền kề khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Côn Sơn, VTV Côn Sơn mở ra tiềm năng du lịch sinh thái. Nếu phát huy thế mạnh, biến nơi đây thành nơi tham quan cho khách trong nước và quốc tế kết hợp với khu di tích Côn Sơn sẽ tạo được nguồn thu để bảo tồn và phát triển vườn. Chị Đọc cho biết: "Ngay từ khi thành lập vườn, mục tiêu này đã được tính tới. Thời gian đầu, vườn được chăm sóc, bảo vệ tốt, quang cảnh đẹp, được nhiều trường đại học, cao đẳng chọn làm nơi cho sinh viên đi thực địa, tham quan. Thế nhưng sau này, kinh phí đầu tư ít ỏi, vườn có lúc như để hoang. Từ năm ngoái, vườn được cấp kinh phí dọn dẹp vài đợt, so với nhu cầu thực tế chẳng thấm tháp gì".

Đi tham quan vườn, chúng tôi thấy cây dại mọc um tùm. Đường dạo xung quanh bằng gạch nay đã hư hỏng, cỏ mọc lấp lối đi. Cây dại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trong vườn và trở thành nơi trú ngụ của muỗi. Chỉ bước vào khu vườn gần 1 tiếng, khắp người chúng tôi chi chít vết muỗi đốt. Theo chị Đọc, để "đánh thức" tiềm năng của VTV Côn Sơn, tỉnh cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên môn để theo dõi, nghiên cứu bảo tồn nguồn gien, chọn giống phục vụ sản xuất, kinh doanh. Sưu tầm, bổ sung để từng bước đa dạng các loài thực vật trong vườn. Cần treo biển tên khoa học cho cây để phục vụ giáo dục, đào tạo, du khách tham quan. Bổ sung các hạng mục phục vụ du lịch sinh thái như đường dạo, điểm dừng chân, phối hợp với các đơn vị kinh doanh du lịch.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, việc bảo tồn đa dạng sinh học được quan tâm đặc biệt. Năm 2008, Quốc hội đã ban hành Luật Đa dạng sinh học. Theo điều 20 của luật, VTV Côn Sơn được xếp vào khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia. Tuy nhiên, để VTV Côn Sơn thực sự phát huy giá trị, tỉnh nhà cần có sự quan tâm thỏa đáng hơn nữa.

VTV Côn Sơn được hình thành năm 1995 từ chương trình quốc gia tạo mới và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do Ban Quản lý rừng tỉnh (trước là Lâm trường quốc doanh Chí Linh) đảm nhiệm. Quy mô ban đầu có 7 ha với 80 loài cây, 400 cá thể, chủ yếu là cây gỗ bản địa sưu tầm từ các vùng Bắc, Trung, Nam. Mỗi loại cây được trồng thành 1 hàng theo hình mắt sàng. Với ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học cây bản địa, Trung tâm Môi trường và Lâm sinh nhiệt đới (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) đã đề xuất phối hợp mở rộng quy mô VTV. Qua các đợt mở rộng, hiện VTV Côn Sơn có diện tích 30 ha với khoảng 450 loài thực vật bản địa và nhập ngoại.



NGỌC HÙNG