Hương sắc Lý Sơn
Tin tức - Ngày đăng : 06:45, 12/01/2015
Lý Sơn được biết đến bởi sức hấp dẫn của miền biển đảo đẹp với những kỳ sơn, dị sản và những trang vàng ghi lại dấu ấn đặc biệt chứng minh chủ quyền...
Nhắc đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) du khách không chỉ bị hớp hồn bởi sức hấp dẫn của miền biển đảo đẹp như tranh vẽ với những kỳ sơn, dị sản mà còn bởi những trang vàng ghi lại dấu ấn đặc biệt chứng minh chủ quyền đất nước với quần đảo Hoàng Sa.
Với thiên nhiên ưu đãi, Lý Sơn là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch
Đúng là trời cũng chiều người. Mới hôm qua, thời tiết còn khá đỏng đảnh. Chúng tôi đang lo không biết có thể ra đảo được không. Vậy mà bây giờ tàu đã cập cảng An Hải yên bình. Và, ngay khi chạm mặt Lý Sơn, chúng tôi bất ngờ chứng kiến một cảnh đẹp đến nao lòng. Những đám ruộng tỏi xanh mơn mởn, mượt mà như những tấm lụa màu lá cây trải thảm dài tít tắp trên mặt đất, giống hệt như những ruộng lúa đang thì con gái, khiến người bạn đồng hành với tôi tưởng mình đang đứng giữa đồng lúa tháng ba. Những đám ruộng tỏi rập rờn như đùa với gió, tạo nên cái sức sống hấp dẫn kỳ ảo của một miền biển đảo đẹp như tranh vẽ. Người ta gọi Lý Sơn là "vương quốc tỏi" quả không sai.
Nhưng Lý Sơn không chỉ có tỏi mà còn là một điểm đến du lịch hấp dẫn. Cách đất liền khoảng 30 km, hòn đảo nổi tiếng này của Quảng Ngãi hớp hồn du khách bởi nhiều cảnh sắc xao xuyến lòng người. Lý Sơn, còn gọi là cù lao Ré, được tách ra từ huyện Bình Sơn năm 1982. Huyện đảo có diện tích khoảng 10 km2 gồm đảo Lớn, đảo Bé và hòn Mù Cu. Dân số khoảng 21.000 người, nằm trong số đảo đông dân nhất nước. Giới thiệu vị trí hòn đảo này, dân gian có câu:
Trực nhìn ngó thấy Bàn Than
Ba hòn lao Ré nằm ngang Sa Kỳ
Với thiên nhiên được ưu đãi, Lý Sơn được coi như một mảnh đất giàu tiềm năng du lịch. Bắt đầu từ tour du lịch biển đảo năm 2007, Lý Sơn thu hút đông đảo khách du lịch thập phương với hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Hút khách, vì Lý Sơn có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời, những thắng cảnh nổi tiếng như chùa Hang, chùa Đục, giếng Tiền, giếng Vua, đình An Hải, Âm Linh tự, những cảnh sắc hoang sơ còn ít bị can thiệp bởi bàn tay con người. Lý Sơn có những lễ hội độc đáo như lễ hội đua thuyền đầu xuân, lễ hội cầu ngư, lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa…
“Tự nhiên, trước mắt tôi hiện ra mơ hồ làn khói hương trầm và thấp thoáng bóng dáng những người lính của Hải đội Hoàng Sa. Họ hiện hình trên gương mặt những người trẻ tuổi quanh tôi, những Yến, Hiền, Phượng, Đua… trong gương mặt Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Huyện, Chủ tịch Trần Ngọc Nguyên”. |
Hoàng Sa mây nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về
Song nói đến Lý Sơn vẫn là nói về quê hương của tỏi. Yến, cán bộ Văn phòng Huyện ủy Lý Sơn, khẳng định như vậy khi đưa chúng tôi đi thăm mấy điểm du lịch độc đáo trên đảo. Đúng là ở đâu cũng thấy tỏi. Tỏi, vẫn cơ man là tỏi xanh ngắt dọc 2 bên đường đi. Yến say sưa giới thiệu với chúng tôi về cây tỏi như một nông dân chính hiệu. Tỏi Lý Sơn được coi là đặc sản quý hiếm, kích thước nhỏ, củ tròn trịa, có mùi thơm vị cay nhưng dịu ngọt khác hẳn với loại tỏi ở các địa phương. Mùa trồng tỏi Lý Sơn bắt đầu từ tháng 10 và thu hoạch vào tháng 2 hằng năm. Hiện Lý Sơn có khoảng 300 ha trồng tỏi, thu hoạch gần 2.000 tấn/năm. Tỏi Lý Sơn được trồng trên những mảnh ruộng còn hằn những vệt nham thạch núi lửa cách đây hàng triệu năm. Thổ nhưỡng đặc biệt cộng với gió biển mặn mòi quanh năm đã mang lại cho tỏi Lý Sơn một hương vị đặc biệt nên nó được mệnh danh là đệ nhất tỏi. Với thương hiệu riêng được công bố năm 2009, tỏi Lý Sơn xếp vào loại thực phẩm cao cấp, bán với giá cao. Nhiều gia đình nông dân thu hoạch vài trăm triệu đồng một vụ tỏi. Đời sống dân trên đảo khấm khá là nhờ đó.
