Sửa văn cho cụ Yên Đổ
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 16:48, 08/01/2015
Một hôm cụ Nguyễn Khuyến (Tam Nguyên Yên Đổ) đang ngồi dạy học trò, một môn sinh bẩm với cụ rằng:
- Thưa thầy, có người tự giới thiệu là bạn của thầy, tên là Hán, xin vào thăm thầy.
- Quái lạ nhỉ? Ta không quen ai tên là Hán, trở ra hỏi lại xem.
Người học trò trở ra cổng gặp người khách lạ, lát sau trở vào thưa:
- Thưa thầy, ông khách đứng ngoài cổng lại nói lên là Hầu.
- Lạ thật, trước nói là Hán, bây giờ lại nói tên là Hầu, như thế nghĩa làm sao? Người khách ấy thế nào, có mang theo những gì?
- Thưa thầy, con thấy ông khách đó cưỡi ngựa hồng, có 2 con chó trắng chạy theo, mỗi con ở cổ có đeo cái nhạc to.
Cụ Yên Đổ bảo học trò đem giấy bút lại cho cụ viết 4 câu thơ và sai học trò đưa ra cho khách như sau:
Chẳng biết chi chom chi chóp đâu,
Cớ sao xưng Hán lại xưng Hầu?
Ngựa hồng một chiếc giong tay khấu,
Chó trắng hai con gióng nhạc bầu.
Khách xem xong thơ, giận cụ Yên Đổ hết chỗ nói, vì ý thơ có giọng khinh đời bởi chữ chi chom, chi chóp, nhưng khách gượng cười, lên tiếng bảo học trò rằng:
- Thầy học anh đỗ tam nguyên, tự phụ thơ Nôm hay nhất thiên hạ mà thơ thế này chẳng bõ họa. Thôi, ta chữa cho 1 chữ đưa vào cho thầy anh xem.
Khách nói xong, cầm bút viết chữ bí vào bên chữ khấu.
Học trò đem thơ vào, thuật lại lời khách. Cụ Yên Đổ xem thơ, gật gù, nhận thấy khách chữa chữ khấu bằng chữ bí thật đúng nghĩa hơn, bảo học trò ra mời khách vào nhà chơi nhưng học trò ra thì khách đã giong cương ngựa đi xa rồi.
Câu chuyện cụ Tam Nguyên Yên Đổ làm thơ Nôm bị ông khách vô danh chỉnh lọt ra ngoài, các bậc trong làng đem ra luận thuyết như sau:
Câu Ngựa hồng một chiếc giong tay khấu: Chữ khấu nghĩa là dây cương mà chữa ra là chữ bí dừng cương lại mới đúng nghĩa khách dừng cương ngựa đứng ngoài cổng; hơn nữa, trong phép làm thơ thì bí đối với bầu mới chỉnh, được cả chữ lẫn nghĩa.
ĐỖ PHƯƠNG NHÂM (st)