Khúc Thừa Dụ - người đặt nền móng ngoại giao nước Việt
Danh nhân - Ngày đăng : 09:09, 21/02/2015
Khúc Thừa Dụ được biết đến là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền ngoại giao Việt Nam...
Khúc Thừa Dụ là người có công mở nền độc lập, tự chủ cho dân tộc ta sau nghìn
năm Bắc thuộc và cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho nền ngoại giao Việt Nam
Trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, Khúc Thừa Dụ cho một phái bộ sang thần phục nhà Đường,thực hiện sách lược “nhu chế cương”. Năm Thiên Hựu thứ ba (906), nhà Đường phải chấp nhận sự việc đã rồi, đành công nhận Tiết độ sứ Khúc Thừa Dụ, còn phong thêm cho ông chức Đồng Bình Chương sự (tức là đại thần cực phẩm, cùng ngồi bàn việc quốc quân trọng sự). Sinh thời, giáo sư Trần Quốc Vượng đã bình phẩm rằng, đây là một hành động khôn ngoan của Khúc Thừa Dụ, “cướp chính quyền một cách hòa bình để xây dựng một chính quyền tự chủ trong hoàn cảnh lịch sử ngày xưa”.
Chủ trương hòa hoãn, mềm dẻo của Khúc Thừa Dụ bấy giờ đã tạo điều kiện cho nhân dân Đại Việt và họ Khúc có khả năng giữ vững chủ quyền dân tộc trong 1/4 thế kỷ, tránh nạn binh đao do nhà Đường có thể mưu đồ tái chiếm Đại Việt. Tuy mang danh một chức quan nhà Đường, thực chất Khúc Thừa Dụ đã trở thành người làm chủ đất nước. Ông được lịch sử đánh giá là người mở nền độc lập cho nước Đại Việt. Còn nhân dân tôn vinh là Khúc Tiên chúa, gọi là ông Vua độc lập.
Năm Đinh Mão 907, Khúc Thừa Dụ qua đời. Người con trai là Khúc Hạo kế vị, tiếp tục đường lối ngoại giao với phương Bắc: lấy mềm mỏng, hòa hảo, lấy nhu, trí để thuận cương. Khúc Hạo không xưng vương, xưng đế để tránh gây sự chú ý của phương Bắc. Trong khi đó, ở Trung Hoa các tập đoàn quân phiệt xưng hùng xưng bá, sát phạt lẫn nhau…
Lại nói, từ khi Chu Toàn Trung giết vua Đường Chiêu Tông, lập nên nhà Hậu Lương thì Trung Quốc rơi vào thời kỳ chia cắt và nội chiến kéo dài. Ở miền bắc, xuất hiện 5 triều đại: Hậu Lương (907 - 923), Hậu Đường (923- 935), Hậu Tấn (936-947), Hậu Hán và Hậu Chu, gọi là ngũ đại. Ở phía nam ra đời các nước: Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Tiền Thục, Sở, Hậu Thục, Mân, Kinh Nam, Nam Hán… Đó là thời kỳ “Ngũ đại, thập quốc" (năm đời, mười nước).
Khúc Hạo thay cha đúng vào thời kỳ nhà Hậu Lương vừa thay thế nhà Đường (907). Ông đã khôn khéo cho một phái bộ sang nhà Lương thần phục để giữ yên ổn phương Bắc, tập trung vào sửa sang chính sự nội trị, với mục tiêu cải thiện đời sống dân sinh. Ông đã sai con là Khúc Thừa Mỹ tới Quảng Châu làm “Hoan hảo sứ” (có tài liệu chép là “Khuyến hiếu sứ”) để kết hiếu, thực chất là thăm dò tình hình đối địch…
Cùng với việc cải cách hành chính, kinh tế xã hội, như chia nước ta thành lộ, phủ, châu, giáp, xã, cho sửa lại chế độ điền tô, thuế và lực dịch… Khúc Hạo quan tâm tới quốc phòng, chú ý gìn giữ biên thuỳ. Ông biết lấy tình cảm để thu phục các hào trưởng miền biên viễn và xây dựng lực lượng bảo vệ đô thành, phòng thủ đất nước.
Về nội trị, ông lấy khoan dung, giản dị, yên ổn và vui sống của chúng dân làm mục tiêu. Bốn trăm năm sau, nhà Trần phát triển thành chiến lược "Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước".
Sau này các sử gia coi Khúc Hạo “là nhà cải cách đầu tiên của thời quân chủ Việt Nam".
Như đã nói phần trên, ở phía nam Trung Quốc lần lượt ra đời 10 nước, tranh giành, xâu xé lẫn nhau. Trong số đó Nam Hán mạnh hơn cả, đã xâm chiếm cả một vùng rộng lớn để giương oai thanh thế. Nam Hán cắt đứt quan hệ bang giao với Hậu Lương ở phía bắc.
Đầu năm 917, Lưu Cung lên ngôi hoàng đế Nam Hán. Khúc Hạo đã sai con trai Khúc Thừa Mỹ và Ngô Mân mang lễ vật sang mừng để kết tình bang giao. Cuối năm ấy, Khúc Hạo qua đời, người con trai là Khúc Thừa Mỹ nối ngôi, cai quản đất nước.
Biết Lưu Cung tham vọng lớn, có dã tâm tráo trở, Khúc Thừa Mỹ có ý đề phòng, phái tướng lĩnh tâm phúc lên vùng thượng du liên kết với các tù trưởng các dân tộc thiểu số, tổ chức đội quân địa phương giỏi chiến đấu trong rừng núi. Ông cho thành lập các đội quân thám báo, giả làm người lái buôn, thâm nhập vùng quân Nam Hán dò tin tức.
Tháng 10 năm Canh Dần 930, Nam Hán đem quân tiến đánh nước ta. Khúc Thừa Mỹ bị giặc bắt, giải về Quảng Châu.
Chủ trương ngoại giao của họ Khúc từ thế kỷ 10 đã để lại cho đời sau những bài học quý giá trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Trong kháng chiến chống giặc Minh, thế kỷ 15, Nguyễn Trãi, nhà chính trị quân sự đã dùng ngòi bút viết thư gọi giặc đầu hàng, cùng lưỡi kiếm vung lên đánh đuổi quân xâm lược, kết thúc chiến tranh.
Những năm đầu giành độc lập, nhờ chính sách ngoại giao mềm mỏng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã tranh thủ thời gian, củng cố phát triển lực lượng để kháng chiến trường kỳ chống Pháp thắng lợi…
Nhà sử học Nhật Bản Tatsuro Yamamoto, trong cuốn “Lịch sử mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam - Trung Quốc từ sự trỗi dậy của dòng họ Khúc đến cuộc chiến Pháp - Thanh” (History of international relations between Vietnam and China- Tokyo 1975) đã nhận định: Trải qua các triều đại Khúc, Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn..., các danh nhân đối ngoại: Khúc Thừa Dụ, Lê Văn Thịnh, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhiệm đã đem tài năng ngoại giao góp phần làm rạng danh đất nước. Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học từng nhiều lần khẳng định: Nếu nói đến người đầu tiên đặt nền móng ngoại giao ở Việt Nam, phải ghi công lao của họ Khúc.
THIÊN GIA TRANG