Độc đáo nhà gỗ Cúc Bồ

Di tích - Ngày đăng : 18:29, 05/01/2015

Thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) hiện vẫn còn một số nhà gỗ lâu năm do chính bàn tay tài hoa của những người thợ nơi đây dựng lên.



Vì nhà của gia đình ông Việt vẫn nguyên vẹn, khắc những văn tự Hán Nôm thể hiện mong muốn bình yên, an lạc


Thôn Cúc Bồ, xã Kiến Quốc (Ninh Giang) vốn nổi tiếng với nghề làm đình, chùa có lịch sử từ hơn 400 năm trước. Tại đây hiện vẫn còn một số nhà gỗ lâu năm do chính bàn tay tài hoa của những người thợ nơi đây dựng lên.

Tiền tỷ không bán

Những ngày cuối năm, thôn Cúc Bồ như một xưởng mộc lớn, đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng đục đẽo của thợ mộc, tiếng rít của máy bào, máy xẻ gỗ. Chúng tôi rảo bước trên con đường làng quanh co để tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Việt ở đội 8. Theo đánh giá của những người thợ lâu năm trong làng thì gia đình ông Việt hiện sở hữu ngôi nhà còn nguyên bản nhất. Tiếp chúng tôi trong căn nhà 5 gian làm bằng gỗ lim, vốn là một người thợ lành nghề, ông Việt kể vanh vách các kỹ thuật dựng ngôi nhà này. Với thiết kế kiểu nhà kẻ truyền Bắc Bộ, ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, hiện vẫn còn giữ được nhiều chi tiết gốc, nhất là cấu trúc các cột cái, cột quân, vì kèo. Điều đặc biệt là những cột nhà chu vi 60cm được làm bằng gỗ thịt, xẻ chung từ một cây gỗ lim to nên không bị mối mọt. Các chạm khắc hoa văn trên đầu dư, trên khung tranh đều rõ nét, mềm mại, thể hiện rõ nét thanh, nét đậm. Nhà có 4 hàng chân, các đầu mộng, khớp nối vẫn rất chắc chắn. Giữa gian buồng và gian ngoài được ngăn cách bằng ngưỡng kiểu chồng ba con cổ truyền, cửa bức bàn. Mái nhà dốc hơn so với nhà hiện đại bây giờ. Theo lý giải của những người thợ cao niên thì ngày xưa nhà chủ yếu được lợp bằng rạ nên độ dốc cao cho đỡ hại mái. Khi nhắc đến lai lịch ngôi nhà, ông Việt không nắm rõ thời gian cụ thể, chỉ nhớ là ngôi nhà được ông nội ông xây dựng. Ông Việt cho biết đã có rất nhiều người đến xem và hỏi mua ngôi nhà. Có người ra giá gần 1 tỷ đồng nhưng ông nhất định không bán. “Khi còn trẻ tuổi, đã có lúc tôi định bán ngôi nhà này đi để xây dựng nhà mái bằng kiên cố. Nhưng nghĩ lại ngôi nhà là tài sản, cũng là kỷ vật của ông cha để lại mà mình lại bán đi thì không ra làm sao cả”, ông Việt nói.

Hiện nay, thôn Cúc Bồ còn một số nhà gỗ được xây dựng từ những năm 40 - 50 thế kỷ trước cũng còn khá nguyên vẹn như nhà của gia đình anh Bùi Đình Chuyên, anh Bùi Kim Dinh... Trải qua thăng trầm của thời gian, những ngôi nhà này vẫn lưu giữ được những nét tài hoa của người thợ Cúc Bồ trên từng ván cửa, cột kèo. Đối với mỗi gia đình, mỗi ngôi nhà còn đọng lại những câu chuyện riêng của họ. Anh Bùi Đình Chuyên cho biết: “Tôi không nhớ rõ thời điểm xây dựng ngôi nhà nhưng qua bố tôi kể lại thì cụ nội tôi trước đây làm nghề dạy học, được mọi người trong làng kính trọng gọi là cụ khóa. Ngôi nhà này được dựng lên vừa để ở, vừa là nơi cụ dạy học chữ Nho cho con em trong làng”.

Cần được bảo tồn

Dựa vào những văn tự Hán Nôm được viết trên chồng nóc, trên câu đầu, chúng tôi xác định được ngôi nhà của gia đình ông Việt xây dựng vào mùa thu năm 1923. Những văn tự trên các khung tranh đầu hồi và trong một số câu đối, hoành phi tại những ngôi nhà trên đều thể hiện ước vọng hòa bình, an lạc của người dân Cúc Bồ. Ông Đặng Văn Lộc, nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, một người am hiểu chữ Hán Nôm và có nhiều năm nghiên cứu nhà cổ nhận xét, mặc dù không gian kiến trúc của những ngôi nhà ở Cúc Bồ không còn thuần khiết mô-tuýp nhà mái tranh vách đất, lối ngõ vào, sân nhà, vườn rau, ao cá, nhưng vẫn bảo tồn được rất nhiều chi tiết gốc. “Tuy những ngôi nhà này chưa đạt tuổi của cổ vật, nhưng cũng cần tính đến phương án tu bổ, tôn tạo để thành cổ vật. Vốn là nơi cư trú, sinh hoạt của các gia đình nên những ngôi nhà này đang có nguy cơ mất dần yếu tố gốc do nhận thức, do nhu cầu mở rộng không gian những kiến trúc phụ cận của chủ nhà”, ông Lộc khuyến cáo.

Thôn Cúc Bồ vang danh khắp nơi là quê hương của Anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ và nổi tiếng bao đời nay với nghề mộc làm đình, chùa. Những ngôi nhà gỗ lâu năm còn tồn tại đến ngày nay là hiện vật mang niềm tự hào, bản sắc của làng nghề. Để niềm tự hào đó không bị mai một và mãi là lời nhắc nhở cho thế hệ sau phát huy truyền thống cha ông, chính quyền địa phương và cơ quan hữu trách cần tuyên truyền về giá trị di sản của những ngôi nhà này; đồng thời có phương án để nhà cổ thích nghi với cuộc sống hiện tại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy giá trị di sản truyền thống.

HOÀNG BIÊN