Hành trình kỳ lạ của cuốn "Đường cách mệnh"
Tin tức - Ngày đăng : 20:00, 19/02/2015
Một cuốn sách "Đường cách mệnh" do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyển về tỉnh ta nhưng sau đó bị chính quyền phong kiến thu được.
Sau 28 năm, ta tìm lại được cuốn sách này và đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã gửi tặng bản phục chế cuốn sách cho Đảng bộ tỉnh Hải Hưng.
Bìa cuốn sách "Đường cách mệnh" được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyển từ Quảng Châu (Trung Quốc)
về Hải Phòng, sau đó được chuyển tới huyện Thanh Hà
"Đường cách mệnh" là một tác phẩm có giá trị lớn của Nguyễn Ái Quốc, một văn kiện quan trọng trong thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng. Tác phẩm này gồm những đề cương bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giảng dạy tại các lớp huấn luyện chính trị được tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ đầu năm 1925, nhằm đào tạo cán bộ cách mạng, chuẩn bị về tư tưởng, đường lối, tổ chức để thành lập Đảng. Tác phẩm được xuất bản vào đầu năm 1927, phổ biến trong nội bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Năm 1925, đồng chí Nguyễn Lương Bằng (quê xã Thanh Tùng, Thanh Miện) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, được Bác dẫn dắt hoạt động cách mạng. Năm 1926, tại một cuộc họp của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, Bác Hồ nêu ý kiến cần phát triển phong trào cách mạng xuống phía nam. Vì vậy cần có những đồng chí về nước hoạt động. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng xin về nước để giác ngộ quần chúng, tìm người kết nạp vào tổ chức đảng; đặt đường liên lạc từ Hải Phòng đến Hồng Kông, Quảng Châu.
Trong "Hồi ký cách mạng" (sách Anh cả Nguyễn Lương Bằng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005), đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết: "Đầu năm 1927, tôi tìm được việc làm dưới tàu Sông Bô... Tàu này chạy từ Hải Phòng đi Hồng Kông, Quảng Châu nên việc giao thông liên lạc từ trong nước ra nước ngoài rất thuận tiện. Tôi tổ chức đưa báo Thanh niên, tác phẩm "Đường cách mệnh" và một số tài liệu khác từ Quảng Châu về nước... Đặc biệt, có ông Bếp Định tuy không biết chữ, nhưng rất hăng. Tôi đưa tài liệu cho ông ta, ông đem phân phát khắp nơi, từ Hải Dương, Nam Định, Núi Đèo cho đến trại lính, trường học đều có tài liệu đưa đến...".
Như vậy, cuốn sách "Đường cách mệnh" được đưa về tỉnh ta từ rất sớm. Nhà nghiên cứu sử học Tăng
Cuốn sách có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục, đào tạo cho lớp đảng viên tiền bối như: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Công Hòa, Vũ Duy Hiệu... Nó thực sự đã chỉ dẫn đường lối, phương hướng hoạt động, góp phần xây dựng, thúc đẩy phong trào cách mạng của tỉnh ta". |
Trở về
Trong những cuốn sách "Đường cách mệnh" do đồng chí Nguyễn Lương Bằng chuyển về tỉnh ta, một cuốn sách có hành trình khá đặc biệt. Trong sách "Bác Hồ với Hải Dương, Hải Dương với Bác Hồ" có một bài viết của tác giả Phạm Thị Lai nói về vấn đề này. Tác giả viết: "Trong cuốn sách gốc lưu ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam có kẹp một tờ giấy viết bằng chữ Nôm, nội dung như sau: Tên con Phó lý Nguyễn Văn Tôn, xã Hạ Trường, xin nộp Tri huyện Thanh Hà quyển sách này. Con xin làm đơn trình sau. Đại Bảo năm thứ 5, ngày 29 tháng 2 (tức ngày 28-3-1930). Phó lý Nguyễn Văn Tôn ký cùng với dấu của Tri huyện Thanh Hà. Phó lý Nguyễn Văn Tôn đã bắt được cuốn sách cấm, giao nộp cho Tri huyện Thanh Hà và được viên quan huyện xác nhận. Cuốn sách bị tịch thu, sau kháng chiến thắng lợi, địch tháo chạy bỏ lại hồ sơ, nên cuốn sách được trở về với chủ nhân của nó. Chắc rằng đồng chí Nguyễn Lương Bằng sẽ vô cùng sung sướng khi được nhìn lại cuốn sách mà ông đã mất bao nhiêu công sức mới đem về tới Việt Nam".
Cuốn sách gốc nói trên hiện lưu ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Với tình cảm đặc biệt dành cho quê hương Hải Dương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tặng Đảng bộ tỉnh nhà một cuốn sách được phục chế từ cuốn sách gốc. Trong "Thư gửi Đảng bộ tỉnh Hải Hưng" ngày 5-1-1974, đồng chí Nguyễn Lương Bằng viết: "Các đồng chí thân mến! Tôi thân ái tặng các đồng chí quyển Đường Kách Mệnh, bản phục chế của Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, do Bác Hồ kính mến của chúng ta soạn để làm bài giảng tại các lớp huấn luyện chính trị mở ở Quảng Châu (Trung Quốc) trong những năm 1925-1927... Năm 1958, ta tìm được quyển sách này trong đống hồ sơ của địch bỏ lại ở Tòa án Hà Nội mà chúng đã khám bắt được tại làng Hạ Trường, huyện Thanh Hà trong tỉnh ta. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã sớm nhận được và phát huy tác dụng của quyển sách đó đối với phong trào cách mạng trong tỉnh, đồng thời chính quyển sách mà kẻ địch khám bắt được ở huyện Thanh Hà và sau này ta lại tìm thấy là một hiện vật quý giá đóng góp vào kho tàng lịch sử nước ta. Tôi gửi tặng các đồng chí một bản đã được phục chế, mong các đồng chí ra sức phát huy ảnh hưởng của quyển sách này, động viên mọi người có thêm sức mạnh làm tròn mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn tới. Chào thân ái".
MINH ANH