"Liều thuốc" chưa đủ mạnh?

Tin tức - Ngày đăng : 07:00, 22/01/2015

Thời gian qua, việc công khai kê khai tài sản chưa đạt yêu cầu, chưa góp phần thiết thực trong công tác phòng, chống tham nhũng.



Minh họa: Văn Hà

Công khai tài sản là quy định bắt buộc đối với những cá nhân thuộc diện phải công khai theo Nghị định số 78/2013/NÐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Tuy nhiên, thời gian qua, việc công khai kê khai tài sản chưa đạt yêu cầu, chưa góp phần thiết thực trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Hiệu quả chưa như mong muốn


Theo báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Tỉnh ủy, năm 2014, toàn tỉnh đã có 53 trong tổng số 61 cơ quan, đơn vị  thực hiện xong việc kê khai tài sản thu nhập của 10.341 người trong diện phải kê khai, đạt 100%. Có 32% số cơ quan, đơn vị tiến hành công khai bằng hình thức niêm yết, 68% công khai tại các cuộc họp. Không có cán bộ, công chức nào phải thực hiện xác minh tài sản, thu nhập vì không có đơn thư khiếu nại.

Ông Phan Thành Trung, 55 năm tuổi Ðảng, nguyên cán bộ ngành công thương, hiện ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) cho rằng, việc công khai có lẽ mới chỉ đạt yêu cầu về hình thức theo quy định của pháp luật. Ông Trung lý giải, đã gọi là công khai thì phải đến được với đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân, vì nhân dân mới chính là những người theo dõi, giám sát và dám nói tiếng nói trung thực về sự chính xác của các bản kê khai. Ông Trung vẫn tham gia sinh hoạt chi bộ thường kỳ đều đặn với hơn chục năm làm báo cáo viên, nhưng ông chưa từng được nghe công khai kê khai tài sản của các đồng chí trong diện phải kê khai ở phường. Khi biết các bản kê khai theo quy định được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, ông kiến nghị để thông tin đến được với đảng viên, nhân dân thì cần phải có thông báo về thời điểm, vị trí niêm yết thông qua hệ thống truyền thanh hay sinh hoạt chi bộ, khu dân cư. Nếu không nắm được thông tin thì đảng viên, nhân dân không thể giám sát, đặc biệt là đối với các đồng chí cán bộ lãnh đạo không phải là người đang sinh sống tại địa bàn công tác. Và theo ông Trung, việc kê khai tài sản chỉ trông vào sự tự giác của cán bộ, đảng viên là chưa đủ mạnh để thực hiện mục tiêu phòng, chống tham nhũng.

Ðồng quan điểm với ông Trung, đồng chí Lê Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tân (Kim Thành) thừa nhận việc công khai kê khai tài sản của cán bộ trong diện kê khai tại trụ sở UBND xã đúng là chưa hiệu quả. Bởi chỉ những cán bộ, đảng viên, nhân dân thực sự quan tâm, hoặc chỉ những người có công việc đến giao dịch tại trụ sở UBND xã mới có thể biết các thông tin được công khai.
Ðiều ngạc nhiên là có một số cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản nhưng cũng chưa nắm được các quy định về việc công khai bản kê khai. Có đại biểu HÐND tỉnh cho biết, hằng năm theo quy định, đại biểu vẫn thực hiện đầy đủ việc kê khai tài sản. Sau đó nộp bản kê khai về Văn phòng Ðoàn Ðại biểu Quốc hội và HÐND tỉnh. Nhưng quy trình, thủ tục công khai bản kê khai ở đâu, bao giờ thì đại biểu này thú thật là không rõ. Cũng trong diện phải kê khai tài sản nhưng có lãnh đạo UBND một phường thuộc TP Hải Dương cũng thừa nhận không nắm rõ yêu cầu về việc công khai bản kê khai. Vị lãnh đạo phường này cho biết, các đồng chí trong diện phải kê khai tài sản đều có bản kê khai hằng năm theo thời gian quy định, nộp về Văn phòng Ðảng ủy, Ủy ban Kiểm tra, nhưng không biết bản kê khai tài sản được công khai thế nào.

Cần phát huy vai trò giám sát của quần chúng

Theo đồng chí Bùi Hữu Uyển, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, việc công khai kê khai tài sản có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nhưng đánh giá thực chất, thì việc công khai kê khai tài sản trên địa bàn tỉnh mới đạt được hiệu quả bước đầu là góp phần cảnh tỉnh, chấn chỉnh và nêu cao tinh thần tự giác của đội ngũ cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai. Việc công khai kê khai tài sản hiện nay chưa đa dạng về hình thức, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc giám sát, kiểm soát tính trung thực của các bản kê khai. Theo đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, việc tự giác kê khai tài sản phải đi đôi với một thiết chế để kiểm soát lại sự tự giác đó. Nhưng trước khi xây dựng được một thiết chế kiểm soát tài sản, thu nhập, biện pháp hiệu quả vẫn phải thông qua kênh thông tin, giám sát hữu hiệu nhất là dư luận, nhân dân.



Bản kê khai tài sản, thu nhập của các đồng chí trong diện kê khai được niêm yết tại
 trụ sở UBND xã Nam Trung (Nam Sách). Ảnh:  Minh Mẫn


Ngày 7-1-2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chỉ thị đã chỉ rõ những hạn chế trong công tác này thời gian qua: "Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức". Chỉ thị cũng nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó  yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể, địa phương, đơn vị tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng; tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch của Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản".

Năm 1998, quy định về công khai tài sản đã được đề cập trong Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng. Năm 2005, văn bản này đã được nâng lên thành luật rồi tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào năm 2012 và gần đây (năm 2013) các nghị định, thông tư của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng liên quan đến công khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã được ban hành. Ðặc biệt, năm 2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản". Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối nhiều với sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, nhưng để công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn, cần phải đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm giám sát, kiểm soát, theo dõi, phát hiện, tố cáo của đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thông qua phát huy tối đa hiệu quả của việc công khai, minh bạch về tài sản của cán bộ.

LINH AN