Sớm xây dựng thương hiệu ổi Thanh Hà
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:22, 24/01/2015
Từ lâu, người dân Thanh Hà đã mong muốn xây dựng thương hiệu để khẳng định chất lượng sản phẩm của loại cây này.
Để tiêu thụ mạnh với giá cao hơn, cây ổi Thanh Hà cần sớm có thương hiệu
Chủ động sản xuất
Thanh Hà hiện có gần 1.200 ha ổi tập trung ở 7 xã gồm Liên Mạc, Tân Việt, Cẩm Chế, Thanh An, Thanh Lang, Thanh Xuân và Việt Hồng. Đây là cây trồng chủ lực của xã Liên Mạc, với diện tích 480,19 ha, nhiều nhất huyện. Những năm qua, nông dân trong xã đã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất ổi trái vụ, mang lại giá trị kinh tế cao. Bà Lương Thị Ánh ở thôn Mạc Thủ 1 cho biết: "Tôi trồng 2,3 mẫu ổi, chủ yếu là giống ổi bo Thái Bình. Mỗi năm, trừ chi phí tôi thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Là người trồng ổi lâu năm nên chúng tôi tự đúc rút kinh nghiệm để chăm sóc cây ổi phát triển tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, mọi người thường muốn cây nhiều quả nên quả ổi thường bị kém chất lượng. Nhưng nay mỗi cành ổi chỉ để từ 2-3 quả sẽ cho quả to và ngon hơn”.
Để cây ổi cho thu hoạch trái vụ, người dân Liên Mạc đã chủ động cắt ngọn, tuốt lá, bổ sung một số loại phân bón để cây có đủ năng lượng phục hồi, nảy chồi, ra lá mới, ra quả và cho thu hoạch vào thời điểm trước Tết Nguyên đán… Ổi trái vụ cho thu hoạch rộ vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau. Để quả ổi có chất lượng cao, người trồng ổi thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Ngoài ra, họ còn tìm hiểu các kỹ thuật chăm bón, nhằm kéo dài tuổi cho thu hoạch của cây. Trước đây, quả ổi thường bị sâu, cây ổi chỉ được 2 năm là phải chặt bỏ. Đến nay thường cho thu hoạch khoảng 4 năm mới phải trồng lại, quả không bị sâu, đặc biệt là nông dân đã hạn chế được nạn ruồi vàng hại ổi. Bình quân, mỗi năm xã Liên Mạc thu được hơn 8.000 tấn ổi, doanh thu đạt khoảng 64 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân. Nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm từ trồng ổi.
Thanh Xuân cũng là một trong những xã có thế mạnh trồng ổi ở huyện Thanh Hà. Toàn xã hiện có 270 ha ổi, sản lượng mỗi năm đạt khoảng 3.000 tấn, doanh thu khoảng 25 tỷ đồng. Theo lãnh đạo địa phương, nông dân vẫn mong muốn mở rộng diện tích trồng ổi, tuy nhiên, chính quyền xã định hướng giữ nguyên diện tích, tránh tình trạng trồng ổi ồ ạt, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Ông Bùi Văn Tô ở thôn Xuân Áng trồng hơn 1 mẫu ổi trái vụ. Theo ông Tô, ổi là cây mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình nên nông dân luôn quan tâm, chăm sóc cẩn thận. Do làm chủ được quá trình sản xuất ổi nên cây ổi ở Thanh Hà hiện nay ít chịu ảnh hưởng xấu từ thời tiết. Từ cuối năm 2013 đến nay, giá ổi đạt từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, cao hơn những năm trước đó từ 4.000-5.000/kg nên hầu như người trồng ổi đều có lãi.
Khẩn trương đăng ký thương hiệu
Nhiều năm trở lại đây, chính quyền huyện Thanh Hà và những người dân ở xã có thế mạnh trồng ổi đã quan tâm xây dựng thương hiệu cho quả ổi. Năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất 6 ha ổi tại xã Liên Mạc với 34 hộ trồng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón cho cây ổi phải đúng liều lượng, đúng thuốc, đúng thời điểm. Những hộ này đều được cán bộ nông nghiệp ở huyện, tỉnh hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây ổi. Các quy trình được ghi vào sổ theo dõi. Ông Dương Văn Sỹ ở thôn Mạc Thủ 1 trồng ổi theo quy trình VietGAP cho biết: "Sản xuất ổi theo quy trình VietGAP phức tạp và cầu kỳ hơn. Trước đây, chúng tôi thấy loại thuốc bảo vệ thực vật nào phù hợp thì mua về chăm sóc, nhưng nay theo quy trình thì chỉ sử dụng một loại thuốc hoặc một loại phân, lân để bón ổi. Các loại thuốc này tốt nên chi phí đầu tư cao hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất, tôi thấy cây ổi xanh, quả ổi ít sâu bệnh hơn, mẫu mã đẹp".
Hiện nay, người trồng ổi ở Thanh Hà vẫn tự sản xuất, tự tiêu thụ. Do chất lượng sản phẩm tốt, khống chế sản lượng nên việc tiêu thụ ổi không gặp nhiều khó khăn. Theo người dân nhiều địa phương, đã có người ở một số siêu thị đến thăm vùng trồng ổi và ngỏ ý đưa ổi vào siêu thị, nhưng đến nay, ổi chưa có thương hiệu nên hành trình vào siêu thị còn khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Bóng, Chủ tịch UBND xã Liên Mạc cho biết, nếu có thương hiệu, quả ổi có thể hướng tới xuất khẩu vì một số người nước ngoài cũng đã đến thăm và đánh giá cao chất lượng ổi ở đây, nếu có thương hiệu họ sẽ mua với số lượng lớn và ký hợp đồng lâu dài. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng Quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ và an toàn bức xạ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay, phòng đang phối hợp với huyện để xây dựng thương hiệu ổi Thanh Hà cho 7 xã ven sông Hương. Dự kiến, trong năm 2015 sẽ hoàn thành thiết kế mẫu nhãn, thủ tục đăng ký bảo hộ để gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Với giá trị kinh tế cao mà người dân Thanh Hà thu được từ cây ổi, xây dựng thương hiệu cho loại cây trồng này là việc làm cần thiết, sẽ tạo hướng đi mới nâng cao giá trị hơn đối với cây ổi. Do đó, người trồng ổi cần tiếp tục phát huy thế mạnh, nâng cao chất lượng quả ổi. Địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hoàn thành các thủ tục sở hữu trí tuệ nhằm giúp thương hiệu ổi Thanh Hà sớm thành hiện thực.
MINH NGUYỆT