Ngơ ngẩn trước cái màu xanh của biển, của trời, tôi hơi bất ngờ khi Yến giới thiệu về sản phẩm của loại tỏi đặc biệt, tỏi cô đơn. Tỏi cô đơn, còn gọi là tỏi một hay tỏi mồ côi chỉ có vào những năm mất mùa, năng suất bằng 1/8 sản lượng bình thường. Tỏi cô đơn chỉ cho một tép duy nhất, nhưng bù lại trời phú cho nó vị thơm ngon hơn nhiều so với tỏi bình thường và có khả năng chữa nhiều bệnh. Yến bảo người ta truyền rằng ai bị bệnh tim ăn thường xuyên 3 củ tỏi cô đơn mỗi ngày bệnh tình sẽ suy giảm. Chẳng biết có đúng không nhưng quả thật giá loại tỏi đặc biệt này cao ngất ngưởng. Giá tỏi hiện nay khoảng 150.000 đồng thì giá tỏi cô đơn mua tại đảo khoảng 850.000 đồng một kg.
Song đó chưa phải tất cả khám phá về tỏi. Bữa trưa trên đảo Lý Sơn hôm ấy có thể coi là một bữa cơm ngon nhất trong cuộc hành trình của chúng tôi. Ngon, không phải vì sơn hào hải vị đắt đỏ. Cũng không phải các bạn chủ nhà Lý Sơn cho chúng tôi ăn “mầm đá”. Bữa cơm ngon vì nó là bữa ăn dân dã và độc đáo nhất mà tôi từng ăn. Ở đây, lần đầu tiên tôi được thưởng thức món tỏi xào. Hiền, cô gái trẻ ở Văn phòng Huyện ủy, nhìn tôi cười: “Anh biết đây là món gì không? Tỏi xào. Đây là món ăn chỉ có ở Lý Sơn. Có thể xào mực, xào thịt bò và các thực phẩm khác. Nhưng vai chính vẫn là tỏi”.
Tôi giật mình! Lại là tỏi. Tỏi đóng vai chính trong đời sống kinh tế - xã hội của Lý Sơn. Tỏi có mặt trong mỗi gia đình, cả mỗi bữa ăn, kể cả tiệc chiêu đãi khách. Phượng - một cô gái trẻ khác- cũng là tình nguyện viên hướng dẫn du lịch cho chúng tôi - còn cho tôi một bất ngờ khác. Cô bảo còn có một món ăn từ tỏi, độc đáo hơn, có thể coi là đặc sản của Lý Sơn: gỏi tỏi. Gỏi tỏi chế biến từ những cây tỏi đực, củ nhỏ xíu. Tỏi đực thẳng đuột như củ kiệu, rễ dài và trắng phau. Người dân Lý Sơn không nhổ hết tỏi đực một lần mà chừa chúng trên ruộng cát. Tỏi nhổ về được cắt rễ và phần lá. Dùng dao cắt thân tỏi rồi chẻ đôi hoặc chẻ ba. Cho tỏi vào thau nước lạnh ngâm 10 phút. Ngâm xong luộc hoặc hấp cho vừa chín tới. Cho lạc rang giã nhỏ và rau thơm rửa sạch vào trộn đều. Dĩ nhiên phải có chút gia vị bột ngọt, đường, nước mắm cay. Và một thứ không thể thiếu: bánh tráng nướng. “Người ta thường thưởng thức bằng cách bẻ từng miếng bánh tráng, xúc gỏi tỏi bỏ lên, bảo đảm với anh, cho vào miệng sẽ nhớ suốt đời. Tiếc là các anh đến không đúng mùa. Giá như"… Hiền và Phượng bỏ lửng câu nói.
Huyện đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao
Vâng! Quả có hơi tiếc thật. Giá như… Nhưng ở đời biết bao nhiêu chuyện giá như khó có thể giả định? Cái chính là lúc này đây, dưới gốc cây bàng vuông và cây phong ba ở cái quán nhỏ đơn sơ trên đảo Lý Sơn này, chúng tôi đang được nếm trải những hương vị dân dã ở một vùng đất đặc biệt. Tôi lắng nghe câu chuyện của Hiền và Phượng. Chưa thể hiểu hết về đất và người ở đây. Chưa nếm trải hết những cảm nhận về Lý Sơn, nhưng cái ấn tượng đầu tiên này sẽ theo tôi đi suốt phần đời còn lại của mình. Chẳng có gì cao sang. Không sơn hào hải vị. Nhưng hương vị của những hải sản mà tôi đã bắt gặp, dường như lại tỏa ra một hương sắc độc đáo riêng. Tự nhiên, trước mắt tôi hiện ra mơ hồ làn khói hương trầm và thấp thoáng bóng dáng những người lính của Hải đội Hoàng Sa. Họ hiện hình trên gương mặt những người trẻ tuổi quanh tôi, những Yến, Hiền, Phượng, Đua… trong gương mặt Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Huyện, Chủ tịch Trần Ngọc Nguyên. Và tôi chợt ngộ ra một điều: không có gì phải nuối tiếc cả. Bởi một lẽ giản đơn, dẫu chưa thưởng thức được hết những sản vật của hòn đảo này, chúng tôi đã cảm nhận được tận đáy lòng nhiệt huyết của những người dân Lý Sơn - những người dân yêu đất nước mình trên mảnh đất tiền tiêu Tổ quốc.
Tôi gắp một miếng tỏi xào đưa lên môi và chợt giật mình. Sao vị tỏi xào của Lý Sơn lại ngọt ngào đến vậy?
DƯƠNG TRỌNG DẬT