Vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 07:51, 09/02/2015
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành y tế tỉnh cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn vươn lên làm tròn sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco
Cách đây 70 năm, Ban Y tế tỉnh được thành lập. Khi ấy, cả tỉnh chỉ có gần 80 cán bộ y tế gồm cả quân và dân y. Trang thiết bị cứu chữa bệnh nhân thiếu thốn về mọi mặt. Tuy nhiên, nhiệm vụ của ngành y tế trong thời kỳ này lại rất nặng nề, vừa phải cấp cứu, khám, chữa bệnh cho bệnh binh và nhân dân, vừa tuyên truyền để người dân hiểu biết về các kiến thức vệ sinh phòng bệnh, xây dựng đời sống mới...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mọi nguồn lực đều tập trung cho chiến tranh nên ngành y tế vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Khi chiến tranh kết thúc, các loại dịch bệnh như sốt rét, phù, ho gà, kiết lỵ... nhất là bệnh phong xuất hiện ở nhiều nơi. Trong khi đó, cả tỉnh chỉ có 2 điểm khám, chữa bệnh ở thị xã Hải Dương và Ninh Giang. Ngành y tế đã kịp thời xây dựng mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở, thành lập các đội phòng, chống dịch bệnh... Ngày 15-2-1965, khi Bác Hồ về thăm xã Nam Chính (Nam Sách), Bác đã công nhận nơi đây là kiểu mẫu của công tác vệ sinh phòng bệnh. Đây không chỉ là thành quả của riêng Nam Chính mà chính là sự nỗ lực chung của cả ngành y tế tỉnh ta.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các cán bộ ngành y tế tỉnh lại nêu cao tinh thần dũng cảm, không quản ngại gian khó làm tốt việc cấp cứu chiến thương, giúp nhân dân yên tâm sản xuất, sẵn sàng tham gia chiến đấu. Những năm 70 của thế kỷ trước là khoảng thời gian đầy gian khó với ngành y tế tỉnh khi vừa đương đầu với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ vừa đối phó với trận lụt lịch sử. Thời điểm này, hệ thống y tế tuyến huyện, xã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ có 18% số xã có bác sĩ, 50% số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng... Trước tình hình trên, ngành y tế đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cán bộ, bộ đội, nhân dân lên hàng đầu; coi nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu là trọng tâm cấp bách. Đi đôi với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngành tập trung dồn lực kiện toàn bộ máy tổ chức, tăng cường nguồn lực trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh...
Sau khi đất nước thống nhất, theo cơ chế bao cấp, mọi nguồn thuốc men, y cụ đều được cấp từ Trung ương về tỉnh nhưng luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu. Ngành đã khai thác mọi tiềm năng sẵn có của địa phương, đẩy mạnh các phong trào như chủ động phòng dịch bệnh, xây dựng, củng cố, phát triển 3 công trình vệ sinh, vận động hợp lý an toàn về thuốc, y tế phục vụ sản xuất nông nghiệp, phụ nữ tài năng xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... Đồng thời, coi công tác dân số - KHHGĐ và bảo vệ bà mẹ, trẻ em là chương trình hoạt động lớn, xuyên suốt của ngành.
Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế thì môi trường sống bị ô nhiễm, xuất hiện những yếu tố có nguy cơ tác động đến sức khỏe người dân, nhiều loại bệnh tật, tệ nạn xã hội nguy hiểm... Trước thực tế đó, ngành y tế tỉnh đã nỗ lực kiện toàn bộ máy tổ chức theo sự chỉ đạo của cấp trên, triển khai thực hiện nhiều đề án nhằm tăng cường chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân như phát triển y dược học cổ truyền; xây dựng xã chuẩn quốc gia về y tế; nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế; hỗ trợ đào tạo và thu hút bác sĩ, dược sĩ đại học về công tác tại các cơ sở y tế...
Thành tựu to lớn
Từ những nỗ lực trên của ngành y tế cùng sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã thu được kết quả to lớn. Tỉnh ta đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về xây dựng trung tâm y tế huyện đủ năng lực hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, cả tỉnh có gần 7.000 cán bộ ngành y tế; 22 bệnh viện với quy mô gần 3.500 giường bệnh, đạt bình quân 23,2 giường/1 vạn dân, khoảng 7,7 bác sĩ/1 vạn dân, 76% số trạm y tế có bác sĩ công tác thường xuyên, tất cả các thôn, khu dân cư có ít nhất 1 nhân viên y tế... Ngoài mạng lưới hệ thống y tế công lập, toàn tỉnh cũng phát triển 1.400 cơ sở y tế ngoài công lập, góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều tiến bộ khoa học mới được ngành y tế áp dụng thành công, mang đến hiệu quả tích cực trong chẩn đoán và điều trị như chụp cộng hưởng từ, cắt lớp vi tính, mổ nội soi... giúp cho nhiều người mắc bệnh nặng không phải chuyển lên tuyến trên.
Công tác phòng, chống dịch bệnh đã được ngành y tế chủ động thực hiện tốt. Trên 99% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm đủ 6 loại vacxin, về cơ bản đã thanh toán được bệnh bại liệt, khống chế được bệnh uốn ván sơ sinh, sởi, ho gà, bạch hầu... Hải Dương là tỉnh thứ 3 trong cả nước được Bộ Y tế công nhận phủ kín nha học đường, thanh toán bệnh phong, đồng thời là tỉnh sớm hoàn thành chương trình giải phóng mù lòa cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tử vong ở mức thấp (1,18 phần nghìn); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 12,8%; tuổi thọ trung bình của người dân đạt 74,5; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 74%. Nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi như dịch tả, dịch hạch, sốt rét. Công tác dân số - KHHGĐ được củng cố kiện toàn từ tỉnh đến xã, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực...
Phát huy những thành tích đạt được, thời gian tới, tập thể cán bộ, người lao động trong ngành y tế tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và y đức, nguyện học và làm theo lời Bác dạy: "Lương y phải như từ mẫu", luôn giữ gìn bản chất tốt đẹp của nền y tế Việt Nam theo hướng khoa học, dân tộc và đại chúng, xây dựng một nền y tế nhân dân, với mục tiêu "công bằng - hiệu quả - phát triển".
Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ ĐOÀN MẠNH TIẾN, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế