Cô Thuận

Truyện ngắn - Ngày đăng : 14:34, 29/01/2015



Minh họa: Văn Hà



Mọi lần, nhà có việc ăn uống đều là Phượng mang cơm vào cho cô Thuận, nhưng hôm nay, là ngày ăn hỏi của nó, nên xong việc, mẹ bảo tôi mang thức ăn vào cho cô.

Cô Thuận đã gần năm mươi, người cao gầy, da trắng, tóc dài. Thường ngày, cô chỉ dậy nấu cơm vào buổi sáng, ăn xong thì cô ngồi trong giường, nói lảm nhảm một mình. Có hôm cô ra vườn nhặt cỏ trồng rau hoặc cô chui vào vườn ngồi một góc nào đó. Thời tiết nóng nực, thần kinh căng thẳng cô còn chửi bới lung tung. Cô tôi bị điên từ hồi còn trẻ.

Khi bà nội còn sống, đã có lần chị em tôi hỏi, bà kể: thuở con gái, cô Thuận xinh lắm, dáng cao, da trắng, môi đỏ, mắt đen, nhiều trai làng để ý. Nhưng cô không ưng đám trai làng, cô phải lòng một anh viên chức từ tỉnh khác đến. Khi đám trai làng biết tin này, đã có rất nhiều khẩu hiệu vẽ lên tường: “Quyết tâm giữ gái làng”, “Thà chết chứ không để mất gái làng” như một lời đe dọa ngầm. Sau đó, anh người yêu của cô đến chơi bị vứt xe đạp xuống mương, mặt mày sưng vù vì những pha đánh lén tập thể của đám trai làng. Một buổi tối, hai người đi chơi trên bờ sông, đám trai làng xông vào đánh anh người yêu của cô và xô anh xuống sông. Cô Thuận bơi giỏi, lao ngay xuống sông dìu anh chàng vào bờ, cô tuyên bố có ế cũng không thèm lấy bọn trai làng này. Lời tuyên bố làm đám trai làng tiu nghỉu. Bà nội hỏi về gia đình anh chàng người yêu thì anh bảo, nhà nghèo, bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, phải sống với bà ngoại từ bé. Bà đã đồng ý cho anh ta ở rể, đã chặt cả dãy xoan trồng đầu nhà chuẩn bị ngâm phơi để làm tạm gian nhà nhỏ cho hai người. Lợn trong chuồng cũng nuôi mấy tháng chờ ngày lành để ngả ra làm cỗ. Còn cô Thuận tối tối ngồi thêu vỏ gối chờ ngày hôn lễ.

Bố tôi đi công tác về, nghe bà kể chuyện, bố liền vào trong quê nhà người yêu cô để tìm hiểu. Hai ngày sau bố trở ra, bảo không thể cho cưới người này được vì anh ta là người dối trá. Bố mẹ anh ta vẫn còn sống, anh ta đã được bố mẹ cưới vợ cho và đã có một đứa con gái, anh ta xin đi làm công tác xa và bỏ bẵng không chịu về nhà với vợ con.

Cả nhà tôi choáng váng trước sự thật. Cô Thuận đau khổ vật vã, khi anh ta đến đã ném hết những thứ anh ta tặng và đuổi ra khỏi cổng. Cô không ăn không ngủ triền miên, rồi đâm ốm nặng, đầu óc luôn hoang mang, lo lắng. Cô sợ gặp người lạ, nhất là đàn ông, suốt ngày cô chỉ ngồi trong buồng lầm lũi như cái bóng và nói một mình, có những lúc cười khanh khách, lúc lại khóc hu hu, thỉnh thoảng còn văng tục chửi bậy. Cô đã bị điên như thế.

Sau khi bà nội mất, cô ở một mình trong căn nhà xây đã cũ mà bà để lại. Bố tôi khóa chặt cổng không để cho cô đi lang thang nữa, bởi một lần cô đã lên cơn điên tự xé quần áo, nhảy lên tường cắm đầy thuỷ tinh định chạy ra đường, may mà không bị thuỷ tinh đâm vào người nhưng tay thì bị cào rách da chảy bao nhiêu máu. Bố tôi kịp lôi cô vào nhà cho uống thuốc và băng bó vết thương.
Tôi ít khi vào thăm cô một mình vì tôi sợ cô lắm, khi nào vào thì tôi phải đi với Phượng. Tuy là em song sinh với tôi nhưng nó to lớn hơn tôi, lại tự tin, chẳng sợ cô Thuận như tôi. Phượng vẫn động viên tôi:

- Những lúc bình thường cô không đáng sợ đâu mà cô còn rất đáng thương. Cô vẫn tự dậy nấu ăn mỗi buổi sáng. Gạo bố đong sẵn để trong thùng, còn rau thì tự trồng ngoài vườn. Bếp đun của cô sạch sẽ không còn một cọng rơm trong đống tro. Cô còn biết khâu váy áo đấy, đầy cả một hòm gỗ. Hôm nọ, cô cho em xem, cô còn khen em càng lớn càng xinh.
Tôi bảo:
- Chị thấy vẫn sờ sợ sao ấy.

 Hễ nhà có việc là Phượng đảm nhiệm mang thức ăn vào cho cô. Nhưng hôm nay thì nhà trai ở tận Vũng Tàu đến hỏi cưới Phượng, xong công việc lại đưa Phượng vào đi đăng ký và làm đám cưới trong đó trước, tháng sau mới trở ra để tổ chức báo hỷ ngoài nhà tôi. Bố mẹ tôi mừng ra mặt vì Phượng được gả vào gia đình tử tế, khá giả, cả hai đứa đều có nghề nghiệp ổn định trong đó rồi. Mẹ hỏi: "Con Phượng lấy chồng trước con có buồn không?". Tôi bảo: "Buồn gì mà buồn, mẹ cứ còi to cho vượt". Nói vậy chứ, tôi cũng có chút lăn tăn, giá mà tôi đẹp như Phượng, có được nghề nghiệp ổn định như Phượng, thì phải theo truyền thống chị trước em sau từ lâu rồi.

Tôi mang túi thức ăn vào tới cổng, run run mở khóa. Vừa lách người vào thì từ trong bụi chuối, cô Thuận nhảy xồ ra trước mặt tôi nhanh như một chú mèo. Quần áo lôi thôi, bẩn thỉu, tóc tai rối bù, trên đầu cô đội một vòng hoa dại. Cô cười khanh khách. Người tôi run lên bần bật, chiếc xe đạp tưởng như muốn đổ ụp nếu không có bức tường giữ lấy.
- Phượng đâu? Phượng đi làm về chưa?

- Hôm qua em Phượng vào thăm cô rồi còn gì. Hôm nay, em Phượng bận. Cháu...cháu...cháu mang thức ăn vào cho cô đây.
- Cho cỗ à? - cô Thuận ném cái tàu lá chuối đang cầm trên tay đi - Cỗ gì đấy? Cô cũng đang làm cỗ đây này.
Cô Thuận lập tức cầm tay tôi kéo vào trong bụi chuối. Giữa những gốc chuối, tôi nhìn thấy một mâm cỗ đồ hàng bày trên cái mâm làm bằng lá chuối. Có một con búp bê giả cũng được làm từ một thân cây chuối non. Cô Thuận mặc cho búp bê một bộ váy được khâu vá từ những miếng vải vụn cũ nát, búp bê đang ngồi giữa mâm cỗ. Cô Thuận ôm con búp bê lên ngang mặt, khoe:
- Đẹp không?
Tôi ấp úng:
- Búp bê đẹp lắm ạ.
- Không phải búp bê. Bé Mũm đấy!
- Mũm à?- tôi lắp bắp.

Mẹ kể, sau khi bộ mặt gian dối bị bóc trần, người yêu của cô chuyển đi nơi khác biệt tích. Còn cô vừa ốm đau vừa mang thai và sinh ra bé Mũm. Bé ngoan lắm, cứ ngủ thin thít suốt ngày. Sáng hôm ấy, mẹ tôi trở dạ, cả nhà vội vã đưa mẹ đi trạm xá, nhưng bác sĩ bảo khó sinh, thế là lại cuống cuồng chuyển mẹ lên tuyến trên. Lúc đi, bà quên không khóa cổng, cô Thuận ở nhà bế bé Mũm đi. Đến chiều bà về tới đầu làng thì thấy cô nằm gục bên gốc đa, bé Mũm đã không thấy đâu nữa.
- Thấy Mũm xinh không?

Nói đến đây, cô Thuận bỗng phá lên cười một cách man dại. Con búp bê trong tay cô cũng rung lên bần bật. Tôi vội chạy ra xe, để túi thức ăn xuống, dắt xe quay ra cổng. Cô Thuận còn nhanh hơn, cô chạy lại gần như đứng chắn trước mặt tôi, mắt long lên sòng sọc. Cô quát:
- Phượng đâu, sao không mang cỗ vào?
Tôi lắp bắp:
- Hôm nay ăn hỏi Phượng, nên cháu mang đồ vào cho cô. Cô ăn đi!
Tôi mở túi thức ăn cho cô Thuận nhìn, đưa cho cô, rồi đóng vội cánh cổng và kéo khóa ập lại. Nhưng chợt hiểu ra điều gì. Cô Thuận trợn mắt lên:
- Cái gì, mày vừa nói gì?

