Người chăn nuôi nhỏ lẻ thua thiệt

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 03:06, 20/01/2015

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang gặp nhiều khó khăn do mức đầu tư cao, thị trường tiêu thụ bấp bênh và thường xuyên phải đối mặt với dịch bệnh.



Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không được đầu tư về con giống, kỹ thuật sản xuất nên hiệu quả kinh tế thấp


Sức ép “bủa vây”

Gia đình anh Phạm Văn Khoản ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) chăn nuôi nhỏ lẻ đã hơn 10 năm nay. Mỗi năm, gia đình anh nuôi khoảng 10 con lợn và vài trăm con gà. Theo anh Khoản, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình anh thường phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao hơn từ 5-10% so với giá bán cho các hộ nuôi quy mô lớn. Anh kể: “Năm 2010, gia đình tôi nuôi 9 con lợn nái. Đến thời điểm xuất chuồng thì giá thấp, lại bị các thương lái liên tục ép giá. Tôi quyết định chờ giá lợn tăng mới bán. Thế nhưng thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, chi phí tốn kém, tôi bị lỗ gần 10 triệu đồng. Người chăn nuôi nhỏ như chúng tôi thiệt đủ đường, do không chủ động được đầu ra. Hộ nuôi với số lượng ít thì thương lái thường mua với giá thấp hơn. Nếu giá gà, lợn cao thì tôi mới lãi được 30 triệu đồng/năm”, anh Khoản cho biết.

Chị Trần Thị Thuận ở thôn Tè, xã Hợp Tiến (Nam Sách) cho biết, khó khăn nhất đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chính là vấn đề áp dụng khoa học, kỹ thuật và phòng, trừ dịch bệnh. Hầu hết những người chăn nuôi nhỏ không được tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật, chỉ làm theo kinh nghiệm, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, trừ dịch bệnh. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là bệnh tai xanh trên đàn lợn và cúm gia cầm thì những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thường thiệt hại lớn.

Dù chịu nhiều thiệt thòi nhưng người chăn nuôi nhỏ chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ, không được hướng dẫn lựa chọn những loại thuốc thú y phù hợp, giá thuốc thất thường, không rõ chất lượng… “Chúng tôi không được tư vấn để mua thuốc thú y, con giống; thức ăn chăn nuôi thì liên tục tăng giá. Ngược lại, lúc lợn, gà xuất chuồng, tiểu thương tới mua trả bao nhiêu bán bấy nhiêu, mình không có quyền đặt giá. Muốn phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung nhưng không có đủ điều kiện để thuê đất, lập trang trại nên đành chấp nhận chăn nuôi nhỏ lẻ vậy”, chị Thuận nói.

Rủi ro cao

Hiện nay, ngành chăn nuôi của tỉnh phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Chăn nuôi trong các gia đình chiếm 58,6% tổng số lợn, hơn 60% tổng số gà.  Hằng năm, số lượng thịt gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp ra thị trường không nhiều, chỉ chiếm từ 30-35%. Các hộ chủ yếu vẫn mang tư tưởng tự sản xuất, tự tiêu thụ, chăn nuôi theo hướng tự phát, tận dụng phụ phẩm thừa từ nông nghiệp nên hiệu quả thấp.

Theo ông Dương Đình Phái, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi nhỏ lẻ tạo ra ít sản phẩm, hiệu quả hạn chế, chậm chí thua lỗ. Do khó khăn để đầu tư lớn, tích tụ ruộng đất cho chăn nuôi tập trung nên nhiều hộ vẫn duy trì hình thức chăn nuôi nhỏ, lẻ. Đây là thiệt thòi lớn cho những hộ chăn nuôi này.

“Chăn nuôi nhỏ lẻ đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành chăn nuôi hiện nay. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn, hộ chăn nuôi nhỏ cần được tập huấn để nâng cao kiến thức, trình độ chăn nuôi trong khi chờ chuyển dịch từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn, tập trung. Để giúp người chăn nuôi nhỏ lẻ bớt khó khăn, ngày 15-12-2014, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 312 hỗ trợ 100% tiền thụ tinh nhân tạo đối với những hộ nuôi dưới 10 con lợn. Việc hỗ trợ tuy không nhiều, nhưng cũng giúp người chăn nuôi bớt khó khăn”, ông Phái cho biết thêm.

Số lượng các hộ chăn nuôi nhỏ trên địa bàn tỉnh đang giảm vì phải chịu nhiều rủi ro của dịch bệnh, cạnh tranh với các hộ chăn nuôi quy mô lớn mà không được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhiều hộ đã bỏ chuồng hoặc chuyển dần sang chăn nuôi tập trung.

TRẦN HIỀN


Để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, tỉnh đã nghiên cứu, thực hiện đề án “Phát triển chăn nuôi thủy sản tập trung, nâng cao chất lượng quy mô, bảo đảm vệ sinh môi trường tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011-2015. "Kết quả, đã xây dựng được 7 khu chăn nuôi tập trung với diện tích hơn 26 ha, 30 trang trại chăn nuôi với diện tích 27 ha ở 12 huyện, thị xã, thành phố. Các khu chăn nuôi tập trung đã đi vào hoạt động và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong thời gian tới, cấu trúc ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ thay đổi mạnh mẽ, từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng giống, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, tiêu thụ tại các chợ truyền thống sẽ chuyển dần sang chăn nuôi công nghiệp khép kín với liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp); liên kết hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sản xuất.