Tiếp sức cho dân làm đường
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:47, 04/01/2015
Chủ trương hỗ trợ xi - măng của tỉnh như một "chất xúc tác" hiệu quả để nhân dân trong tỉnh chung sức, chung lòng thay đổi diện mạo giao thông nông thôn.
Đường bê-tông xi-măng rộng dài trải khắp cánh đồng cà rốt của thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn
Người dân phấn khởi
Tôi và anh Nguyễn Văn Tự, cán bộ giao thông xã Đồng Quang (Gia Lộc) đến thăm khu chuyển đổi thôn Đông Hạ đúng lúc các hộ dân ở đây đang khẩn trương đổ bê-tông nốt những mét đường cuối cùng. Chỉ trong hơn chục ngày, 14 hộ dân ở đây đã làm mặt bằng, đổ bê-tông xong gần 0,7 km đường trong khu. Ông Nguyễn Thế Thau, đại diện cho bà con ở trong khu quán xuyến việc thi công cho biết, để làm con đường này, mỗi hộ dân đóng góp 1 triệu đồng/sào ao. Số tiền không nhỏ nhưng tất cả các hộ dân đều nhiệt tình hưởng ứng. Nhà gần đường hay ở tận bên trong đều đóng góp như nhau. “Theo quy định chung, nhà tôi phải đóng 36 triệu đồng. Nếu không có xi-măng thì chúng tôi cũng chịu. Nhà nước hỗ trợ xi-măng nên người dân cũng cố gắng để làm đường. Nhiều người không đủ tiền thì đi vay mượn họ hàng, anh em. Ai cũng vui vẻ đồng thuận”, ông Thau nói. Trước đây, thấy nhà nào trong làng phá dỡ nhà là người dân trong khu đến xin gạch vỡ đổ đường cho dễ đi. Từ nay, việc đi lại chắc chắn sẽ không còn là nỗi bận tâm của họ. Cũng như tất cả những hộ dân trong khu này, bà Lã Thị Nem, một người dân trong khu hồ hởi: “Trước đây, cứ mưa xuống là đường lầy lội, đi lại rất khó khăn, vất vả. Thu hoạch mà đúng ngày mưa to là xe ô-tô không xuống chở hàng được, phải tăng bo bằng xe máy, xe ba gác ra đường to. Bây giờ đường rộng thênh thang, sạch sẽ, kể cả có bão thì ô-tô vẫn xuống đến tận ao”.
Làm việc với chúng tôi, ông Lã Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết, chủ trương hỗ trợ xi-măng làm đường của tỉnh thực sự làm thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn (GTNT) của xã. Chỉ trong 2 năm nay, những tuyến đường lát gạch nghiêng, đất đá gồ ghề đã được thay bằng bê-tông xi-măng phong quang, sạch sẽ. Nhiều hộ trong xã phải đóng góp 6 triệu đồng/khẩu nhưng đều nhất trí cao. Điển hình như nhà ông Đỗ Xuân Đông, sau khi đăng ký xin hỗ trợ xi-măng đã đầu tư hơn 100 triệu đồng làm 315 m đường ngõ. Riêng năm 2014, các thôn trong xã đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ hơn 3,5 tỷ đồng, 1.100 ngày công và hiến 837,5 m2 đất ở phục vụ xây dựng 75 tuyến đường làng ngõ xóm với tổng chiều dài 10,2 km.
Chính quyền bất ngờ
Không được huyện Cẩm Giàng chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng Cẩm Văn lại là một trong những xã đi đầu trong phong trào xây dựng đường GTNT. Năm 2014, nhân dân trong xã đã đóng góp gần 4 tỷ đồng để làm đường làng ngõ xóm và giao thông nội đồng. Đến nay toàn xã đã sử dụng gần 1.200 tấn xi-măng tỉnh hỗ trợ để làm đường. Theo đánh giá của chính quyền và nhân dân trong xã, việc hỗ trợ bằng xi-măng của tỉnh thực sự phù hợp, chất lượng bảo đảm, là động lực để nhân dân quyết tâm xây dựng NTM. Đưa chúng tôi đi thăm những tuyến đường đổ bê-tông xi-măng rộng dài, trải khắp cánh đồng cà rốt của thôn Văn Thai, ông Nguyễn Tiến Chức, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn cho biết, đạt được kết quả như ngày hôm nay là điều bất ngờ đối với chính Đảng bộ và chính quyền xã. Bởi thu nhập của người dân Cẩm Văn chỉ ở mức trung bình so với các xã khác trong huyện. Thu nhập của đại đa số người dân chủ yếu từ nông nghiệp nên việc vận động đóng góp kinh phí tưởng chừng rất khó khăn. Tuy nhiên, khi thấy xi-măng về xã, thấy các nơi làm đường rộng rãi, sạch đẹp, người dân đều nhiệt tình hưởng ứng. “Để làm đường giao thông nội đồng rộng 3 m, dày 18 cm, mỗi hộ phải đóng 2 triệu đồng/sào. Số tiền không nhỏ nhưng ai cũng nhất trí làm bằng được con đường kiên cố để phục vụ sản xuất. Nhiều nhà còn phá bỏ hoa màu, hiến đất để làm đường. Xóm nào làm xong đường cũng tổ chức liên hoan rất vui vẻ, đoàn kết. Vốn là tiêu chí khó trong xây dựng NTM nhưng chúng tôi thực hiện lại rất thuận lợi vì hợp “ý Đảng, lòng dân”, ông Chức phấn khởi nói.
Còn nhiều việc cần làm
Theo Sở Giao thông vận tải, nếu trong năm 2013, các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh tiêu thụ hết 70.000 tấn xi-măng của tỉnh hỗ trợ thì trong năm 2014, lượng xi-măng tiêu thụ lên tới 175.200 tấn, tăng 243%, tương đương gần 190 tỷ đồng. Đến ngày 16-12-2014, toàn tỉnh đã hoàn thành 5.553 tuyến đường GTNT, tổng chiều dài 877,35 km. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2011 đến 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 2.000 km đường bê-tông xi-măng và nhựa, cứng hóa được hàng nghìn km đường bằng đá, gạch, vôi chạt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2014, thực tế cho thấy, hiện nay việc thực hiện làm đường GTNT trên địa bàn tỉnh cũng còn một số vấn đề cần quan tâm. Việc đăng ký hỗ trợ xi-măng ở nhiều địa phương chưa chính xác, không sát thực tế, gây nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn lực của tỉnh. Một số địa phương xây dựng các tuyến đường không đúng quy mô được hỗ trợ nên làm xong không được hỗ trợ, phải hoàn trả kinh phí do tỉnh cấp xi-măng, gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến phong trào của địa phương. Ngoài ra, công tác lập quyết toán còn quá chậm so với quy định gây ảnh hưởng đến việc thanh, quyết toán kinh phí cho các nhà cung cấp xi-măng.
Đánh giá những kết quả đạt được, ông Đào Quang Hiệp, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết: “Hiện có 78,1% số dân của tỉnh sống ở khu vực nông thôn. Việc phát triển GTNT trong những năm qua có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, nâng cao khả năng tiếp cận, giao lưu của nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM”.
Trong năm 2015, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ 94.000 tấn xi-măng và 10 tỷ đồng phục vụ xây dựng GTNT. Để phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển mạnh mẽ phong trào trong nhân dân, các địa phương trong tỉnh cần sớm khắc phục những hạn chế nêu trên, huy động sức dân thay đổi diện mạo GTNT.
HẠO NHIÊN