Tầm nhìn của người lãnh đạo

Tin tức - Ngày đăng : 10:08, 02/02/2015

Lãnh đạo là người đứng đầu một tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.


Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa đơn vị ngày càng phát triển, đòi hỏi lãnh đạo phải có tầm nhìn. Muốn có tầm nhìn sâu sắc toàn diện đòi hỏi người lãnh đạo không những có kinh nghiệm thực tiễn mà còn phải có tài năng. Tài năng và đức độ càng cao thì tầm nhìn càng rộng, càng xa. Người lãnh đạo phải luôn trăn trở tìm tòi và luôn đặt câu hỏi trước những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Không có thứ lãnh đạo chung chung. Trong bố trí cán bộ lãnh đạo khó nhất là khâu đánh giá cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ thì việc sử dụng, bố trí càng phát huy được năng lực, sở trường của cán bộ, nếu không hiệu quả sẽ ngược lại.

Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải thi tuyển các chức danh Tổng cục trưởng, Vụ trưởng. Một số tỉnh đã tổ chức thi tuyển giám đốc sở, ngành, chính là việc sát hạch "tầm nhìn" của các chức danh đó. Ngoài việc lãnh đạo một cơ quan, đơn vị thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, còn phải làm tốt công tác quản lý. Lãnh đạo đề ra chủ trương, giải pháp, quản lý việc lập quy hoạch, kế hoạch, biện pháp tổ chức thực hiện, đôn đốc kiểm tra quá trình thực hiện, uốn nắn, chỉ đạo theo các mục tiêu kế hoạch đã được xác định. Vai trò của quản lý trong lãnh đạo được phát huy triệt để.

Lãnh đạo chỉ cần hiểu biết công việc, không cần hiểu kỹ, hiểu sâu và thực hành được. Nhưng quản lý đòi hỏi phải hiểu sâu hơn, thậm chí cầm tay chỉ việc cho cấp dưới thực thi nhiệm vụ. Như vậy người lãnh đạo phải có trình độ quản lý. Những yếu tố đó giúp cho người lãnh đạo có tầm nhìn xa, biết tính toán công việc, chủ động nắm bắt thời cơ, "đi tắt đón đầu", không ngỡ ngàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình, chủ động đối phó với những diễn biến xấu.

Nếu người lãnh đạo chỉ biết những công việc cụ thể sự vụ hằng ngày hoặc thụ động thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, thiếu tính chủ động, sáng tạo thì những điều bất cập sẽ xảy ra ở đơn vị đó, đơn vị không tiến xa được, thậm chí dậm chân tại chỗ và tụt hậu.

Người lãnh đạo có tầm nhìn phải nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học đúng thực trạng của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình hiện đang đứng ở vị trí nào, thứ bao nhiêu trong khối các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng ngành nghề. Và thời gian tới sẽ đi đến mức nào? Trong kíp lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, ngoài người đứng đầu đơn vị (thủ trưởng) còn có từ một đến nhiều cấp phó giúp thủ trưởng các mặt công tác quản lý, để tạo nên sự đồng bộ, đồng thuận trong lãnh đạo, quản lý, bổ sung cho nhau hoàn chỉnh yêu cầu các mặt công tác của cơ quan, đơn vị.

Người lãnh đạo có tầm nhìn về những khó khăn của đơn vị phải vượt qua và cái đích thời gian đạt tới, đề ra các biện pháp thực hiện, qua đó thể hiện khả năng của người lãnh đạo. Nói chung, người lãnh đạo phải có tầm nhìn xa trông rộng bởi "một người hay lo bằng kho người hay làm".

Cho nên việc lựa chọn, bố trí người lãnh đạo đứng đầu một tổ chức, cơ quan, đơn vị là một yêu cầu nghiêm ngặt, khắt khe, phải đạt những tiêu chuẩn cụ thể về đức và tài. Chỉ thị 36/CT-TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "Chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng về lãnh đạo, quản lý". Trọng trách đó đặt lên vai những người có trách nhiệm trong việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.