Lập trang trại nuôi chim công cảnh
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:08, 23/02/2015
Chim công, chim trĩ thường nuôi làm cảnh trong các công viên, vườn quốc gia và khu du lịch, còn nuôi ở trang trại tư nhân với mục đích làm kinh tế thì còn khá mới mẻ.
Năm 2014, anh Quỳnh được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng dành cho những nhà nông trẻ xuất sắc |
Ở Hải Dương, trang trại của chàng trai trẻ Nguyễn Đình Quỳnh, thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên (Kinh Môn) là trang trại nuôi chim công cảnh đầu tiên.
Gập ghềnh vào đời
Năm nay, anh Quỳnh mới sang tuổi 30. Trước khi lập trang trại nuôi chim công, trĩ cảnh, anh đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và mưu sinh.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Quỳnh đi học nghề lái xe. Trong thời gian học, anh đi làm thêm, chuyên giao hàng tạp hóa cho các cửa hàng, đại lý. Nhờ nhạy bén, chăm chỉ nên doanh số bán hàng, lương, thưởng của anh luôn đạt cao hơn những nhân viên khác và tích lũy được một số vốn kha khá. Anh tự lái xe kiêm luôn giao hàng để nâng cao thu nhập. Khi đã tích lũy đủ vốn, anh trở về quê, vay mượn mua một xe ô-tô tải để chở đá trong các mỏ.
Vừa lái xe công trường, anh Quỳnh vừa kiêm môi giới nhà đất nên thu nhập khá cao, bảo đảm cuộc sống ổn định cho gia đình. “Nhưng kiếm tiền dễ và tiêu tiền cũng dễ! Do tuổi trẻ nông nổi, ham vui nên khi có tiền tôi cũng sa vào chơi bời, lô đề, cờ bạc. Khi đã ngập sâu rồi tiền đốt vào những cuộc chơi lớn hơn và số tiền kiếm được lại giảm đi. Có thời điểm tôi nợ khá nhiều. Cuộc sống gia đình đảo lộn”, anh Quỳnh tâm sự.
Không để tình hình xấu thêm, anh đã từ bỏ thú ăn chơi, tiêu tiền vô bổ, xuống Hải Phòng làm thuê trong một quán bi-a. Với sự nhạy bén trong điều hành, anh đã giúp quán có đông khách đến chơi. Giai đoạn này, anh chi tiêu tiết kiệm để dành tiền trả nợ. Mấy năm sau, trả hết nợ và tích cóp được một số vốn nhỏ, anh trở về quê đầu tư làm ăn.
Khởi nghiệp từ 16 triệu đồng
Năm 2009, anh Quỳnh quyết định khởi nghiệp bằng việc mở trang trại nuôi chim công, chim trĩ cảnh. Anh cho biết: “Lúc đầu vốn ít, trong khi nuôi công, giá con giống cao và phải mất vài năm mới cho thu nhập nên tôi đầu tư nuôi chim trĩ trước”. Với 16 triệu đồng, anh mua được 4 cặp chim trĩ đỏ khoang cổ trắng. Anh đã vào tận Bình Dương, Tây Ninh để tìm hiểu kỹ thuật nuôi chim trĩ. Loại chim này mắn đẻ nên 1 năm đầu, anh tập trung cho ấp trứng để nhân giống, mở rộng chuồng trại. Năm 2010 - 2011, trang trại của anh có hơn 300 con chim trĩ bố mẹ. Đến đầu năm 2011, anh bán chim trĩ giống để trang trải và tái đầu tư.
Lúc này có vốn, anh bắt đầu nghĩ tới việc đầu tư nuôi chim công. Tìm hiểu trên mạng, sách báo và sự chỉ dẫn, anh biết ở vườn quốc gia Cúc Phương bán chim công giống Ấn Độ. Năm 2012, anh cầm 60 triệu đồng đi xe máy một mạch, vượt qua chặng đường dài hơn 170 km đến Cúc Phương để mua chim giống. Anh mua được 4 cặp chim công trưởng thành, mỗi cặp giá 15 triệu đồng.
Nghe ở Thái Nguyên có người nuôi công, đúng dịp trang trại của gia đình đang cần bổ sung chim đực để đa dạng nguồn giống, anh lại lên đường. Trời lạnh buốt nên khi về tới nhà, mở thùng buộc phía sau xe, con công đã chết cóng từ lúc nào. Công sức, tiền bạc tiêu tan. Lần khác, có con mèo lẻn vào chuồng, giống chim công Ấn Độ vốn rất nhát nên cả đàn sợ hãi nháo nhác, rồi một con công đực trưởng thành sợ quá bay lên đập đầu vào mái chuồng chết.
Thiệt hại lớn nhất là lần cả đàn mắc dịch bệnh Newcastle làm gia đình anh lao đao. Thời điểm đó, toàn trang trại có 70 con công trắng, xanh, ngũ sắc. Do chủ quan trong việc xuất bán khiến đàn công bị mắc bệnh. Mỗi ngày, anh lại chứng kiến vài ba con chết. Xót ruột, anh tìm đủ cách, thậm chí điện thoại hỏi các chuyên gia để nhờ tư vấn cách chữa trị. Nhờ vậy, anh đã khống chế được dịch bệnh. Tuy vậy, đợt dịch đó anh mất 24 con công, thiệt hại 400 triệu đồng.
Giải thưởng nhà nông trẻ xuất sắc
Càng nuôi anh Quỳnh càng say mê loại chim này vì vẻ đẹp của nó, nhất là những lúc ngắm chim xòe đuôi múa lượn, anh càng thêm tự tin và hy vọng vào tương lai.
Vừa nuôi, vừa mở rộng chuồng trại, đến nay trang trại của gia đình anh có 16 chuồng, mỗi chuồng rộng từ 30 - 40 m2, chia làm 3 dãy, trong đó một dãy nuôi chim trĩ, 2 dãy nuôi chim công. Anh còn đầu tư mua 2 máy ấp trứng để sản xuất con giống (1 máy công suất 300 trứng và 1 máy 500 trứng). Hiện nay, trang trại của anh bán cả công cảnh và công giống. Anh luôn giữ chữ tín với khách hàng. Khi bán cho ai, anh cũng tận tình tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Hai năm 2013 - 2014, mỗi năm trang trại của anh cho lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện gia đình anh còn hơn 30 con công bố mẹ, hơn 100 con chim trĩ.
Trước khi chia tay với chúng tôi, anh Quỳnh cho biết: “Tôi đang có kế hoạch mua đất để mở rộng trang trại lên 3.600 m2, nâng chim công bố mẹ lên 100 con và đi sâu vào phát triển giống chim trĩ đỏ 7 màu Nhật Bản quy mô 300 con. Loài chim trĩ cảnh này đang được giới chơi chim cảnh ưa chuộng và có giá trị kinh tế cao”.
Nghe nhà nông trẻ Nguyễn Đình Quỳnh nói và nhìn cách anh làm, tôi tin anh sẽ thành công.
VIỆT CƯỜNG