"Bó tay" dịch vụ thủy nông

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:19, 19/01/2015

Việc chậm cấp bù tiền thủy lợi phí thời gian qua đang khiến nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động khó khăn, hạn chế năng lực của hệ thống thủy nông.



Hệ thống kênh mương nội đồng ở nhiều nơi tiêu thoát nước kém


Chính sách miễn thủy lợi phí để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, việc chậm cấp bù tiền thủy lợi phí thời gian qua đang khiến nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động khó khăn, hạn chế năng lực của hệ thống thủy nông.

Nợ nông giang

Nhiều năm nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, xã Ninh Thành (Ninh Giang) phải nhờ các thôn vay tiền để trả tiền điện cho các trạm bơm. "Năm 2014, HTX đã nhận được 125 triệu đồng tiền cấp bù thủy lợi phí, còn thiếu khoảng 40 triệu đồng. Số tiền cấp bù đã nhận chủ yếu để trang trải cho việc trả công nông giang, sửa chữa, duy tu các trạm bơm... chưa đủ để trả tiền điện và công làm việc của Ban quản lý HTX. Do tiền điện bơm nước trả hàng tháng nên chúng tôi thường xuyên phải nhờ các thôn vay trả hộ trước. Hiện nay, HTX vẫn chỉ biết trông chờ vào số tiền còn thiếu để trả tiền điện và công Ban Quản lý HTX", ông Trần Văn Lịch, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết nói. Năm 2013, HTX này vẫn bị nợ khoảng 32 triệu đồng tiền cấp bù thủy lợi phí (TLP).

Do cấp chậm và cấp thiếu tiền TLP nên nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp thường xuyên nợ tiền các nông giang. Ông Nguyễn Văn C., nông giang của xã Lê Lợi (Gia Lộc) cho biết: "Làm nông giang vất vả trăm bề, nhất là vào mùa lấy nước đổ ải hoặc vào mùa mưa lũ nhưng chúng tôi không được nhận tiền hằng tháng, chỉ được nhận tiền theo vụ mà nhiều khi cũng chậm hoặc không đủ. Vì thế nên một số nông giang đang tính chuyện bỏ nghề".

"Làm nông giang vất vả trăm bề, nhất là vào mùa lấy nước đổ ải hoặc vào mùa mưa lũ nhưng chúng tôi không được nhận tiền hằng tháng, chỉ được nhận tiền theo vụ mà nhiều khi cũng chậm hoặc không đủ".

HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Khải (Tứ Kỳ) hiện có 8 nông giang. Xã này cũng phải nợ tiền phụ cấp nông giang do số tiền cấp bù TLP chưa được trả đủ. Ông Vũ Đình Huấn, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Khải cho biết: "Năm 2013, Nhà nước còn nợ HTX khoảng 60 triệu đồng tiền cấp bù TLP. Riêng năm 2014 còn nợ khoảng 70 triệu đồng".

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh, số tiền cấp bù TLP mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải chi trả cho tỉnh ta năm 2013 khoảng 252 tỷ đồng, nhưng tỉnh mới chỉ nhận được 203 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ Tài chính đã 4 lần liên tiếp cấp bù tiền TLP nhưng tỉnh mới chỉ được 213 tỷ đồng, còn thiếu 46 tỷ đồng. Tất cả số tiền trên không cấp đồng loạt để địa phương chi trả các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp mà cấp thành nhiều đợt, mỗi đợt chỉ tạm ứng được khoảng 60-70%. Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết: "Việc Bộ Tài chính thường xuyên cấp thiếu và cấp gián đoạn tiền TLP không chỉ gây bức xúc cho các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi mà còn khiến các HTX dịch vụ nông nghiệp vốn đã thường xuyên đói vốn nay lại thêm nợ nần".

Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh vừa qua, cử tri nhiều địa phương đã bày tỏ bức xúc về việc chậm cấp bù TLP. Ông Nguyễn Văn Bính, cử tri xã Ngô Quyền (Thanh Miện) cho biết: "Việc miễn TLP giúp người dân an tâm sản xuất nhưng việc chậm cấp bù TLP sẽ khiến các HTX thiếu kinh phí hoạt động, dẫn đến việc phục vụ sản xuất khó khăn. Như thế việc miễn TLP của Nhà nước sẽ mất ý nghĩa".

