Khi ý Đảng hợp lòng dân
Tin tức - Ngày đăng : 03:58, 25/01/2015
Việc học tập và làm theo gương Bác ở Chi bộ 1 thôn Thị Đức đã tạo sự chuyển biến tích cực trong suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đảng viên Chi bộ 1 thôn Thị Đức ủng hộ toàn bộ trang thiết bị nhà văn hóa
Chỉ đạo sát sao
Chi bộ 1 thôn Thị Đức hiện có 54 đảng viên. Thực hiện việc học tập và làm theo gương Bác, chi bộ đã tuyên truyền sâu rộng đến đảng viên, nhân dân, tạo phong trào thi đua bằng những việc làm thiết thực. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, chi bộ đã xây dựng các nội dung nghị quyết phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
Đồng chí Phạm Thị Minh Miến, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận Chi bộ 1 cho biết: "Sau khi ban hành nghị quyết, chi bộ giao cho các tổ đảng, phân công đảng viên phụ trách tuyên truyền, vận động tại các tổ liên gia. Mọi nội dung đều được đưa ra bàn bạc công khai, các phong trào, đảng viên đi đầu thực hiện để làm gương cho nhân dân. Từ đó, các phong trào thi đua đã lan tỏa sâu rộng tới quần chúng nhân dân". Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chi bộ 1, thôn Thị Đức đã đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới. Bà Phạm Thị Gượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thị Đức cho biết: "Chi bộ đã đưa nội dung xây dựng nhà văn hóa đang bị xuống cấp vào Nghị quyết Đại hội Chi bộ 1 nhiệm kỳ 2012-2015. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn, tôi đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên ủng hộ, kêu gọi con em xa quê chung tay góp sức, gia đình tôi đã ủng hộ 150 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa".
Để cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chi bộ đã tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2000 đến nay, Chi hội Phụ nữ thôn đã phát động phong trào tiết kiệm "nuôi lợn nhựa", cho hội viên vay luân chuyển không lấy lãi, giúp hội viên mở rộng sản xuất. Nhiều đảng viên là hội viên Chi hội Phụ nữ đã tích cực vận động hội viên và tham gia đóng góp thông qua 12 nhóm nhỏ tiết kiệm, đến nay tổng số tiền tiết kiệm được hơn 150 triệu đồng. Nhờ vay nguồn vốn này, nhiều hội viên đã thoát nghèo bền vững như Nguyễn Thị Mạnh, Trần Thị Duyên, Nguyễn Thị Mừng... Chị Nguyễn Thị Thường, người dân thôn Thị Đức cho biết: "Nhờ nguồn vốn vay không lãi từ phong trào nuôi lợn nhựa, gia đình tôi đã thoát nghèo. Người dân trong thôn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng hạ tầng cơ sở".
Chi bộ cũng sớm triển khai họp bàn với dân việc dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Lúc đầu, việc vận động nhân dân gặp nhiều khó khăn nên các đảng viên đã nhiều lần đến tận nhà người dân thuyết phục, vận động. Sau nhiều lần họp bàn công khai, minh bạch, nhân dân đã đồng thuận. Hiện nay, thôn đã tiến hành dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng trên thực địa. Dự kiến, hết tháng 1 sẽ hoàn thành, giao đất để dân canh tác kịp thời vụ.
Làng quê đổi mới
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chi bộ và các đảng viên, Chi bộ 1 thôn Thị Đức đã hoàn thành được nhiều việc khó. Năm 2012, chi bộ đã vận động nhân dân đóng góp hơn 250 triệu đồng để xây dựng lại 7 tuyến bờ ao bị sạt lở, nâng cấp 2 tuyến đường xóm theo tiêu chí nông thôn mới. Chi bộ vận động cán bộ và nhân dân gửi thư kêu gọi các nhà tài trợ, con em xa quê ủng hộ xây dựng công trình nhà văn hóa. Đảng viên trong chi bộ đã ủng hộ toàn bộ trang thiết bị nội thất nhà văn hóa. Năm 2013, nhà văn hóa thôn được khánh thành với tổng kinh phí 1 tỷ 950 triệu đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, số còn lại là nhân dân đóng góp và con em xa quê ủng hộ.
Phát huy thắng lợi đó, nhân dân góp của, góp công xây dựng đường giao thông nông thôn. Năm 2014, thôn đã có 12 xóm làm đường bê-tông với tổng chiều dài hơn 1,2 km do nhân dân đóng góp và ủng hộ gần 500 triệu đồng, trung bình các hộ đóng góp từ 2-3 triệu đồng, có hộ đóng góp 6,5 triệu đồng. Đã có hàng chục hộ dỡ bỏ tường bao, hiến 120 m2 đất. Đến nay, 100% các tuyến đường làng, ngõ xóm ở Thị Đức đã được bê-tông hóa.
Ở Thị Đức, đảng viên và nhân dân thi đua lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Năm 2014, Ban công tác Mặt trận thôn đã phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức 4 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thâm canh lúa, cây trồng và nuôi thủy sản cho hàng trăm người dân. Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân đã đứng ra tín chấp hơn 2,2 tỷ đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 91 lượt hộ vay. Nhờ được hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, tất cả các số hộ dân trong thôn được sử dụng nước sạch; tỷ lệ giàu, khá ngày càng tăng; trên 85% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Đồng chí Nguyễn Văn Chuyển, Bí thư Đảng ủy xã Nhật Tân cho biết, trong quá trình thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Chi bộ 1 thôn Thị Đức đã có nhiều sáng tạo, làm tốt công tác dân vận, khơi dậy sức mạnh đoàn kết từ nhân dân. Chi bộ đã đưa ra nghị quyết xây dựng làng, xóm phù hợp với nguyện vọng nên được nhân dân tin tưởng, ủng hộ và làm theo. Năm 2013, Chi bộ 1 thôn Thị Đức đã được Tỉnh ủy biểu dương trong công tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2013. Nhiều năm qua, chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, là một trong những điển hình của huyện Gia Lộc thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về " tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
VIỆT QUỲNH