Cứu hộ kiểu "rùa bò"

Tin tức - Ngày đăng : 07:16, 09/01/2015

Việc cứu hộ, cứu nạn trên quốc lộ 5 rất yếu kém do các lực lượng chức năng chưa được trang bị phương tiện cứu hộ tại chỗ nên khi tai nạn xảy ra hay bị tắc đường...



Quốc lộ 5 thường xuyên ùn tắc do cứu hộ chậm trễ


Những hạn chế, yếu kém trong công tác cứu hộ, cứu nạn trên quốc lộ 5 đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được khắc phục.

Liên tục tắc đường

Những tháng cuối năm, trên quốc lộ 5 đoạn qua địa bàn tỉnh liên tục xảy ra ùn tắc do các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Chỉ tính riêng trong tháng 12-2014 đã xảy ra 2 vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đó là các vụ TNGT xảy ra ngày 8-12 tại đoạn ngã ba thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) giữa ô-tô 33M-2661 kéo rơ-moóc 29R-1061 với 2 ô-tô con và 1 xe 3 bánh, khiến 3 người chết, 2 người bị thương, giao thông ách tắc cục bộ khoảng 3 giờ; vụ TNGT xảy ra ngày 26-12 ở đoạn qua thôn Lương Xá, xã Kim Lương (Kim Thành) giữa 2 xe công-ten-nơ làm tắc đường gần 10 km trong hơn 2 giờ.

Làm việc với lãnh đạo Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), được biết nguyên nhân chính xảy ra các vụ ùn tắc giao thông trên quốc lộ 5 là do những yếu kém, hạn chế trong công tác cứu hộ. Hiện nay, lực lượng chức năng chưa được trang bị phương tiện cứu hộ tại chỗ nên mỗi khi xảy ra TNGT đều phải thuê của doanh nghiệp tư nhân. Việc phải thuê phương tiện cứu hộ bên ngoài khiến công tác xử lý hiện trường, bảo đảm giao thông thông suốt gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt đối với những phương tiện bị tai nạn có tải trọng trên 50 tấn thì phải thuê cẩu cứu hộ từ Hải Phòng và Hà Nội đến, rất mất thời gian và làm tình trạng tắc đường càng trở nên nghiêm trọng hơn. Trung tá Đỗ Quốc Tuấn, Trạm phó Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương cho biết: “Lực lượng chức năng rất bị động trong công tác giải phóng giao thông mỗi khi có tai nạn. Do xe cứu hộ tiếp cận hiện trường chậm nên khi xảy ra TNGT ùn tắc thường kéo dài, kinh phí cứu hộ cũng tăng lên”.

Theo Công ty TNHH một thành viên Quản lý và đầu tư xây dựng công trình giao thông 240, trung bình mỗi ngày trên quốc lộ 5 có khoảng 40.000 lượt phương tiện giao thông qua lại, trong đó hơn 50% là xe ô-tô. Chính vì vậy, việc thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông tại tuyến đường này gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, khiến tình hình trật tự an toàn giao thông tại đây càng trở nên phức tạp hơn. “Những bất cập trong công tác cứu hộ TNGT trên quốc lộ 5 đã tồn tại từ nhiều năm nay. Công an tỉnh đã nhiều lần kiến nghị cấp trên trang bị phương tiện cứu hộ tại chỗ nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện”, thiếu tá Nguyễn Văn Khánh, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương cho biết.



Phải thuê xe cứu hộ từ địa phương khác đến nếu phương tiện tai nạn
có tải trọng lớn khiến ùn tắc trên quốc lộ 5 thường kéo dài


Khó sơ cứu kịp thời


Bà Đào Thị Liên ở xã  Phúc Thành (Kim Thành) được nhiều người biết đến với việc tình nguyện sơ, cấp cứu cho nạn nhân TNGT trên quốc lộ 5. Trong năm 2014, bà Liên đã cùng người thân trong gia đình và người dân ven quốc lộ 5 sơ cứu cho 47 nạn nhân TNGT. Dù rất tận tâm và làm việc hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện nhưng hiện nay công việc của bà Liên đang gặp không ít khó khăn. Từ năm 2009 đến nay, bà không còn nhận được hỗ trợ từ "Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ - cấp cứu TNGT quốc lộ 5" nên mọi chi phí mua sắm bông, băng, nẹp, cáng để băng bó vết thương đều do bà tự bỏ tiền túi ra. Kinh phí hạn hẹp, lại thiếu dụng cụ, phương tiện nên việc sơ, cấp cứu còn nhiều hạn chế và không được như mong muốn. Bà cho biết: “Không có xe cứu thương nên nhiều nạn nhân được chở đến bệnh viện bằng xe máy, thậm chí bằng xe tải. Nhiều người dân lại không có kỹ năng chuyên môn nên không ít trường hợp bị nạn không được cấp cứu kịp thời, đúng quy trình khiến chấn thương nặng hơn. Công tác sơ, cấp cứu TNGT cần được nhân rộng, duy trì dọc tuyến quốc lộ thì sẽ hiệu quả hơn”.
Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ khi "Dự án nâng cao năng lực hệ thống sơ - cấp cứu TNGT quốc lộ 5" kết thúc năm 2009 thì việc cứu nạn TNGT tại 12 điểm, trạm sơ, cấp cứu trên tuyến bị chững lại, hoạt động èo uột. Hơn 200 tình nguyện viên được dự án đào tạo, tập huấn đến nay cũng không thể quản lý mà phụ thuộc vào tinh thần tự nguyện của họ. Bà Nguyễn Thị Mừng, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ thập đỏ tỉnh) kiến nghị: “Hiện không có kinh phí thường xuyên duy trì hoạt động của  các trạm, điểm sơ, cấp cứu dọc quốc lộ 5. Trong khi lưu lượng người, phương tiện qua đây ngày càng đông nên nguy cơ TNGT gia tăng. Đề nghị Ban An toàn giao thông tỉnh hỗ trợ kinh phí cho Hội Chữ thập đỏ các cấp để tuyên truyền, tập huấn cho người dân ven quốc lộ, đội ngũ lái xe tắc-xi, xe ôm về kỹ năng sơ, cấp cứu, xây dựng lực lượng phòng ngừa và ứng phó TNGT”.

Những bất cập trong cứu hộ, cứu nạn trên quốc lộ 5 đang khiến tình hình trật tự an toàn giao thông tại đây thêm phức tạp, gây thiệt hại lớn về con người và kinh tế. Để giảm thiểu hậu quả do TNGT gây ra, nhất là giảm số người tử vong, các cơ quan chức năng cần quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị, phương tiện để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn trên tuyến đường này.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), trong năm 2014, trên quốc lộ 5 xảy ra 19 vụ TNGT, làm 21 người chết và 6 người bị thương, so với năm 2013 giảm 6 vụ TNGT (25%), 6 người chết (23%) và 1 người bị thương (14,2%). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT do người điều khiển phương tiện không làm chủ được tốc độ, đi sai phần đường, sang đường không chú ý quan sát cũng dễ dẫn đến TNGT. Trong năm, Trạm Cảnh sát giao thông Hải Dương đã xử lý 18.781 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 13,3 tỷ đồng, tập trung vào các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, quá tốc độ, không thắt dây an toàn, tránh vượt sai quy định và chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước.


HẠO NHIÊN