Tư tưởng độc lập, tự do qua một số câu đối của Bác Hồ

Tin tức - Ngày đăng : 06:00, 20/02/2015

Dù viết nhiều thể loại khác nhau, nhưng trước sau, Người vẫn dành tình cảm của mình cho thơ ca nhiều nhất.



Chúng ta bắt gặp một tư tưởng độc lập, tự do hết sức nhất quán qua thơ ca của Bác


Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam sinh thời không lấy văn chương làm sự nghiệp của mình, song với nhiều tác phẩm thơ văn mà Người để lại cho đời, đủ để xứng danh một nhà thơ, nhà văn lớn. Ai cũng biết, dù viết nhiều thể loại khác nhau, nhưng trước sau, Người vẫn dành tình cảm của mình cho thơ ca nhiều nhất. Bên cạnh đó, vào những lúc Tết đến xuân về, mỗi dịp hoan hỉ cùng đồng chí, đồng bào, Hồ Chí Minh lại có biệt tài ứng đối bằng những vế đối xuất thần hoặc vế xướng đối đầy trí tuệ. Vì vây, nghiên cứu câu đối của Người, chúng ta cũng bắt gặp một tư tưởng hết sức nhất quán, đó là tư tưởng độc lập, tự do.

Trong cuộc đời sáng tác của mình, thời còn niên thiếu, dù chưa có ý thức sẽ để lại những tác phẩm bất tử cho đời sau, nhưng với một trí dũng hơn người, Bác Hồ của chúng ta vẫn khiến mọi người cảm phục về khả năng ứng đối nhanh nhẹn, thể hiện được tư tưởng độc lập, tự cường, khát vọng tự do dù chỉ với một đề tài có vẻ bình thường, xuất hiện đột ngột trong một tình huống cụ thể.

Một lần, lúc còn đi học, một cậu học trò cùng lớp rót dầu thắp sáng đã vô tình làm dầu dây ra đế đèn, thấy vậy thầy giáo liền xướng một vế đối nhằm thử tài năng của lớp học: Thắp đèn lên, dầu vương ra đế. Câu đối của thầy tuy nhìn đơn giản, tả thực nhưng lại hàm ý nói đến quyền lực của vua, vì chữ "đế" và chữ "vương" đều có nghĩa là vua, ngoài nghĩa nói đến cái đế đèn dầu và dây ra, rơi rớt bên ngoài.  Các bạn vẫn còn đang cân nhắc, tìm từ ngữ để đối lại vế đối khá hóc búa của thầy, không ngờ cậu học trò Nguyễn Sinh Cung, tên Bác Hồ thời niên thiếu đã lễ phép đứng lên xin thầy đối lại: Cưỡi ngựa phi, thẳng tấn lên đường. Tương ứng như vậy, vế đối của trò Cung cũng có hai từ "tấn" và "đường" đều mang hai nghĩa. "Tấn" vừa chỉ nghĩa là tiến lên thì còn chỉ nhà Tấn bên Trung Quốc, còn "đường" vừa chỉ đường cái nhưng đồng thời cũng chỉ nhà Đường - một triều đại phong kiến khác của Trung Hoa. Hóa ra, vế đối không những chỉnh về ý và lời mà còn mang một khẩu khí mạnh mẽ, quyết tâm của người ứng đối, thể hiện ý thức độc lập, tự chủ và ngang hàng giữa các triều đại đế vương ở nước ta và phương Bắc. Đọc hai câu đối của Bác, ta chợt liên tưởng đến tư tưởng độc lập, chủ quyền trong thơ Nguyễn Trãi: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/ Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác" (Bình Ngô đại cáo).

Lại có chuyện kể rằng, năm 1905, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đến thăm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ của Bác Hồ, khi hỏi về kế sách cứu nước, Phan Bội Châu đã không ngần ngại nêu ra một vế đối:

 Tiết hậu đăng trình, lao cán thiên trùng, vọng hoàn thắng viện
    (Sau Tết sẽ lên đường, vất vả ngàn trùng, mong tìm được sự viện trợ)

Lúc này, Nguyễn Sinh Cung khi đó cũng đã 15 tuổi đứng phía sau hầu nước cho cha và cụ Phan, đã xin phép đối lại:

    Đông tiền thượng lộ, tri khu vạn lý, cầu đạt chính thư
    (Trước mùa đông lên đường, đường dài rong ruổi, cầu rằng có được một chính sách đúng)

Hai vế đối đều nói lên tư ưởng và khát vọng lớn lao của hai con người giàu nghị lực và ý chí, khát khao cứu nước thoát khỏi vòng nô lệ. Có điều, ở Phan Bội Châu thì cầu mong sự giúp đỡ từ nước khác về tiền bạc, vũ khí để đánh giặc; riêng câu đối của Nguyễn Sinh Cung lại tràn đầy khát vọng tự chủ, độc lập, mong tìm ra con đường chính nghĩa đúng đắn để cứu nước. "Chính thư" là nguyên tắc bất biến của Người trong suốt hành trình vạn dặm để tìm ra chân lý cứu nước, cứu dân.

