Đối thoại với “Khách xuân”
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 15:30, 12/02/2015
Từ cái bản ngã “là Ta”, qua nhập hòa, tan đi, rồi lại biết, phải “trở lại cái riêng mình”… Với mỗi ai, dặm dài quy luật này , “Là mình, đến mọi đổi khác chính mình” đều bắt đầu từ mối liên hệ ấy.
Với Thúy Ngoan, với thơ, có lẽ nữ thi sĩ này luôn thủy chung, bám chặt “cái Nó”, cái “vốn có”, cái mà ông trời phú cho, đấy là niềm cảm rung của gốc rễ con tim. Con tim của người thơ dễ yêu say, dễ dào dạt, chứa chan, mở từ “vỉa phồn thi,” thấm đẫm “chất thôn làng, quê kiểng”.
Từ đơn tuyến vươn tới cái đa tầng, hay ví như, con sông vừa đi, vừa tìm lấy cái vọng vang khác nhau ở đôi bờ bến chảy. Ở Thúy Ngoan. Ở những bài thơ, câu thơ mà cái nền phát lộ là cảm xúc tới tự thức hay ý thức nào đấy… Thúy Ngoan đã có được một dung nhan, một giọng điệu thơ mình, ở giọt nắng chị nâng cầm, dọc con đường “tìm vàng, đãi cát”.
Dễ thấy, bước chuyển tiếp “thơ Thúy Ngoan” từ Bão mùa thu, Trăng góa, Nón không quai đến “Ngôi nhà không bình yên”… là những gì của “độc thoại” tìm được từ “đối thoại”. Song, với “Khách xuân”, có một phần khá đậm, mang nét trội ở thơ mà nhà thơ “Viết tặng một người”.
Dường như, ở đây, vẫn là độc thoại khi thi sĩ đã tách mình, đẩy mình vào góc riêng mình trong tiếng lòng tri kỷ. Nhưng, đối tượng khai thác là thế giới rộng lớn đã được ép chặt hơn, để chỉ còn “đơn nhất” cặp phạm trù: “Em và Anh”. Để người viết thả sức tung hoành trong giãi bày, suy ngẫm.
Rồi, cứ thế, thi sĩ là chủ thể, là “người chủ” của “Khách xuân”, đặng mở hết cõi lòng trong tiếng lòng tri kỷ.
Câu thơ mỏng mảnh, mồ côi
Đêm đông, gió lạnh, mình tôi ru mình
Đấy là tâm trạng. Còn đây là cảnh huống gợi về tâm trạng ấy:
Lâm thâm ướt lá cây vườn
Mà em bão nổi, mưa tuôn trong nhà
Hoặc:
Kéo chăn xuôi ngược vào lòng
Giường thừa bốn góc xoay vòng khoảng không
Rõ ràng, từ cái xem như “đơn tuyến” kia, Thúy Ngoan đã dùng cảm xúc “thăng hoa”gắng vượt, vươn tới cái phong phú, cái đa chiều, cái khác… Bởi vậy, đây là, “Anh và em” trong hẹn chờ, hy vọng. Trong cô đơn, khao khát. Trong ly biệt, sầu thương... Kia là, “Anh và em” trong dự cảm, ngóng chờ. Trong mơ màng, bắt bóng. Trong gánh chịu. Trong tự mình vỗ về, an ủi, một thân phận đa đoan…
Giá trị trên mỗi trang viết của người nghệ sĩ sáng tạo là phát hiện. Là sáng tạo được những hình ảnh, hình tượng thật điển hình, ấn tượng. Thật “cá thể hóa”. Là thi sĩ với những câu thơ tài hoa ở thần cú, thần tự. Ở sức ám ảnh. Ở vệt loang có “sức động” không cùng.
Ở “Khách xuân”, Thúy Ngoan có nhiều câu thơ vững. Thơ đã đẩy tới, đã bám được rất gần ranh giới những “câu thơ hay”. Nhất là lục bát. “Lục bát” là “miền tung tẩy”, là cái “gam” tâm trạng giàu hồn quê của nữ thi sĩ giàu nữ tính, dễ ngọt ngào, nồng đượm này.
Đây là câu lục bát, có khi cái hay ở đây chỉ đem lại từ một lối kể, lối tự sự bình thường:
Mưa ngâu nghiêng cả chiều vơi
Bóng tôi và bóng người rơi xuống đường
Hoặc:
Xuân đi những bước ngập ngừng
Hoa đào còn cánh cuối cùng vừa rơi
Hoặc, từ cái gợi qua mô tả, qua hình ảnh bên ngoài làm sáng dậy cái sâu thẳm bên trong. Sức nặng câu thơ có được từ cái cảm, cái ngẫm suy, khi mỗi câu thơ ngỡ như được đẻ ra từ máu thịt người viết:
Nửa đêm vùng dậy soi gương/Thương cho phận gái dặm trường còn xanh
Hoặc:
Câu thơ ướt sũng mối tình
Người về với vợ còn mình dở dang
Hoặc:
Em giờ như cánh hoa trôi
Bến sông thì cạn, bến đời thì sâu
Và:
Ngoài trời đang đổ mưa giông
Có bao nhiêu hạt… khát chồng như tôi?...
Tri kỷ với chính mình. Với những gì trong mình luôn đeo nặng nỗi lạnh lùng, buồn thương, nỗi cô đơn, góa bụa… Thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan chảy dài nỗi niềm này trên nhiều trang viết. Thơ có sức rung cảm, sẻ chia. Thơ có vệt thấm loang từ “chân trời một người” tới công chúng xa rộng.
Ở “Khách xuân”, thoát khỏi mình, thoát khỏi mạch độc thoại trong thân phận, nhớ thương. Trong nỗi chồng, nỗi con. Trong tình đời, trong dở dang, côi cút… Khi quay về đào tìm phía hiện thực rộng lớn, những mong thay đổi không gian thơ, người viết sẽ gặp mình ở những lung linh khác. Ví như, khả năng bao trùm, khái quát. Cảm xúc, hình ảnh hay cái nghĩ, khác lạ? Song, dù viết “Về thăm trường cũ, Lần đầu đến Cát Bà, Hoa phượng Hải Phòng, Lên biên giới, Nắng miền Tây…, thơ Thúy Ngoan chỉ còn những biểu cảm, những mô tả ngoại giới tĩnh tại. Người viết ít quan tâm đến một tầng chìm. Ở đấy, là cái run rẩy, cái tinh tế của cảm xúc. Cái hình ảnh, hình tượng biến thế giới thứ nhất từ “như thế nào là như thế ấy” đã hóa thành thế giới thứ hai khi tất cả “như thế ấy”… Mà người ơi, nó đã là “như thế nào” rồi.
Qua năm tập thơ có được của Thúy Ngoan, qua “Khách xuân”, qua gần một trăm bài viết được tập hợp, chọn in trong một đôi năm còn mới nguyên thế đó, người đọc thấy rõ một Thúy Ngoan trong sức dồn xô, chảy xiết, một Thúy Ngoan vẫn dồi dào thi hứng, vẫn hy vọng, mong ngóng cầm về những hạt thơm trên “cánh đồng thơ” chị cấy gieo và hái gặt.
VĨNH KIM