Cần tăng cường đầu tư kinh phí



Chậm cấp bù thủy lợi phí khiến nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp rơi vào cảnh nợ nần

Cử tri nhiều địa phương cho rằng việc chậm cấp bù TLP là do tỉnh. Về việc này ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh khẳng định: "Việc chậm cấp bù TLP không phải lỗi của tỉnh. Để cấp bù TLP, Sở Tài chính phối hợp với Chi cục Thủy lợi rà soát, đánh giá lại phần diện tích phục vụ, sau đó tính toán số tiền cần cấp bù TLP trình UBND tỉnh và Bộ Tài chính phê duyệt. Sau khi có quyết toán, số tiền từ Trung ương cấp về tỉnh, tỉnh sẽ làm các thủ tục để chi trả các doanh nghiệp và HTX. Quá trình này không quá 1 tuần".

Theo ông Chinh, nguyên nhân khiến việc chậm cấp bù TLP thường là do phía Bộ Tài chính mỗi lần cấp không đầy đủ và gián đoạn.

Nhiều năm qua ở tỉnh ta cũng như nhiều địa phương trong cả nước vẫn tồn tại hai mô hình quản lý thủy nông. Các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi quản lý từ công trình đầu mối đến các kênh cấp 2, còn từ kênh cấp 3 đến ruộng do các HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý. Việc chậm cấp bù TLP cũng khiến các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi gặp khó khăn. Do đó việc nhanh chóng cấp đủ số tiền bù TLP đang là mong muốn của nhiều đơn vị khai thác công trình thủy lợi. Ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết thêm: "Nếu doanh nghiệp và HTX dịch vụ nông nghiệp được nhận đủ tiền cấp bù TLP và nhận đúng thời gian thì các dịch vụ liên quan đến thủy nông cũng được thực hiện nhanh gọn hơn, nhất là việc sửa chữa, duy tu, xây mới các công trình trạm bơm, kênh mương. Thời gian tới Chi cục Thủy lợi sẽ phối hợp với Sở Tài chính sớm có văn bản đề nghị Bộ Tài Chính có cơ chế cấp bù tiền TLP phù hợp, nhanh chóng để giảm khó khăn cho doanh nghiệp cũng như các HTX dịch vụ nông nghiệp".

Việc miễn TLP có tác dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp nhưng ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nông dân đã nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên không có ý thức duy tu, bảo vệ các công trình thủy lợi. Trong khi đó, do chậm được cấp bù TLP khiến các hoạt động thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt, hệ thống kênh mương không được bảo vệ khiến năng lực phục vụ suy giảm.

Để nâng cao năng lực các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt sau khi các địa phương hoàn thành dồn điền, đổi thửa, tỉnh cần tăng cường đầu tư kinh phí để củng cố, nâng cấp công trình thủy lợi do các đơn vị thủy nông ở cơ sở quản lý đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu sản xuất. Bổ sung chính sách để các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi được thu phí tiêu nước, phí xả nước thải vào công trình thủy lợi đối với các khu công nghiệp. Có thể mở rộng cho các HTX dịch vụ nông nghiệp được thu các khoản phí liên quan đến việc dẫn nước, bảo vệ nguồn nước, duy tu bảo dưỡng kênh mương từ các kênh nhánh nhỏ đến mặt ruộng để ngoài số tiền TLP được cấp bù hằng năm, các HTX có thêm kinh phí để thực hiện tốt các dịch vụ thủy nông.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 309 HTX dịch vụ nông nghiệp. Ngoài đảm nhiệm các dịch vụ như: cung cấp phân bón, thóc giống, thuốc bảo vệ thực vật... cho nông dân, các HTX dịch vụ nông nghiệp còn đảm nhận vai trò quản lý các hoạt động tưới, tiêu. Hằng năm, số tiền HTX dịch vụ nông nghiệp bỏ ra để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm, tiền công cho nông giang... không nhỏ nên việc chậm được cấp bù TLP sẽ gây khó khăn cho các đơn vị.



HẢI MINH