Liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 04:49, 05/02/2015

Đây là thành quả của đề tài khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất rau, quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm".



Sản xuất cà chua an toàn tại xã Thượng Đạt

Cà chua, bí xanh an toàn trồng tại xã Thượng Đạt, An Châu (TP Hải Dương) đã có mặt trong hệ thống siêu thị Big C, siêu thị Co.opmart toàn miền Bắc và nhiều cửa hàng rau sạch tại Hà Nội. Đây là thành quả của đề tài khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất rau, quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm".

Hành trình vào siêu thị

Thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm đến sản xuất an toàn sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Năm 2003, UBND tỉnh đã cho phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đề tài sản xuất rau an toàn (RAT) đối với một số loại rau vụ đông tại huyện Gia Lộc. Sau đó, xây dựng một số mô hình về sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGAP tại Tứ Kỳ, Bình Giang… Tuy nhiên, nông dân chưa mặn mà với sản xuất RAT do đầu ra chưa bảo đảm, chưa hình thành được hệ thống phân phối sản phẩm có uy tín trên thị trường.

Để từng bước tìm được chỗ đứng cho RAT, năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện đề tài khoa học "Xây dựng mô hình sản xuất rau, quả tươi an toàn theo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm". Tiến sĩ Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu của đề tài là xây dựng mô hình sản xuất cà chua và bí xanh an toàn theo quy trình VietGAP, tổ chức tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và các đầu mối khác. Đề tài thu hút 85 hộ tham gia với tổng diện tích 10 ha, mỗi vùng 5 ha tại 2 xã Thượng Đạt và An Châu (TP Hải Dương). Đây là hướng đi tích cực, từng bước tìm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong quá trình triển khai, chi cục đã hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất an toàn. Cụ thể, trồng RAT trên nền đất cao ráo, thoát nước tốt, không tồn dư kim loại và cách xa nguồn chất thải nguy hại; sử dụng nguồn nước tưới không bị ô nhiễm; sử dụng phân hữu cơ vi sinh và phân bón lá đã qua quá trình thử nghiệm riêng; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được cấp phát; trước khi thu hoạch 15-20 ngày không được phun thuốc hóa học. Quá trình sản xuất của nông dân có sự theo dõi, giám sát chặt chẽ của kỹ sư; thỉnh thoảng sản phẩm được đưa đi kiểm tra. Do áp dụng quy trình chặt chẽ nên bí xanh và cà chua đã đáp ứng các tiêu chí bảo đảm về chất lượng, không bị sâu bệnh, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật gây hại cho người tiêu dùng. Cùng với đó, chi cục đã tích cực rà soát và lựa chọn doanh nghiệp làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết: “Doanh nghiệp được chọn phải thật sự có nhu cầu để bảo đảm lợi ích lâu dài cho nông dân. Nếu doanh nghiệp đã liên kết và có sản phẩm ở các siêu thị lớn từ trước thì dễ được chọn do siêu thị không phải thẩm định lại. Đáp ứng những yêu cầu đó, chi cục đã lựa chọn Công ty CP Nông sản thực phẩm Hải Dương Xanh. Công ty này đã có sản phẩm tại hệ thống các siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố nên rất phù hợp để thực hiện đề tài”.

Hướng tới xây dựng thương hiệu


Sau một năm triển khai, đề tài đã thu được kết quả tích cực. Cuối năm 2014, cà chua Thượng Đạt và bí xanh An Châu đã được cấp chứng nhận VietGAP, được Công ty CP Nông sản thực phẩm Hải Dương Xanh thu mua và tiêu thụ tại hệ thống siêu thị BigC, siêu thị Co.opmart ở miền Bắc, trên 20 cửa hàng rau sạch trên Hà Nội và cửa hàng RAT Hải Dương Xanh (đường Điện Biên Phủ, TP Hải Dương). Ông Bùi Xuân Niên, Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Hải Dương Xanh cho biết, công ty sẽ duy trì tiếp nhận tiêu thụ sản phẩm của đề tài trong những năm tiếp theo.

Được hưởng lợi từ đề tài khoa học, có lẽ vui nhất là những người nông dân. Chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn Thượng Triệt (xã Thượng Đạt) có hơn 1,3 mẫu trồng cà chua theo quy trình VietGAP cho biết: “Tôi đã tham dự nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình thực hành sản xuất an toàn và được hỗ trợ hơn 15 triệu đồng, chiếm 50% giá giống. Mỗi sào cà chua cho thu hoạch từ 1,8-2,2 tấn/sào. Công ty CP Nông sản thực phẩm Hải Dương Xanh hiện thu mua với giá 10.000-11.000 đồng/kg, gia đình thu lãi 18-20 triệu đồng/sào”.

Do bước đầu hoàn thành mục tiêu, phát huy hiệu quả, đề tài đã được UBND tỉnh phê duyệt tiếp tục thực hiện năm 2015. Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng TP Hải Dương cho biết, thời gian tới, phòng sẽ tục phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ để xây dựng thương hiệu cà chua Thượng Đạt và bí xanh An Châu giúp sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Có thể thấy, việc gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm ngay trong mục tiêu của đề tài khoa học đã tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết lợi ích và trách nhiệm giữa nông dân và doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

VIỆT QUỲNH