Cô Thuận lao vào giật cánh cổng. Không được, cô trèo thoăn thoắt qua cánh cổng để vọt ra ngoài đuổi theo tôi. Tôi tái mặt đi vì sợ, nhảy lên xe đạp vội vàng. Cô Thuận đã nhảy xuống đất và chạy đuổi theo đằng sau xe tôi. Tôi cuống cuồng đạp, vì không để ý nên xe bị vấp vào một mô đất, bánh trẹo, trượt, cả xe đạp và tôi mất lái lao xuống cái ao tù. Không biết bơi, lại bị xe đạp đè lên, vì vậy dù có cố vùng vẫy nhưng một lúc sau thì nước và bùn vào đầy miệng mũi tôi, tôi dần chới với và chìm nghỉm. Nhưng trước khi tôi lịm đi thì có một bàn tay tóm được cánh tay tôi, cố gắng lôi tôi lên...
- Con Phương tỉnh rồi kìa!

Giọng mẹ kêu to. Tôi mở mắt, thấy mình đang nằm trong nhà bà nội, mẹ đang ngồi bên tôi. Bên kia giường là mấy cô chú và bố. Bố từ bên kia chạy lại:
- Ơn giời con không sao là phúc lắm rồi. Nhưng còn cô Thuận...
- Cô Thuận làm sao?
- Vì cố lôi con lên khỏi cái xe nên cô Thuận bị một miếng mảnh chai to đâm vào gan bàn chân, chảy nhiều máu lắm nên bị ngất đi, nguy cơ bùn vào, bị nhiễm trùng. Mọi người vừa băng bó cho cô xong. Bố đang gọi xe đưa cô đi cấp cứu.
Đến bên giường cô, nhìn thấy cô nằm lịm trên giường, bên cạnh mớ quần áo cũ dính đầy bùn máu, tôi bật khóc:
- Con xin lỗi, tại con nên cô mới bị thế này.
Cô Thuận vẫn nằm im lìm, trông cô lúc này thật nhỏ bé và đáng thương. Tôi cầm tay cô lên, đôi bàn tay gầy guộc chưa một lần tôi dám chạm vào.
Bố nói gì đó với cô Tâm, chú Ba, rồi ra bảo mẹ:
- Con Phượng chưa lên máy bay đâu, phải điện cho con Phượng quay về thôi, kẻo nhỡ có chuyện gì xảy ra thì... sau này nó lại trách mình không cho nó gặp mẹ nó.
Tôi ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì. Mẹ tôi quay đi lau nước mắt, kể:
- Khi mẹ vừa chuyển dạ sinh con, thì cô Thuận mang theo con Mũm ra đường rồi để con bé dưới gốc đa đi lang thang, lúc quay về thì mất con. Cả nhà bổ đi tìm. May khi bố lên công an trình báo thì họ thông báo có người nhặt được con bé nằm rét run bên gốc đa đã trình báo công an và mang về nhà, bố đến nơi và xin em về. Lúc bấy giờ bố đã giấu cô bàn với bà và hai em để bố mẹ nuôi con Mũm sẽ tốt hơn cho sức khỏe và tương lai của Mũm sau này. Thế là ra viện, mẹ có hai đứa con song sinh. Từ đó đến nay, mọi người trong làng xã đều nghĩ Phượng là con bố mẹ.
Mẹ ôm lấy cô Thuận đang thiếp đi, nói trong nước mắt:

- Chúng tôi xin lỗi cô về chuyện này. Chỉ vì nghĩ đến tương lai của Phượng chúng tôi mới làm thế. Cô hãy tỉnh dậy, nghe tôi nói, hãy tha lỗi cho anh chị... Bây giờ thì phải gọi con Phượng về, để cho mẹ con cô nhận nhau...

Bàn tay cô Thuận khẽ động đậy, rồi nắm lấy bàn tay mẹ tôi. Cô Thuận mở mắt, nhìn khắp lượt mọi người, ánh nhìn xót xa, như chưa từng bị điên dại, giọng cô thều thào:
- Em nhớ, lần anh bàn với mẹ em có nghe trộm được. Anh chị đừng gọi Phượng về lúc này...
Nói xong, mí mắt cô trĩu xuống, hai giọt nước mắt chầm chậm lăn xuống gò má.

 NGUYỄN THU HẰNG