Cuộc cách mạng” trên đồng ruộng
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:08, 23/02/2015
Chia ruộng cho dân khi dồn điền, đổi thửa ở xã Hồng Phong (Ninh Giang)
Những cánh đồng lớn
Ông Vũ Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thành (Ninh Giang)cho biết, ngày giao ruộng, cánh đồng thôn Đông Tân, xã Ninh Thành vui như hội. Người chăng dây, người đóng cọc cười nói rôm rả. Cán bộ địa chính xã đưa từng hộ đến nhận ruộng nhà mình. Ngày thôn tổ chức họp dân bàn việc dồn ruộng, nhiều người còn băn khoăn lo mình nhận phải ruộng trũng, ruộng xấu, vậy mà khi một số cán bộ, đảng viên xung phong nhận ruộng khó canh tác về mình lòng dân đã thông. Rồi từ tuyên truyền, vận động đến đưa người dân đi tham quan mô hình sản xuất lúa tập trung sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) ở Thanh Miện, xã đã hoàn thành DĐĐT chỉ trong 50 ngày.
Sau DĐĐT, mỗi hộ nông dân ở xã Ninh Thành chỉ còn từ 1-2 thửa ruộng. Mỗi thửa rộng trên 800 m2, cách 2 lô lại có một bờ lô rộng từ 3-4 m. Đường giao thông nội đồng được đổ bê-tông rộng 5-6 m.
“Mục sở thị” cánh đồng thôn Hợp Lễ, xã Long Xuyên (Bình Giang) ngay sau khi xã hoàn thành DĐĐT và chỉnh trang đồng ruộng (CTĐR), chúng tôi ngạc nhiên vì sự thay đổi rõ nét ở đây. Từ một cánh đồng cao thấp, lồi lõm, thửa to, thửa nhỏ không đồng đều thì nay đã là những thửa ruộng lớn, bằng phẳng, kênh mương, đường ra đồng rộng thoáng. Ông Vũ Hồng Chuyển, Trưởng thôn Hợp Lễ bảo: "DĐĐT xong nhân dân phấn khởi lắm. Đồng ruộng như được thay da, đổi thịt. Khoảng cách ruộng tốt, ruộng xấu không còn. Đường bê-tông ra tận ruộng, kênh mương được kiên cố, nông dân không phải lo ruộng xa hết nước, đi lại khó khăn như trước". Những ngày DĐĐT, CTĐR ở Long Xuyên nhộn nhịp như một công trường. Người dân phấn khởi, cán bộ xã, thôn thở phào vì một chủ trương lớn tưởng chừng khó thực hiện được thì nay lại có thể làm nhanh gọn chỉ trong 2 tháng.
DĐĐT đã khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, nhân dân đồng tình hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. DĐĐT, CTĐR đã giúp quy vùng được các diện tích công điền, đất dành cho các mục đích phi nông nghiệp, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, hạn chế việc nông dân bỏ ruộng. Nhờ có những bờ lô rộng rãi nông dân đã bớt vất vả. Việc tưới tiêu chủ động hơn do bờ kênh đã được khơi thông, làm rộng.
Sản xuất chuyên nghiệp
Sau khi một số địa phương của huyện Thanh Miện hoàn thành DĐĐT, CTĐR, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Áp dụng cơ giới trong sản xuất không phải là chuyện mới lạ nhưng đưa máy móc phục vụ từ khâu làm đất đến thu hoạch trên những thửa ruộng lớn thì chưa địa phương nào ở Thanh Miện làm được trước đó. Ông Bùi Hữu Tiếp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: DĐĐT, CTĐR không chỉ tạo ra diện mạo mới cho đồng ruộng mà còn làm thay đổi cách nghĩ, nếp làm của bà con nông dân. Khi triển khai thực hiện mô hình đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa vụ xuân năm 2014, nông dân đã hăng hái tham gia. "Nhờ ruộng lớn mà gia đình tôi trồng lúa không chỉ để ăn mà còn để bán. Thậm chí bán thóc tươi ngay tại ruộng sau thu hoạch không phải mất công phơi hong như trước. Rơm, rạ thừa gom lại để làm phân vi sinh. Chuyện bỏ ruộng, cho ruộng sẽ không còn", ông Nguyễn Văn Sinh ở thôn Hậu Bổng, xã Quang Minh (Gia Lộc) nói.
Nhờ dồn điền, nông dân đã sử dụng máy cấy thay cho cấy thủ công trước đây
Nhờ có ruộng lớn, nhiều địa phương trong tỉnh đã hăng hái quy hoạch các vùng chuyên canh, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, hướng sản xuất nông nghiệp đến hiện đại, chuyên nghiệp. Nông dân mạnh dạn bắt tay với doanh nghiệp để sản xuất. Ở Ninh Thành, ngay vụ đầu tiên sau DĐĐT đã xây dựng được 8 vùng sản xuất tập trung theo mô hình 3 chung "một vùng, một giống, một thời gian". Những mô hình này đã cho năng suất cao vượt trội so với các vụ trước. Chi phí cho sản xuất cũng tiết kiệm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian chưa đủ dài để minh chứng đầy đủ cho những tác dụng của việc DĐĐT, CTĐR. Nhưng bước đầu ở những địa phương đã hoàn thành đang tạo ra bước ngoặt mới cho sản xuất nông nghiệp. Ở đó có những cánh đồng chuyên canh, cánh đồng một vùng, một giống, một thời gian... và từ đó có những “cánh đồng trăm triệu”. Mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại ở tỉnh ta chưa nhiều cũng do rào cản từ ruộng đất manh mún. DĐĐT, CTĐR sẽ tạo ra một “cuộc cách mạng” mới trên đồng ruộng Hải Dương.
LAN ANH
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau dồn điền, đổi thửa, số thửa bình quân/hộ cơ bản đạt từ 1-2 thửa. Diện tích trung bình mỗi thửa trên 800 m2. Thửa có diện tích lớn nhất là 7.800 m2 tại xã Bình Xuyên (Bình Giang). Sau dồn điền, đổi thửa, chiều dài trung bình mỗi lô đạt 40 - 50 m, tăng từ 25 - 30 m/lô so với trước. Xã An Thanh (Tứ Kỳ) có chiều dài trung bình lô sau dồn điền, đổi thửa lớn nhất (60m/lô). |