Độc đáo chợ trưa Trung Hòa

Thị trường - Ngày đăng : 09:52, 10/01/2015

Không giống như nhiều phiên chợ quê khác thường họp từ sáng sớm, chợ Trung Hòa chỉ họp vào thời gian từ 9-11 giờ. Chợ này tiện lợi cho cả người mua và người bán...



Thực phẩm tươi ngon được nhiều người dân lựa chọn

Nhiều năm nay, người dân xã Thăng Long (Kinh Môn) và những vùng lân cận đã quen với phiên chợ độc đáo ở thôn Trung Hòa. Không giống như nhiều phiên chợ quê khác thường họp từ sáng sớm, chợ Trung Hòa chỉ họp vào thời gian từ 9-11 giờ, người dân quen gọi là chợ trưa. Chợ này tiện lợi cho cả người mua và người bán.

Phù hợp với nhịp sống nông thôn

11 giờ, ông Tạ Văn Năng, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung Hòa đưa chúng tôi đi tham quan chợ. Dù là giữa trưa nhưng thực phẩm bày bán ở đây vẫn rất tươi ngon. Người mua, kẻ bán tấp nập. Sở dĩ như vậy vì chợ mới chỉ họp từ lúc 9 giờ sáng và lúc này vẫn là thời điểm hàng hóa được trao đổi nhiều. Chính sự khác biệt ấy đã tạo sự tiện lợi cho cả người mua và người bán, nhất là những người buổi sáng phải đi làm không có thời gian đi chợ sớm. Chị Lưu, giáo viên mầm non của thôn cho biết: “Tôi phải đi làm từ sáng sớm để dọn dẹp lớp học, lại cho con ăn uống nên không có thời gian đi chợ. Chợ trưa có đầy đủ thứ để mua, thứ nào cũng tươi sống, đem về chế biến ngay sẽ bảo đảm chất lượng thực phẩm".

Thôn Trung Hòa có nhiều người đi xuất khẩu lao động nên mức sống cao, chợ lúc nào cũng sầm uất. Chợ có nhiều của ngon vật lạ người dân không dễ tìm thấy ở chợ khác. Trước đây, chợ chỉ là mấy hàng quán chạy dài hai bên lối đi trong làng, thường xuyên gây tắc đường. Năm 2013, chính quyền địa phương cải tạo 1.100 m2 đất trũng có giá trị kinh tế thấp để làm thành khu chợ sạch đẹp quy mô toàn xã. Tháng 9-2013, chợ mới đi vào hoạt động, cách chợ cũ khoảng 200 m, gồm 50 gian hàng.

Nhìn qua một lượt, chúng tôi thấy những gian hàng bày gọn gàng với đủ các vật phẩm. Người có rổ rau cải non trong vườn nhà, người có rổ nhộng tằm béo mẫm đem từ làng tơ Hà Tràng sang, thịt và trứng chim cút của mấy hộ dân tự nuôi trong xã hay những chậu cà ra, tôm càng vừa bắt được ở sông Kinh Thầy. Mùa nào thức nấy, nhiều loại thực phẩm như rươi, vải, dưa được thương lái cất về từ các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Gia Lộc... Thậm chí những năm gần đây, chợ còn có cả hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng đưa về…

Tăng thu nhập cho tiểu thương

Chợ trưa góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Vì chợ họp vào buổi trưa nên trước đó nhiều tiểu thương vẫn tranh thủ đi bán hàng tại các phiên chợ khác, sau đó về chợ Trung Hòa bán. Chị Nguyễn Thị Ngoan, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ cho biết: “Sáng tôi đi chợ ở thôn Xạ Sơn (Quang Trung), buổi trưa về chợ Trung Hòa. Nhờ đó, hàng lấy về đến đâu bán hết đến đó, không phải bán rẻ hoặc để qua ngày, thu nhập tăng lên đáng kể”. Cũng nhờ việc xây dựng chợ tập trung mà nhiều hộ dân phấn khởi mở rộng gian hàng. Bà Mạc Thị Hiện, người trong thôn cho biết: “Phiên chợ họp buổi trưa ngày càng thu hút nhiều người dân trong vùng đến mua. Vì vậy, tôi đã trồng mấy sào rau để mang ra chợ bán, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, buổi sáng tôi vẫn có thời gian cho cháu ăn uống rồi đưa đi học, thậm chí tranh thủ đi chăm lúa, chăm màu, sau đó mới hái rau vẫn kịp bán”.

Việc người dân phấn khởi họp ở chợ mới là động lực giúp chính quyền địa phương có thể hoàn thành nhanh chóng xây dựng chợ nông thôn, một tiêu chí của xây dựng nông thôn mới. Ông Năng cho biết thêm, phiên chợ thu hút tất cả người dân trong xã đến mua, bán các sản vật có được trong vườn nhà hay đánh bắt được. Ban Quản lý chợ chỉ thu phí từ 1.000 - 2.000 đồng/người. Lúc cao điểm chợ quy tụ hàng trăm hộ kinh doanh lớn, nhỏ. Đặc biệt, khâu vệ sinh chợ và an ninh trật tự lúc nào cũng được bảo đảm. Ban quản lý đang xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô chợ đầy đủ chỗ gửi xe, ki-ốt để người dân giữ hàng qua đêm, giám sát việc bán hàng để bảo đảm an toàn thực phẩm…

Phiên chợ ban trưa của xã Thăng Long không chỉ là điểm giao lưu buôn bán của người dân mà còn thể hiện nét sinh hoạt rất riêng, phù hợp với tập quán của người dân nông thôn.


NGÔ HUỆ