Doanh nghiệp thêm khó
Giao thông - Đô thị - Ngày đăng : 03:36, 27/01/2015
Ngay khi chưa có sản phẩm để bán Công ty CP Chế biến khoáng sản Hải Dương
vẫn phải nộp khoảng 16 tỷ đồng quyền khai thác khoáng sản
Số thu lớn
Thực hiện Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 28-11-2013 của Chính phủ, từ tháng 3-2014, UBND tỉnh đã tổ chức tuyên truyền nội dung của Nghị định 203 và Luật Khoáng sản 2010 tới các doanh nghiệp, địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản. Thành lập tổ công tác thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở Công thương, Tài chính, Xây dựng và Văn phòng UBND tỉnh, huyện Kinh Môn, thị xã Chí Linh. UBND tỉnh đã ban hành văn bản về mức thu phí cấp quyền khai thác khoáng sản tại một số mỏ được cấp phép khi Luật Khoáng sản 2010 và Nghị định 203/NĐ-CP có hiệu lực.
Nghị định 203 có hiệu lực từ ngày 20-1-2014, còn Luật Khoáng sản 2010 lại có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Vì vậy, khi thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ tính từ ngày 1-7-2011. Nếu tính từ thời điểm đó đến nay, số tiền truy thu khá lớn, có doanh nghiệp phải nộp tới hàng chục tỷ đồng. Vì thế, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Kinh Môn đã kiến nghị với UBND tỉnh để đề nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ 1-7-2011 đến ngày 31-12-2013. Nguyên nhân là trong khoảng thời gian này, Chính phủ chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Hơn thế, các doanh nghiệp đã quyết toán tài chính theo năm và cũng không cộng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào giá thành sản phẩm. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 723/TTg-KTN ngày 21-5-2014 về việc tháo gỡ một số vướng mắc trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, nhất trí chưa thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản với phần trữ lượng đã khai thác từ ngày 1-7-2011 đến 31-12-2013, mà chỉ thu trong năm 2014.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thu 23,5 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản năm 2014 đối với 14 doanh nghiệp. Doanh nghiệp có số thu cao nhất là Công ty TNHH May xuất khẩu Minh Tuấn (5,2 tỷ đồng) cho 4 giấy phép khai thác khoáng sản; Công ty CP Chế biến khoáng sản Hải Dương (1,5 tỷ đồng) cho 2 giấy phép khai thác…
Đề nghị giãn nộp
Khi Nghị định 203 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang gặp khó khăn khi phải nộp khoản tiền lớn. Đặc biệt, những doanh nghiệp được cấp nhiều giấy phép khai thác ngắn hạn thì số tiền phải nộp lên tới cả chục tỷ đồng. Ông Đào Văn Dũng, Giám đốc Công ty CP Chế biến khoáng sản Hải Dương băn khoăn, sau mấy năm nỗ lực để vượt qua khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp đang trên đà phục hồi. Hiện nay, doanh nghiệp có 6 mỏ đá được tỉnh cấp hàng chục giấy phép khai thác dưới 5 năm với quy mô nhỏ và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dưới 1 tỷ đồng/ giấy phép. Do đó, nếu phải nộp 1 lần thì tổng số tiền sẽ lên tới khoảng 16 tỷ đồng. Nộp số tiền lớn trong khi chưa khai thác khoáng sản, chưa có sản phẩm để bán là rất khó khăn cho đơn vị. Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng xem xét, giãn thời gian nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thành nhiều năm. Nếu giảm được, doanh nghiệp sẽ nghiêm túc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong các năm tiếp theo. Công ty TNHH May xuất khẩu Minh Tuấn phải nộp một lúc 5,2 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nên cũng là một khó khăn lớn. Công ty đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác khoáng sản giảm bớt khó khăn để tập trung sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Văn Nhởn, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản - nước - khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường), những băn khoăn, kiến nghị từ doanh nghiệp trong việc thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cần được UBND tỉnh, Cục Thuế tỉnh và các ngành chức năng quan tâm và có giải pháp hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả.
TRẦN TUẤN
Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thực hiện Luật Khoáng sản 2010 về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; phương thức thu, chế độ quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản phải nộp tiền theo thông báo của Cục Thuế địa phương. Theo Nghị định, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính dựa trên các chỉ số như trữ lượng khoáng sản, hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác, hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội, giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Về phương thức thu tiền cấp quyền khai thác, Nghị định quy định nộp 1 lần bằng 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác cấp mới (hoặc thời gian còn lại bằng hoặc dưới 5 năm), tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản bằng hoặc nhỏ hơn 1 tỷ đồng. Các trường hợp thời hạn khai thác lâu năm, số tiền phải nộp lớn hơn 1 tỷ đồng có thể nộp làm nhiều lần. |