Đọc một số câu đối thuở còn niên thiếu, chúng ta không thể không cảm phục một trí tuệ mẫn tiệp hơn người của Bác, đặc biệt hơn, qua những câu đối xuất thần ấy, Người tỏ ra đã có một tư tưởng độc lập, tự chủ khi xác định dấn thân tìm ra con đường giải phóng cho Tổ quốc. Sau này khi Cách mạng tháng Tám thành công, tư tưởng ấy lại càng sáng rõ hơn nữa khi Bác làm câu đối nhân Tết Độc lập đầu tiên:


        Rượu Cộng hòa, Hoa bình đẳng, mừng Xuân Độc lập
        Bánh tự do, Giò bác ái, ăn Tết Dân quyền


Trong một câu đối mừng xuân, chỉ gói gọn có mười tám chữ, song Hồ Chủ tịch đã chuyển tải nhiều thông điệp đến với nhân dân. Tư tưởng độc lập, tự do và chủ quyền của Bác một lần nữa thể hiện khá sâu sắc, hơn nữa khát vọng hòa bình, bình đẳng gắn với ấm no, hạnh phúc là điều luôn thường trực cháy bỏng trong trái tim Người. Câu đối giản dị mà hàm chứa nhiều ý vị, có cả các món ăn ngày tết như rượu, hoa, bánh, giò; nhưng cái hay ở đây là các định ngữ đi kèm với thực phẩm mừng xuân lại hàm chứa nhiều tư tưởng và khát vọng về hòa bình, bình đẳng, độc lập, tự do...

Một mùa xuân mới lại về trên đất nước ta, đó là mùa xuân độc lập thực sự đầu tiên sau cuộc kháng chiến chống Pháp hoàn toàn thắng lợi. Tuy Tổ quốc tạm thời bị chia cắt làm hai miền, trái tim Bác cũng chưa thể vui một niềm vui trọn vẹn, song trước vẻ đẹp của đất trời vào xuân, nhân dân miền Bắc nô nức đón chào cái tết Ất Mùi 1955, trong bài Chúc mừng năm mới, Hồ Chủ tịch đã sáng tác hai câu đối, tuy nôm na nhưng lại chan chứa ân tình và khát vọng của Bác, thể hiện đậm nét tư tưởng nhất quán về một Việt Nam độc lập, thống nhất và dân chủ, tự do:

    Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, tam dương khai thái
    Đoàn kết, Thi đua, Tiết kiệm, ngũ phúc lâm môn

Đọc câu đối trên, ta tưởng như bắt một niềm vui qua ánh nhìn của Bác, một niềm vui chưa thực sự viên mãn, tràn đầy, song đó là cả một hạnh phúc lớn lao, một niềm tin vững chắc vào hiện thực đất nước, đồng thời cũng là lời chúc thái bình, hạnh phúc đến với muôn dân sau bao năm kháng chiến can trường, gian khổ. Tâm hồn, trí tuệ và tình yêu lớn lao của Bác Hồ đối với Tổ quốc và nhân dân thật sự có sức sống vững bền không gì lay chuyển được.

Làm câu đối nhân dịp Tết cổ truyền là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ xưa đến nay, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn trọng văn hóa, lễ nghĩa. Bác Hồ không những là nhà cách mạng vĩ đại, ở Bác còn toát ra cốt cách của một nhà văn hóa lớn, yêu thích văn chưong, đặc biệt là tài năng ứng khẩu, sáng tác câu đối. Điều thú vị là qua những câu đối lúc còn niên thiếu cũng như khi làm Chủ tịch nước, bao giờ Người cũng thể hiện một tư tưởng lớn, tư tưởng độc lập, chủ quyền và tự do cho vận mệnh đất nước, đồng thời cổ vũ nhân dân đoàn kết, nhất trí một lòng để đưa Tổ quốc tiến lên huy hoàng phía trước.


LÊ THÀNH VĂN